Monday, October 20, 2014

Chủ tịch QH: Biển Đông phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ...

(Baodatviet) - Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 sáng 20/10.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ: "Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", Chủ tịch QH nói.
Cũng trong phiên khai mạc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình trước Quốc hội: 'Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi.Căng thẳng trên biển Hoa Đông và biển Đông'.
Theo người đứng đầu Chính phủ, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp cùng với sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết trong chương trình kỳ họp Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Đây cũng là một nội dung được chờ đợi khi tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt, gần đây Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa với nhiều toan tính.
Sự việc này đã được các hãng thông tấn, báo chí quốc tế và trong nước phản ánh dày đặc trong thời gian gần đây.
Mới đây tờ China Newsweek đưa tin, Bắc Kinh đang xây dựng sân bay như một căn cứ chuyển tiếp cho lực lượng hải quân và không quân nước này.
Trước đó, một số tờ báo đã đưa tin về ý đồ đẩy mạnh việc cải tạo đất tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Tờ Want China Times của Đài Loan cho biết Lee Hsiang-chou, Tổng giám đốc cơ quan an ninh Đài Loan và Tư lệnh hải quân Trung Quốc Wu Shengli đã khảo sát năm hòn đảo ở Trường Sa. Ngoài ra, ông Wu cũng theo dõi các cuộc diễn tập quân sự trong thời gian khảo sát. Cuộc khảo sát do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp chỉ thị.
Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, ngày 11/9 đã có bài viết nói rõ các bãi đá ở Trường Sa (nơi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền) có tầm quan trọng rất lớn về chiến lược đối với Trung Quốc, và việc biến đảo ngầm thành đảo nhân tạo này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông khi xảy ra biến cố.
Xét về mặt quân sự, tác giả bài báo cho rằng, bãi Gạc Ma và đá Tư Nghĩa có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, bởi những bãi đá ngầm này "trấn giữ căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Tam Sa tới các đường giao thông tới Biển Đông".
Bài báo này phân tích rằng một khi Biển Đông có biến cố, quân đội Trung Quốc sẽ tác chiến trên Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực Trường Sa:
"Tuy nhiên, nơi đây cách đất liền Trung Quốc quá xa", "Nếu chiến đấu cơ bay từ Hải Nam cũng phải gần 1.000 km mới đến. Các máy bay chiến đầu J10 và J11, với tầm chưa đến 2.000 km, sẽ không thể bay tới. Và dù bay được đến nơi cũng không thể hoạt động hữu hiệu".
Chính vì vậy, việc tăng cường xây dựng mở rộng tại đảo Gạc Ma có ý nghĩa chiến lược to lớn. Sau khi mở rộng, xây dựng đường băng tại Gạc Ma, chiến đấu cơ J-11 nếu cất cánh tác chiến từ đảo này thì phạm vi tác chiến sẽ bao trùm toàn bộ Biển Đông.
Trước đó, phía truyền thông Trung Quốc cũng ngang nhiên đăng những bức ảnh cho thấy Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng đường băng cho mục đích quân sự dài 2.000m ở đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.
Các phương tiện của Trung Quốc tham gia xây dựng tại bãi Gạc Ma
Các phương tiện của Trung Quốc tham gia xây dựng tại bãi Gạc Ma
Giới chuyên môn Việt Nam đã chính thức bày tỏ sự lo lắng trước những động thái này.
PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế khẳng định: Rõ ràng hành vi thay đổi bãi san hô, bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc triển khai trong thời gian gần đây là một bước leo thang hết sức nguy hiểm và nghiêm trọng.
Mọi động thái có thể thấy Trung Quốc thực sự có ý đồ thực hiện chiến lược độc chiếm và bành trướng trên Biển Đông.
Việc trồng dừa là Trung Quốc muốn làm xanh hóa đảo này, ý muốn dân sự hóa, biến một bãi cạn thành một đảo có sự sống, có nền kinh tế ở đây.
Việc làm này của Trung Quốc không những vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông được ký kết bởi nguyên thủ các nước ASEAN với người đứng đầu nhà nước Trung Quốc năm 2002. Một trong những nội dung đó là “các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp làm ảnh hưởng đến hòa bình ổn định (kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống tại các đảo, bãi đá ngầm và những cấu trúc hiện chưa có người sinh sống…”).
Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần làm rõ vấn đề này với dư luận quốc tế và cả các nước trong khu vực ASEAN.
"Với ý đồ sâu xa của Trung Quốc, không còn cách nào khác là Việt Nam và các nước ASEAN phải chọn cách phản ứng phù hợp, yêu cầu Trung Quốc giữ nguyên hiện trạng, không được thay đổi theo đúng như Trung Quốc đã cam kết trong DOC", ông Trường nói.
Cũng chung quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X khẳng định: "Việt Nam cần phải đấu tranh quyết liệt hơn. Cần phải hoàn thiện hồ sơ sớm để kiện lên tòa án quốc tế ".
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng bày tỏ sự lo ngại: "Chúng ta phải nên nhớ rằng, tham vọng của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Trung Quốc cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó họ thực hiện các yêu sách đường lưỡi bò của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào.
"Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc, và chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để thực hiện hóa điều này.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, hiện nay Việt Nam cần kiên trì, liên tục đấu tranh để bảo về quyền lợi của đất nước trong đó không loại trừ việc hoàn thiện hồ sơ để kiện Trung Quốc", Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Phương Nguyên

1 comment:

  1. TRUYỀN ĐƠN TỐ CÁO.
    NHÂN VẬT SỐ MỘT ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG NHẬN HỐI LỘ 100 LƯỢNG VÀNG ĐỂ DUNG TÚNG BAO CHE CHO NHỮNG TỘI ÁC CƯỚP CỦA - GIẾT NGƯỜI.
    Hộp thư spam nay đã có 3802 số lần xem trang.

    ReplyDelete