Đằng-Giao/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Rất đông người tề tựu tham dự lễ tưởng niệm 30 Tháng Tư tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, do thành phố Westminster tổ chức sáng Thứ Ba, 30 Tháng Tư, với chủ đề “Tháng Tư tưởng niệm người hy sinh, vinh danh người thành công.”
Khách tham dự gồm có dân cử gốc Việt, đông đủ hội đoàn gốc Việt, chức sắc địa phương thuộc mọi ban ngành, lãnh đạo tinh thần và cư dân gốc Việt gần xa.
Trong diễn văn khai mạc, Thị Trưởng Chí Charlie Nguyễn gọi ngày 30 Tháng Tư, 1975 là ngày đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu cái chết của 300,000 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), 58,000 quân nhân Hoa Kỳ, đồng thời gây tàn phế suốt đời cho 30,000 cựu quân nhân Mỹ và hàng triệu cựu quân nhân VNCH.
“Tuy nhiên, điều quan trọng của chúng ta hôm nay là giải thích cho thế hệ gốc Việt tương lai là tại sao họ có mặt ở đất nước Hoa Kỳ này,” ông Chí nói. “Và tôi cũng xin xác định rằng chúng ta không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản bạo tàn.”
Ông thêm: “Xin đừng quên những người Việt Nam đã chết trên đường vượt biển.”
Trong phần phát biểu, Phó Thị Trưởng Kimberly Hồ (Địa Hạt 3) cho biết bà luôn nhớ lời cha [cố Đại Tá Hồ Sĩ Khải] nói về cảm xúc đau thương của người chiến sĩ xông pha trận mạc để chiến đấu cho tự do.
“Thế hệ tương lai cần phải biết những câu chuyện này để lên án Cộng Sản Việt Nam tàn ác và chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản tại đây,” bà Kimberly nói.
Nghị Viên Amy Phan West (Địa Hạt 1) cho biết bà cũng là hậu duệ của VNCH và luôn luôn tôn trọng những hy sinh của những cựu chiến binh thế hệ cha anh.
Nghị Viên Carlos Manzo (Địa Hạt 2) nói: “Ngày 30 Tháng Tư, 1975 chẳng những đánh dấu sự sụp đổ của thành phố Sài Gòn mà còn đánh dấu một cuộc di tản to lớn, ảnh hưởng đến cuộc đời của hàng triệu người gốc Việt khắp nơi trên thế giới.”
“Bằng lòng nhẫn nại, cương quyết, họ đã vượt qua bao nhiêu trở ngại để thành công trên quê hương mới,” ông thêm.
Ông kết luận: “Hôm nay, chúng ta tưởng niệm những người đã hy sinh cho tự do nhưng cũng vinh danh những tấm gương thành công của người gốc Việt trên quê hương mới.”
Nghị Viên NamQuan Nguyễn (Địa Hạt 4) nhận xét: “Cộng đồng gốc Việt đầy những gương thành công với vô số bác sĩ, kỹ sư, luật sư, và thương gia. Con cháu chúng ta sẽ chỉ thấy sự anh dũng của những người can đảm vượt biên.”
“Tôi tin thế hệ kế tiếp sẽ theo chân cha anh vượt qua tất cả và viết nên trang sử mới hào hùng,” ông nói.
Có lẽ tiết mục độc đáo nhất tại buổi lễ là phần đọc thơ Du Tử Lê, bài “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển,” của các học sinh lớp Tám trong chương trình Song Ngữ Việt Mỹ tại trường Warner Middle School thuộc Học Khu Westminster.
Qua giọng diễn đạt ngây thơ của các em, những ý thơ ma mị, ai oán, chua xót như van nài của nhà thơ lão luyện như những con sóng dồn dập đánh vào hồn người: “… Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca/ Ôi lâu quá không còn ai hát nữa/ (Bài hát giờ cũng như một hồn ma)…”
Rồi: “…Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết/ Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.”
Những dân cử xa không thể có mặt tại buổi lễ đã cử đại diện đến tặng vòng hoa là Dân Biểu Liên Bang Michelle Steel (Địa Hạt 45), Thượng Nghị Sĩ California Janet Nguyễn (Địa Hạt 36), và Dân Biểu California Trí Tạ (Địa Hạt 70).
Những dân cử địa phương đích thân hiện diện là Thị Trưởng Garden Grove Steve Jones, Phó Thị Trưởng Santa Ana Thái Việt Phan (Địa Hạt 1) và Phó Thị Trưởng Fountain Valley Ted Bùi.
Một số thành viên Hội Đồng Liên Tôn có mặt để cùng thắp nén nhang cầu nguyện trong buổi lễ là Linh Mục Phạm Ngọc Hùng (chủ tịch), Hòa Thượng Thích Thánh Minh, Linh Mục Mai Khải Hoàn, Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, và Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng.
Cư dân gốc Việt xa gần đến tham dự buổi lễ cùng tỏ ra xúc động.
Bà Lê Kim Uyên, ở Carlsbad, San Diego County, chia sẻ: “Vợ chồng tôi cứ dặn nhau là không được buồn nhưng năm nào cũng vậy, cứ dự lễ 30 Tháng Tư là không cầm lòng được. Không buồn sao được. Mình là người Việt Nam. Cứ tới đây là khóc mà không tới thì không đành.”
Ông Tuấn Trịnh, ở Riverside, nói: “Em trai út tôi 16 tuổi năm 1975. Gia đình tôi ở Gò Vấp. Ngày 30 Tháng Tư, 1975, buổi chiều nó còn đi mua dầu hôi cho má tôi rồi tối đi đâu luôn, không bao giờ về nhà. Dĩ nhiên ngày này, cả gia đình tôi đều nhớ nó.”
Ông Liêm Đỗ, ở Garden Grove, nói: “Bao nhiêu năm rồi, 49 năm rồi mà tôi vẫn thấy sợ Cộng Sản như xưa. Gia đình tôi di cư vào Nam nên rất sợ Cộng Sản. Năm 1975, mẹ tôi bệnh nằm liệt giường hơn sáu tháng rồi mới dần dần hồi phục. Mẹ tôi qua đời rồi nhưng tôi vẫn thấy sợ Cộng Sản.”
“Tôi qua Canada năm 1976. Chị tôi bảo lãnh qua đây năm 1980. Từ ngày rời Việt Nam tới giờ, tôi không dám quay về. Sợ quá mà,” ông tiếp. [đ.d.]
No comments:
Post a Comment