Tuesday, February 3, 2015

Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đi về đâu?

Binh sĩ đứng gác trước biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập tại Hà Nội, ngày 2/2/2015.
Binh sĩ đứng gác trước biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam trong lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập tại Hà Nội, ngày 2/2/2015.
VOA Tiếng Việt
03.02.2015
Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay kỷ niệm 85 năm ngày thành lập, trong bối cảnh có nhiều tiếng nói kêu gọi “đa nguyên, đa đảng” và “cạnh tranh bình đẳng”.

Phát biểu tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới điều mà ông gọi là “những kỳ tích” của Đảng trong thế kỷ XX và là “bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam”.

Ông cũng cho rằng, hiện nay, “ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, nạn tham nhũng là vấn đề sống còn của chế độ”.

Blogger Lã Việt Dũng, người khởi xướng phong trào “Tôi không thích Đảng cộng sản” ở Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng, ngày 3/2 từ lâu không còn ý nghĩ gì với nhiều người dân. Ông nói:

Blogger Lã Việt Dũng, người khởi xướng phong trào 'Tôi không thích Đảng cộng sản'
Blogger Lã Việt Dũng, người khởi xướng phong trào 'Tôi không thích Đảng cộng sản'
“Nói thật là tôi thấy nó chỉ là một cái trò kịch cỡm trên truyền hình, khi mà người ta quá giả dối và người ta nói về những thành tựu mà đảng Cộng sản làm ra. Nhưng mà thực trạng xã hội như thế nào thì toàn dân đều biết. Dân ngày càng nghèo hơn, tham nhũng thì tràn lan mà chủ quyền quốc gia ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.”

Ông Dũng cho rằng đảng luôn tìm cách “duy trì chế độ độc tài, độc đảng và bảo vệ sự tồn vong của đảng hơn là sự tồn vong của dân tộc”.

Trong khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói tới việc “nhiều thế lực tìm mọi cách phá hoại Việt Nam bằng thông tin xuyên tạc, vu cáo đảng, nhà nước, kích động chia rẽ nội bộ đảng, nhà nước”.

Tôi thấy chỉ là một trò kịch cỡm trên truyền hình, khi mà người ta quá giả dối và người ta nói về những thành tựu mà đảng Cộng sản làm ra. Nhưng mà thực trạng xã hội như thế nào thì toàn dân đều biết. Dân ngày càng nghèo hơn, tham nhũng thì tràn lan mà chủ quyền quốc gia ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Blogger Lã Việt Dũng.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến từng bị cầm tù, cho rằng tất cả những thách thức đối với Đảng cộng sản Việt Nam trong những năm gần đây “là hậu họa tồn dư lại của những đường lối sai lầm từ quá khứ”.

Ông Giang nói với VOA Việt Ngữ rằng để “sửa đổi được lỗi hệ thống thì phải thay đổi chế độ chính trị”.

“Hậu quả dẫn tới những bế tắc mà hiện bây giờ nhiều cái không có thể gỡ ra được, từ những cái lớn như tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế như thế nào để giữ lấy sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, cho đến việc chống tham nhũng, phát triển kinh tế để ngăn trở sự tụt hậu của đất nước, thì những cái đó đều do sai lầm ở tầm cỡ lớn, sai lầm ở cỡ đường lối, chính sách, chủ trương, chứ không chỉ là sai lầm ở bên thực thi của nhà nước hay là của chính phủ mà là sai lầm ở chủ trương, đường lối. Như vậy, muốn chữa được cái đó, muốn chống lại sự tan rã và sự rối loạn xã hội thì phải sửa đường lối chủ trương, tức là phải nhận thức được yêu cầu cốt lõi là phải thay đổi chế độ chính trị, chứ không thể nói như Nguyễn Phú Trọng là giữ nguyên bản chất, chế độ chính trị mà có thể vượt qua được nguy cơ của sự sụp đổ”.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tháng trước, ông Trọng nói rằng “đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của đảng, nhà nước mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia”.

Khi được hỏi về ý kiến của nhiều quan chức trong nước cho rằng đa đảng sẽ đồng nghĩa với bất ổn xã hội, blogger Lã Việt Dũng nói rằng ông không nghĩ như vậy.

Ông Dũng nói thêm rằng nếu muốn tồn tại thì Đảng Cộng sản Việt Nam “phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng, cạnh tranh bình đẳng với các đảng phái khác”.

"Muốn chống lại sự tan rã và sự rối loạn xã hội thì phải sửa đường lối chủ trương, tức là phải nhận thức được yêu cầu cốt lõi là phải thay đổi chế độ chính trị, chứ không thể nói như Nguyễn Phú Trọng là giữ nguyên bản chất, chế độ chính trị mà có thể vượt qua được nguy cơ của sự sụp đổ."-Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang.

2015 được coi là năm bản lề cho Đảng cộng sản Việt Nam vì đầu năm sau sẽ diễn ra Đại hội đảng lần thứ 12 với việc bầu chọn ban lãnh đạo cấp cao nhất cho nhiệm kỳ mới.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung quốc mới đây đưa ra nhận định cho rằng 2015 sẽ là “một năm sống còn cho cuộc chơi ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam”, và rằng trong năm nay, Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với một tình thế còn căng thẳng hơn so với năm 2014” từ Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng gửi điện chúc mừng tới phía Việt Nam. Theo Tân Hoa Xã, phía Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Việt Nam để thúc đẩy hợp tác chiến lược đi đúng hướng”.

Cũng theo hãng tin này, Trung Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng rằng phía Việt Nam “sẽ thực hiện được các mục tiêu cải cách và tiến hành Đại hội đảng 12 với thành công lớn hơn nữa”.

Trong khi đó, hãng tin KCNA của Bắc Hàn cho biết Chủ tịch nước này, ông Kim Jong Un, cũng đã gửi lời chúc mừng tới ông Nguyễn Phú Trọng nhân 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

No comments:

Post a Comment