Tuesday, November 18, 2014

Tính toán sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông

(Baodatviet) - Biển Đông đang ngày càng trở thành không gian cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra trong hai ngày 17 và 18/11, tại TP Đà Nẵng.
Trung Quốc phạm sai lầm chiến lược nghiêm trọng
Đánh giá về các xu hướng môi trường địa chiến lược ở Biển Đông hiện nay, một số học giả nhận định rằng một mặt, Trung Quốc điều chỉnh nhãn quan khu vực, có các sáng kiến lớn về cấu trúc an ninh tương lai và hợp tác biển cho khu vực.
Mặt khác, Trung Quốc lại đẩy mạnh củng cố yêu sách chủ quyền và vùng biển thông qua việc xây dựng năng lực cho các lực lượng quân sự và bán quân sự, thực thi các hoạt động trên biển, xâm phạm lợi ích của các nước ven biển, làm gia tăng nghi ngại và suy giảm lòng tin chiến lược giữa các nước trong khu vực, tăng cạnh tranh giữa các nước lớn ở Biển Đông và tác động tiêu cực đến triển vọng giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Cựu Phó Đô đốc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Yoji Koda, Cố vấn Tập đoàn Liên hiệp Biển Nhật Bản nhấn mạnh, từ sau việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, nước Việt Nam thống nhất luôn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này dù không phát động thêm bất kỳ hành động quân sự nào trong suốt 40 năm.
“Tháng 5/2014, Trung Quốc có lẽ đã hiểu sai khi coi sự im lặng tương đối suốt 40 năm qua đồng nghĩa với việc Việt Nam từ bỏ yêu sách đối với quần đảo Hoàng Sa nên đơn phương triển khai một giàn khoan dầu ra thăm dò ở khu vực này. Nhưng hành động đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt, cả về quy mô và mức độ, ở Việt Nam.
Làn sóng phản đối phi quân sự chưa từng có này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và giới truyền thông – một điều mà có lẽ Bắc Kinh không hề muốn. Kết quả là họ đã miễn cưỡng dừng lại và rút giàn khoan sớm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Như vậy, có thể Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến lược nghiêm trọng!” – ông Yoji Koda nói.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Quang cảnh buổi Hội thảo
Đồng quan điểm, cựu Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ Anup Singh nhận định trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc nghĩ rằng lý tưởng nhất thì Việt Nam sẽ chấp nhận hiện trạng mới; và trong trường hợp xấu nhất thì phía Việt Nam cũng chỉ có những phản đối ngoại giao. Nhưng có lẽ Trung Quốc đã quên mất rằng các quốc gia phản ứng theo “cá tính” riêng của họ, giống với cá tính con người!
Theo ông, trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã quá tự tin trong các hành động của mình. Họ thấy rằng thế giới đang sợ hãi trước sức mạnh kinh tế, quân sự của họ và họ có thể làm những gì họ muốn theo cách của họ. Tuy nhiên chỉ trong chưa đầy 5 tuần, họ đã phải rút giàn khoan Hải Dương 981 với lý do ngụy biện là thời tiết xấu. Từ đó ông đi đến nhận định: “Trung Quốc đã tính toán sai bước đi ban đầu!”.
Cựu Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ Anup Singh cho rằng, môi trường địa chính trị tại Biển Đông đã thay đổi theo hướng tệ hơn trong 5 năm qua. Nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn trọng yêu sách và hung hăng trong các hành xử thì những căng thẳng của các nước láng giềng sẽ dẫn đến bất đồng, sợ hãi và thất vọng. Sự sợ hãi đang tràn ngập với việc Trung Quốc tiến trên con đường trở thành một cường quốc xét lại.
Đó là lý do tại sao các quốc gia tại đây bắt đầu chiến dịch hiện đại hóa và mở rộng các đơn vị quân sự. Dấu hiệu về một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiển hiện. Cách chọn con đường đi của Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến việc có nhiều quốc gia tìm kiếm biện pháp pháp lý. Đồng thời cũng sẽ dẫn đến việc định hướng lại các liên minh, và khả năng xảy ra các cuộc cạnh tranh “không tốt đẹp” trên biển cũng sẽ cao hơn.
Nỗ lực kiềm chế
Tại Hội thảo, nhiều học giả nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông. 
Học giả Nông Hông, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Luật Biển, Viện Nghiên cứu Nam Hà, Trung Quốc cho rằng có nhiều bước để gia tăng hợp tác trong đó bảo vệ môi trường được coi là động lực. Chủ đề môi trường sẽ được quan tâm ở mức độ cao hơn và được đưa vào chương trình nghị sự và như thế, an ninh môi trường sẽ trở thành động lực để thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tranh chấp giữa các nước trong khu vực liên quan đến việc giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế khác nhau, các học giả đã tập trung phân tích chế độ pháp lý đối với các thực thể trên biển, các vùng biển, đặc biệt là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khu vực nhận diện phòng không tại các khu vực chồng lấn; kinh nghiệm áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 
Các học giả đặc biệt nhấn mạnh, trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn nhằm biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp.
Cựu Phó Đô đốc Hải quân Ấn Độ Anup Singh cho rằng, hành động tốt nhất cho tất cả các quốc gia liên quan là tìm kiếm sự giải quyết công bằng thông qua Tòa Công lý Quốc tế hay Tòa Trọng tài Thường trực một khi các kênh nhằm tìm kiếm một cách giải quyết đa phương giữa các bên tranh chấp không có tác dụng. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường tiếng nói phản đối nguy cơ đe dọa tới tự do trên biển và cho nền kinh tế thế giới.
  • An Nhiên (Tổng hợp VOV, Infonet)

No comments:

Post a Comment