Blogger Điếu Cày đến tới phi trường Los Angeles vào lúc 9 giờ đêm 21 tháng 10 năm 2014-AFP
Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-11-08
Với sự tiến bộ của mạng internet, ứng dụng đa truyền thông và sự ra đời của các mạng xã hội, các tù nhân lương tâm bị buộc rời Việt Nam vẫn có thể đấu tranh cho dân chủ từ bất kỳ nơi nào. Ý nghĩa của vấn đề này như thế nào.
Đấu tranh ở đâu hiệu quả hơn?
Việt Nam có 36 triệu người thường xuyên sử dụng internet và trong số này khoảng 25 triệu người sử dụng mạng xã hội facebook. Đây là một lợi thế cho các nhà tranh đấu dân chủ, những người bất đồng chính kiến đang sống ở Việt Nam. Nhưng cũng chính những bài viết phổ biến trên internet, trên mạng xã hội đã dẫn tới việc nhiều nhà tranh đấu, bloggers ở Việt Nam phải ngồi tù thậm chí với những bản án rất nặng. Việc phóng thích những tù nhân lương tâm kiên cường thường bị chính quyền Việt Nam sử dụng như một lá bài để trao đổi quyền lợi với nước ngoài, đồng thời buộc họ phải lưu vong.
Ra ngoài hải ngoại, làm việc trên internet thì không có khoảng cách, tôi cũng không nghĩ rằng tôi bị tách khỏi xã hội Việt Nam thì tôi sẽ không hoạt động, không đấu tranh được.
-Blogger Điếu Cày
Trong quá khứ, nhiều tù nhân lương tâm, tù chính trị khi bị buộc rời khỏi Việt Nam có vẻ bị mất đi môi trường tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và dần dần không còn hoạt động mạnh mẽ.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt một tù nhân lương tâm miễn cưỡng rời khỏi Việt Nam năm 1998 nhận định rằng, đối với những người xuất thân từ chế độ mà đấu tranh ở trong nước thì bao giờ cũng hiệu quả hơn. Ông nói:
“Tiếng nói từ trong lòng chế độ, từ những người sinh ra và lớn lên trong chế độ mà phản đối chế độ thì tiếng nói đó bao giờ cũng mạnh mẽ và có hiệu quả ở trong hơn là ở ngoài.”
Tuy vậy trong trường hợp mới nhất, khi được trả tự do kèm điều kiện rời khỏi Việt Nam vào ngày 20/10/2014, người tù lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải khẳng định công cuộc đấu tranh của mình vẫn tiếp tục. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Bởi vì chúng tôi hoạt động tự do báo chí trên internet mà trên internet thì không có khoảng cách. Còn khi đấu tranh ở trong nước, chúng tôi có tham gia đấu tranh xuống đường biểu tình chống Trung Quốc hoặc là tẩy chay Olympic Bắc Kinh. Trong những cuộc biểu tình đó, câu lạc bộ nhà báo tự do đã nhận vai trò đi đầu, dẫn dắt. Thế nhưng khi anh em chúng tôi bị đàn áp, bị bắt thì những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục xảy ra. Và những cuộc biểu tình sau thì lại càng đông hơn những cuộc biểu tình trước. Như vậy, chúng tôi ngoài việc thắp lửa ban đầu thì không nhất thiết chúng tôi phải có mặt trong những cuộc biểu tình đó mà chúng tôi vẫn cứ giúp được anh em, vẫn cứ giúp được đồng bào, vẫn cứ giúp được phong trào. Đồng thời cũng đã khơi dậy chiến dịch biểu tình chống Trung Quốc. Ra ngoài hải ngoại, làm việc trên internet thì không có khoảng cách, tôi cũng không nghĩ rằng tôi bị tách khỏi xã hội Việt Nam thì tôi sẽ không hoạt động, không đấu tranh được.”
Phải cọ sát với thực tế?
Khi được hỏi là, phải chăng những nhà tranh đấu dân chủ bị buộc phải sống lưu vong vẫn có thể tiếp tục con đường của mình một cách hiệu quả qua Internet. TS Nguyễn Quang A một nhà phản biện độc lập hiện sống và làm việc tại Hà Nội nhận định:
Hoàn toàn ngược lại, cái nhân tố ở trong nước này mới phải là chính, còn cái ở trên mạng là phụ vào chứ không phải như anh nói trên mạng là chính.
-TS Nguyễn Quang A
“Quan niệm như thế cũng rất đúng nhưng nó chưa đầy đủ ở chỗ là, nếu chúng ta chỉ nêu ý kiến, chúng ta bằng những bài viết của mình hoặc thông qua các phương tiện truyền thông để tổ chức tụ hợp thì hoàn toàn là đúng như vậy, bất kể ngồi ở đâu cũng có thể làm như vậy. Nhưng điều đó như tôi nói là hoàn toàn đúng nhưng mà nó đúng một nửa còn một nửa nữa là phải thực địa phải cọ sát với thực tế phải tiếp xúc với những con người…”
Chúng tôi nêu câu hỏi, phải chăng những tiếng nói dân chủ nhân quyền cho Việt Nam từ hải ngoại qua Internet cần có những nhân tố tích cực ở trong nước phụ thêm vào thì tranh đấu mới có hiệu quả. TS Nguyễn Quang A đáp lời:
“Hoàn toàn ngược lại, cái nhân tố ở trong nước này mới phải là chính, còn cái ở trên mạng là phụ vào chứ không phải như anh nói trên mạng là chính. Cuộc đấu tranh nó diễn ra trên rất nhiều phương diện, có thể nói là trên nhiều mặt trận và những người hoạt động ở trên mạng có một vai trò rất quan trọng. Nhưng mà nếu nghĩ rằng chỉ có như thế là đủ thì tôi nghĩ rằng là hơi chưa đầy đủ…Nhưng góp được một ít phần cũng đã là quí rồi và tôi nghĩ rằng mỗi hoàn cảnh của mỗi một người, có thể lúc này góp bằng cách này, lúc khác thì góp bằng cách khác và lúc ở bên ngoài có thể với hiểu biết của mình, kiến thức của mình với sự tiếp xúc với các tổ chức ở bên ngoài thì có thể tạo ra được một tác động tốt hơn rất là nhiều khi ở trong nước.”
Trong số 36 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, 25 triệu người có facebook, chưa có phân tích nào đưa ra tỷ lệ những người quan tâm đến chính trị và đặc biệt dân chủ nhân quyền. Và như lời TS Nguyễn Quang A, công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền Việt Nam đang diễn ra trên nhiều mặt trận, mỗi người có thể đóng góp phần của mình cho mục đích chung. Dù đó là các nhân tố tích cực tại tuyến đầu hay những người của mặt trận truyền thông từ hải ngoại.
No comments:
Post a Comment