Tuesday, November 18, 2014

Nhân viên không lưu Việt Nam kém vì ‘toàn con cháu’

HÀ NỘI (NV) - Ðó là nhận định của ông Ðinh Việt Thắng, tổng giám đốc tổng công ty Quản Lý Bay Việt Nam (VATM). Nhân vật này tiết lộ nhiều chi tiết đáng ngại về an toàn hàng không ở Việt Nam.

Theo ông Thắng, hiện nay, hệ thống cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của VATM vẫn như giai đoạn cuối thập niên 1990, chưa tiếp cận được trình độ tiên tiến trên thế giới.


Kiểm soát viên không lưu của Việt Nam. (Hình: Thanh Niên)

Tổng giám đốc VATM thú nhận, nguồn nhân lực của cơ quan này hiện kém cả về số lượng, cơ cấu, phẩm chất, lẫn tính kỷ luật và mức độ chuyên nghiệp. Ðã có không ít kiểm soát viên không lưu cãi nhau, đánh nhau khi đang điều hành bay hoặc... bỏ trực.

Ðáng ngại là khối Kiểm Soát Không Lưu có đến 40% nhân viên mà năng lực chỉ ở mức trung bình và yếu. Cả năng lực lẫn kinh nghiệm đều hạn chế, chưa theo kịp mức độ tăng trưởng hoạt động bay và tốc độ thay đổi của công nghệ, kỹ thuật.

Một điểm đáng ngại nữa được chính tổng giám đốc VATM cảnh báo là ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp của nhiều kiểm soát viên không lưu còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng vốn là sự sống còn của VATM trong việc bảo đảm an toàn nên khi làm việc hết sức chủ quan.

Ông Thắng than rằng, VATM thiếu đội ngũ có trình độ cao ở các lĩnh vực trọng yếu như tổ chức vùng trời, phân tích đánh giá và lập kế hoạch phát triển hệ thống.

Ông Thắng thừa nhận, thực trạng vừa kể một phần là do trước đây, trong một thời gian dài, việc đầu tư cho đào tạo, huấn luyện nhân lực chưa hợp lý. Lẽ ra phải từ 10% đến 15% chi phí đầu tư chung nhưng tại Việt Nam lại chưa tới 1%. Phần khác là do các tổng công ty quản lý cảng, quản lý bay nhận toàn... con cháu!

Tuy chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng nhưng càng ngày, lĩnh vực hàng không Việt Nam càng nhiều scandal, khiến người ta lo ngại về thảm họa hàng không.

Theo một thống kê của Cục Hàng Không Việt Nam, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2014, lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đã xảy ra 173 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoài những sự kiện bất thường do các phi công gây ra (đáp lộn phi đạo, không tuân lệnh kiểm soát không lưu nên phi cơ suýt đâm vào nhau,...), lực lượng kiểm soát không lưu của Việt Nam cũng phạm vô số sai lầm, đe dọa an toàn hàng không.

Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng.

Hôm 23 tháng 7, một phi cơ của hãng Jetstar Pacific phải lượn hai vòng trên phi trường Vinh vì phi công bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu. Sau đó, Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, sở dĩ liên lạc giữa phi công với đài kiểm soát không lưu của phi trường Vinh bị gián đoạn là do kiểm soát viên không lưu bấm... nhầm nút tắt liên lạc với phi cơ.

Trước đó, vào ngày 27 tháng 6, trong khi một phi cơ của Vietnam Airlines vừa đáp xuống phi trường Ðà Nẵng và đang chạy từ phi đạo vào bãi đậu thì một kiểm soát viên không lưu ra lệnh cho một phi cơ khác của Jetstar Pacific cất cánh ngay trên phi đạo đó.

Trong vòng 4 giây, các phi công của cả hai phi cơ phát giác kiểm soát viên không lưu nhầm lẫn và báo lại cho đài kiểm soát không lưu Ðà Nẵng, yêu cầu hủy lệnh cất cánh. Nhờ vậy tai nạn thảm khốc do hai phi cơ đâm vào nhau ngay trên phi đạo đã không xảy ra. (G.Ð)
11-18- 2014 2:14:34 PM

No comments:

Post a Comment