Tuesday, February 24, 2015

Bắc Hàn sẽ ‘theo chân’ Việt Nam?

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc tập trận của đơn vị pháo binh quân đội nhân dân Triều Tiên trên máy vi tính.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi cuộc tập trận của đơn vị pháo binh quân đội nhân dân Triều Tiên trên máy vi tính.
VOA Tiếng Việt
24.02.2015
Tổng thống Hàn Quốc mới đây đã lấy Việt Nam làm ví dụ cho Bắc Hàn để thúc đẩy quốc gia bị cô lập này cải cách và mở cửa đất nước.

Tại một cuộc họp của Ủy ban Chuẩn bị Thống nhất mà bà thành lập hồi tháng Bảy năm ngoái, bà Park Geun-hye phát biểu rằng Bắc Hàn “nên nhanh chóng hướng tới cải cách và đối thoại bằng việc thừa nhận làn sóng thay đổi, thay vì phớt lờ nó”.

Nhà lãnh đạo của Nam Triều Tiên cũng nói thêm rằng một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã trở nên phát triển sau khi chấp nhận cải cách và mở cửa quốc gia.

Ông Peter Beck, một thành viên của tổ chức phi chính phủ có tên gọi Ủy ban Quốc gia về Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ, nói với VOA Việt Ngữ rằng Việt Nam và Bắc Hàn là “đồng minh thân thiết nhiều năm qua và mối quan hệ giữa hai nước hết sức gần gũi”.

Trong các cuộc trao đổi của tôi với các quan chức Bắc Hàn, rõ ràng họ đã nhận thấy cần phải thay đổi. Câu hỏi hiện nay là, nếu họ theo chân Việt Nam, thì họ sẵn sàng thay đổi bao nhiêu? Rõ ràng là họ không tự tin, và tôi hy vọng trường hợp của Việt Nam sẽ giúp họ tự tin mở cửa và đổi mới.
Chuyên gia về Triều Tiên Peter Beck.
Chuyên gia về Triều Tiên này cũng nói rằng so với Trung Quốc, ông nghĩ mô hình phát triển của Việt Nam “khá hấp dẫn” đối với Bình Nhưỡng vì Hà Nội cho Bắc Hàn thấy rằng “họ có thể thực hiện những thay đổi đối với nền kinh tế, cải cách và mở cửa ra thế giới bên ngoài mà vẫn không gây mất ổn định chính quyền”.

“Việt Nam không trải qua 'thời khắc Thiên An Môn' như Trung Quốc đã kinh qua năm 1989. Đối với chính quyền Bình Nhưỡng, đó là điều đáng sợ đối với họ khi dân chúng đứng lên chống chính quyền như từng xảy ra ở Trung Quốc. Còn Việt Nam khá là ổn định trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế. Tôi nghĩ, đối với Bắc Hàn, Việt Nam hấp dẫn hơn so với Trung Quốc.”

Trong khi đó, ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều lại có cách nhìn khác. Ông cho VOA Việt Ngữ biết rằng qua các cuộc trao đổi với các quan chức Triều Tiên, ông không thấy họ đề cập tới việc “theo chân” Việt Nam.

“Người Triều Tiên hình như họ có cách làm riêng, và nhiều khi trong quan hệ ngoại giao nhân dân, họ chỉ luôn luôn nói tới độc lập tự chủ của họ thôi, chứ còn chả bao giờ họ nói rằng là họ bắt chước hay là họ theo mẫu Việt Nam cả. Tôi cũng ngồi ăn cơm nhiều lần với ông Đại sứ Triều Tiên nhưng mà không thấy họ nói cái đó. Người Triều Tiên họ có cái tính tự trọng rất là đặc biệt. Họ không muốn nói gì đến ai hơn họ đâu. Họ có đường lối riêng và không  muốn phụ thuộc vào ai cả.”

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hiện vẫn viện trợ lương thực cho quốc gia nghèo khó nằm trên bán đảo Triều Triên.

Trong chuyến thăm của một giới chức cấp cao Bắc Hàn tới Việt Nam hồi năm 2012, Hà Nội tuyên bố tặng người dân ‘đất nước anh em’ 5 nghìn tấn gạo để đối phó với thiên tai.

Khi được hỏi là kể cả Bình Nhưỡng học tập và thực hiện các cải cách như Việt Nam, liệu họ có thành công hay không. Chuyên gia về Triều Tiên Peter Beck nói:

“Việt Nam đã thực thi các cải cách trong ba thập kỷ qua, và Bình Nhưỡng có quá nhiều thời gian để học hỏi. Nhưng việc nước này cho tới nay vẫn chưa làm theo Việt Nam cũng khiến chúng ta cần phải thận trọng khi đánh giá. Trong hai thập niên qua, công cuộc đổi mới diễn tiến khá chập chạp ở Bắc Hàn, nên tôi không kỳ vọng vào một sự đột phá nào. Trong các cuộc trao đổi của tôi với các quan chức Bắc Hàn, rõ ràng họ đã nhận thấy cần phải thay đổi. Câu hỏi hiện nay là, nếu họ theo chân Việt Nam, thì họ sẵn sàng thay đổi bao nhiêu? Rõ ràng là họ không tự tin, và tôi hy vọng trường hợp của Việt Nam sẽ giúp họ tự tin mở cửa và đổi mới”.

Người Triều Tiên hình như họ có cách làm riêng, và nhiều khi trong quan hệ ngoại giao nhân dân, họ chỉ luôn luôn nói tới độc lập tự chủ của họ thôi, chứ còn chả bao giờ họ nói rằng là họ bắt chước hay là họ theo mẫu Việt Nam cả.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Triều Phạm Tất Dong.
Hồi đầu năm, Đại sứ quán Triều Tiên đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm lần thứ 65 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên.

Theo báo chí trong nước, Đại sứ Kim Chang In bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hai nước trong 65 năm qua và khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục nỗ lực để cùng Việt Nam tăng cường và phát triển hơn nữa tình hữu nghị và sự hợp tác trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như văn hóa.

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Triều Phạm Tất Dong cho biết rằng ông muốn “mở ra những quan hệ kinh doanh, hơn là chỉ có hữu hảo với nhau”.

“Hai bên nói lên cố gắng ủng hộ lẫn nhau để phát triển và ủng hộ đường lối độc lập của mỗi nước. Tuy nhiên, tôi rất muốn đưa một số doanh nghiệp của Việt Nam sang Triều Tiên để mở mang ra việc này, việc khác. Thậm chí những anh em của tôi, những người làm cùng Hội hữu nghị Việt – Triều gợi ý họ về xây dựng nhà máy này, nhà máy khác, cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác nhưng không thể nào mở được, và cho đến lúc này vẫn bế tắc”.

Trong dịp kỷ niệm trên, các quan chức cấp cao của Việt Nam cũng đã gửi điện chúc mừng tới các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ vật chất cho ‘quốc gia anh em cộng sản’ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.

Hơn một thập kỷ sau, năm 2004, Bình Nhưỡng cũng tỏ ý không hài lòng sau khi Hà Nội cho phép hàng trăm người Bắc Hàn sang Nam Triều Tiên tỵ nạn sau khi họ đào tẩu qua ngả Việt Nam.

No comments:

Post a Comment