Monday, January 5, 2015

Huyện Thanh Chương (Nghệ An): Chợ hàng chục tỷ đồng bỏ hoang

Nhằm thay thế cho chợ cũ đã bị xuống cấp, một trung tâm thương mại với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng đã được xây dựng thay thế. Tuy nhiên, dù đã khai trương hơn 4 năm nhưng trung tâm thương mại này đã trở thành phế tích...

Được biết, ngày 20/12/2007, UBND tỉnh Nghệ An đã ký phê duyệt quy hoạch chi tiết về mặt bằng tổng thể xây dựng khu Trung tâm Thương mại chợ Rộ tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Đến tháng 8/2008, CTCP thương mại Đầu tư miền Bắc có trụ sở tại số 6, ngõ 3 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội chính thức khởi công xây dựng dự án: Trung tâm Thương mại đầu tư GATE MART – khu chợ Rộ và hộ kinh doanh dân cư mới tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương.


Dù đã khai trương từ 19/5/2010, nhưng đến nay chợ vẫn không thể hoạt động

Theo quy hoạch, dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 21,9 tỷ đồng và được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một triển khai xây dựng từ quý III/2008, hoàn thành cuối năm 2009 với kinh phí đầu tư là 11,7 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình chính của trung tâm thương mại. Giai đoạn hai được triển khai từ ngày 1/1/2010 đến năm 2012 thì hoàn thành với tổng số vốn là 10,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình phụ và hoàn thiện một số hạng mục còn lại của khu thương mại.

Toàn bộ dự án được quy hoạch trên diện tích đất hơn 30.000m2, tương đương hơn 3 hecta đất hai vụ lúa với 10 công trình chính được xây dựng gồm: đình chợ lớn, đình chợ nhỏ, ki-ốt dịch vụ, nhà vệ sinh, khu giải khát, trạm điện, trạm nước, nhà bảo vệ, hệ thống sân nền và bờ bao quanh trung tâm thương mại. Nhưng cho đến nay, công trình xây dựng chỉ mới xây dựng được các hạng mục như: đình chợ lớn, đình chợ nhỏ và các ki-ốt dịch vụ. Còn các hạng mục như nhà vệ sinh, trạm điện, trạm nước, mặt bằng sân nền, nhà bảo vệ... vẫn đang còn bị bỏ dở.

Chưa hết, toàn bộ diện tích đất xung quanh đình chợ lớn bỏ dở lâu ngày nên cỏ mọc um tùm, khu thương mại trở thành nơi để người dân xung quanh xả rác, chăn thả trâu bò. Không chỉ riêng hệ thống điện nước chưa được hoàn thiện mà đường vào khu thương mại cũng chưa được xây dựng,  hệ thống thu gom rác thải và xử lý rác thải còn chưa có. Dù vậy, vào dịp 19/5/2010, chủ đầu tư đã tiến hành lễ khai trương khu Trung tâm thương mại chợ Rộ.

Tuy nhiên, theo phản ánh, sau khi khai trương xong thì chợ chỉ đi vào hoạt động èo uột với một vài ki-ốt lẻ tẻ rồi sau đó... bỏ hoang cho đến tận bây giờ.

Một người dân ở xóm Thượng Đức, xã Võ Liệt từng làm bảo vệ cho công trình này, cho biết: “Trong giai đoạn thi công chợ này, tôi là một trong 3 người được thuê để làm bảo vệ. Sau khi xây dựng được một số hạng mục cơ bản thì chợ chính thức khai trương vào tháng 5/2010. Thế nhưng, những tháng ngày đầu tiên khai trương cũng chính là những phiên họp cuối của ngôi chợ này”.

Theo một số người dân xã Võ Liệt, việc các tiểu thương quay lưng với Trung tâm thương mại chợ Rộ có nhiều lý do. Trong đó, phải kể đến là người dân đã có thói quen kinh doanh ở chợ cũ ngay sát gần cầu Rộ. Mặt khác, việc thiết kế các ki-ốt trong chợ quá nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chợ này “chết yểu”. Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình chưa được xây dựng xong cũng là nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với ngôi chợ được đầu tư hàng chục tỷ đồng này.

“Chúng tôi là những tiểu thương kinh doanh tại chợ Rộ cũ đã hàng chục năm nay. Việc kinh doanh buôn bán rất tấp nập vì đã có truyền thống từ lâu Hàng ngày có hàng nghìn lượt người trong xã cũng như các xã lân cận về đây tụ họp, buôn bán. Kinh doanh ở nơi có cơ sở vật chất khang trang thì ai cũng thích, nhưng chợ mới cũng có hơn gì đâu? Nếu giờ chuyển lên chợ cũ thì đánh mất thói quen, hơn nữa các khoản phí đóng góp cao hơn, lại không thuận tiện nên chúng tôi không mặn mà” – một tiểu thương ở chợ Rộ đề đạt nguyện vọng.

Việc xây dựng Trung tâm thương mại chợ Rộ để thay thế cho chợ Rộ cũ đã xuống cấp là một chủ trương hợp lý. Thế nhưng, cách triển khai cũng như những bước đi thiếu thích hợp của chủ đầu tư, chính quyền địa phương đã khiến cho ngôi chợ này bị bỏ phí. Thiết nghĩ các cơ quan có trách nhiệm cần phải có biện pháp để hàng chục tỷ đồng không bị... “trôi sông, bỏ bể”.
 Thứ hai - 05/01/2015 09:39
Tác giả bài viết: Châu Quỳ
Nguồn tin: Thời Báo Ngân Hàng

No comments:

Post a Comment