Ngày 03/5 hàng năm được Liên Hợp Quốc lấy làm ngày tự do về truyền thông trên toàn thế giới.
Tự do tự do báo chí, truyền thông và tự do tư tưởng xét đến cuối cùng về mặt nguyên tắc đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội kể cả cho nhà nước, theo quan điểm của một nhà nghiên cứu xã hội từ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 03/5/2014 từ Hà Nội, nhân ngày của Liên Hợp quốc về Tự do Báo chí, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), nói:
"Có thể phải coi đây là một nguyên tắc là tự do báo chí, tự do tư tưởng có thể có những hệ lụy nhất định, trong những giai đoạn nhất định, có thể ảnh hưởng đến nhà nước,
"Nhưng về lâu dài, chính bản thân nhà nước và đặc biệt quan trọng hơn là bản thân xã hội, bản thân nền kinh tế sẽ được lợi hơn rất nhiều."
'Phản biện, tấm gương'
Nhà xã hội học cho rằng báo chí, truyền thông tự do và độc lập có thể đóng vai trò tích cực để phản biện và là 'tấm gương' để nhà nước tự xem xét các chính sách của mình.
"Bất kỳ xã hội nào cấm đoán cái tự do về mặt tư tưởng, thì nhà nước ấy cuối cùng lại lãnh hậu quả, tức là sự phát triển của bản thân quốc gia đấy nó cũng sẽ bị chậm lại"-TS Lê Bạch Dương, Viện ISDS
Ông nói: "Bởi vì khi người ta biểu đạt quan điểm, ngay cả những quan điểm ấy ngược với quan điểm chính thống của nhà nước, thì cũng là một cái mang tính phản biện,
"Lúc ấy các cơ quan nhà nước mới biết có những phản đối, hay là có những quan điểm nó không đúng của mình, thì mình phải soi xét lại xem những đường lối, những chính sách của mình, những chương trình của mình có thực sự hiệu quả hay không,
"Cái này chính là tấm gương để bản thân nhà nước cũng soi vào đấy để điều chỉnh mình, cho nên tôi nghĩ, về lâu dài, lợi ích đương nhiên là tốt hơn rất nhiều so với cấm đoán."
Theo ông Dương, quan điểm của chính quyền Việt Nam với tự do báo chí, truyền thông hiện vẫn còn 'cũ' và thiếu 'cởi mở', và khẳng định một nền báo chí, truyền thông tự do có lợi nhiều hơn là có hại.
"Bất kỳ xã hội nào cấm đoán cái tự do về mặt tư tưởng, thì nhà nước ấy cuối cùng lại lãnh hậu quả, tức là sự phát triển của bản thân quốc gia đấy nó cũng sẽ bị chậm lại...,
"Nhiều khi rất đáng tiếc là nhiều cơ quan chức năng của nhà nước nhìn vấn đề vẫn cũ quá, không cởi mở,
"Nếu như họ cởi mở hơn, thì tôi nghĩ, bản thân những việc tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt những ý tưởng, suy nghĩ của mình, nó là có lợi nhiều hơn là có hại," TS Lê Bạch Dương nói với BBC.
16:09 GMT - thứ bảy, 3 tháng 5, 2014
No comments:
Post a Comment