Một nhóm trí thức nổi tiếng của Việt Nam vừa gửi công khai trên mạng xã hội bản kiến nghị nhân dịp 30/4/2024, 49 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đề nghị giới lãnh đạo đừng “nói suông” mà hãy chân thành hàn gắn vết thương chiến tranh và mối chia rẽ hận thù trong nội bộ người Việt, dám phủ định những bước đi sai để chuyển hướng, củng cố nội trị và ngoại giao để phát triển đất nước phồn thịnh và đủ sức chống lại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền từ bên ngoài.
Văn bản được ký tên bởi các tổ chức và cá nhân, trong đó bao gồm đại diện của các tổ chức xã hội dân sự như: Bauxite Việt Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, CLB Nguyễn Trọng Vĩnh, các trí thức nổi tiếng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, TS. Nguyễn Quang A, GS. Nguyễn Đình Cống, TS. Hà Sĩ Phu, nhà báo Lê Phú Khải, TS. Mạc Văn Trang, GS. Nguyễn Huệ Chi, Giám mục Nguyễn Thái Hợp…
Đề cập đến bối cảnh Việt Nam sau 49 năm kết thúc chiến tranh và phát biểu của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005 khi ông nói về biến cố ngày 30/4/1975 rằng “khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” và “Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”, văn bản của nhóm trí sĩ đưa ra 6 kiến nghị với giới lãnh đạo.
Các nội dung kiến nghị bao gồm: Tích cực xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở thúc đẩy một cách chân thành chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc, ra sức củng cố nội trị và ngoại giao để đủ sức đối phó hữu hiệu với bất kỳ âm mưu xấu xa nào từ phía ngoại bang, kể cả việc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; Thúc đẩy thực thi mạnh mẽ các hiệp định đối tác chiến lược song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước, trong đó ngoại giao “cây tre” cần phải có sự thành thật đúng mực; Mạnh dạn phóng thích lập tức toàn bộ “tù nhân lương tâm”; Nâng cao vai trò của Quốc hội, tổ chức bầu cử tự do, dẹp bỏ nạn cơ cấu sẵn, ngành tòa án phải độc lập với hành pháp, quốc hội, đảng phái trong việc xét xử; Đấu tranh chống tham nhũng từ gốc bằng việc triệt tiêu các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tham nhũng và tiêu cực, qua một cuộc cải cách căn bản ở tầm vĩ mô cả về kinh tế lẫn chính trị, trên cơ sở mô hình nhà nước pháp quyền thực sự; Coi ngày 30/4 hàng năm như một ngày kỷ niệm lịch sử bình thường, không tổ chức rầm rộ để tự hào chiến thắng. Chấm dứt nhắc lại tất cả những quá khứ đau buồn, những vấn đề có liên quan đến cuộc chiến Bắc-Nam, có nguy cơ đào sâu thêm mối chia rẽ gây mất đoàn kết dân tộc.
Đừng ‘nói suông’, hãy chân thành
Trong số 6 kiến nghị, có đến 2 kiến nghị liên quan đến nội dung “hoà hợp hoà giải”.
GS. TS. Nguyễn Đình Cống, người đã công khai từ bỏ đảng Cộng sản vào năm 2016 và là một thành viên ký tên trong bản kiến nghị, nói với VOA:
“Thực ra, đây là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu của cả hai bên để mang lại một chiến thắng cho đảng Cộng sản. Còn đối với dân tộc thì chẳng được gì cả. Nó chỉ mang lại được sự thống nhất về mặt lãnh thổ thôi. Còn sau chiến thắng ấy, không giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc. Đảng thì được. Đảng được vì đạt được chính quyền toàn quốc. Còn dân tộc thì việc hoà giải dân tộc mãi cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được”.
Trong văn bản kiến nghị, các trí sĩ Việt Nam cho rằng trên thực tế sau 49 năm, “vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc, chữa lành vết thương chiến tranh vẫn còn là một vấn đề không kém phức tạp, vì chưa có sự hoàn toàn đồng thuận nội bộ, chủ yếu nảy sinh từ một số quan điểm hẹp hòi ở không ít người của ‘bên thắng cuộc’”.
Theo họ, chính thực trạng này giải thích lý do vì sao trong suốt 49 năm qua, một số chính sách “hòa giải hòa hợp dân tộc” mà nhà cầm quyền đưa ra trên thực tế vẫn là lời “nói suông”, chưa được thực thi một cách “chân thành, đầy đủ”.
Đánh giá về điều này, Giáo sư Vũ Tường, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ của Đại Học Oregon, Hoa Kỳ, đưa ra nhận định với VOA:
“Thế lực ngăn cản hoà hợp hoà giải bây giờ chính là nhà nước Việt Nam, đặc biệt là những nhà lãnh đạo bảo thủ, kiên định và cương quyết duy trì sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là thế lực duy nhất cản trở, còn ngoài ra trong dân chúng Việt Nam, thậm chí cả trong đảng Cộng sản Việt Nam, những người ở cấp thấp hơn, và những người ở hải ngoại thì không ai phản đối việc đó cả”.
“Một khi những người bảo thủ kiên định đó không còn quyền lực nữa thì lập tức sẽ có sự hoà giải”, GS. Vũ Tường nói thêm, và cho rằng thế lực bảo thủ này sẽ kiên quyết cản trở để hòa giải không thể xảy ra vì điều đó đồng nghĩa với việc họ mất quyền lực.
Tác động lâu dài
Cũng như những văn bản kiến nghị đầy tâm huyết đã đưa ra trước đây, bản kiến nghị mới nhất của nhóm trí sĩ Việt Nam không được kỳ vọng sẽ được giới lãnh đạo Việt Nam lắng nghe hay phản hồi.
“Chúng tôi viết như thế, ý như thế nhưng không mong gì người ta nghe đâu. Chúng tôi cũng không hy vọng gì đâu”, GS. Nguyễn Đình Cống bày tỏ sự bi quan, nhất là trong tình hình chính trị nội bộ hiện tại của Việt Nam mà ông nói là “chúng nó đang đấu đá nhau”, khi hai trong số “tứ trụ” bị mất chức trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Vũ Tường, những kiến nghị của giới trí thức Việt Nam hay những phát biểu của một số lãnh đạo cấp tiến như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các hoạt động trên mạng xã hội của xã hội dân sự… có thể không mang đến một sự thay đổi trực tiếp, tức thời, nhưng chúng đều có những tác động nhất định về lâu dài trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
“Nó nói lên ý kiến của những người được xã hội dân sự rất kính trọng. Mặc dù những ý kiến của họ bị nhà nước không lắng nghe, hoặc lờ đi, hoặc phản bác, nhưng dân chúng, xã hội và lịch sử biết họ nghĩ gì trong thời điểm này, và họ đã can đảm đưa ra những ý kiến này, dù biết rằng nó sẽ không có tác dụng ngay lập tức hay trực tiếp, nhưng nó sẽ có tác dụng từ từ về lâu dài”.
Dẫn chứng về hiệu ứng của những hoạt động của xã hội dân sự, GS. Vũ Tường nói:
“Những phong trào đòi hỏi hoà giải hoà hợp như vậy càng ngày càng phát triển so với 10 năm, 20 năm trước khi chỉ có những người ở hải ngoại nói một cách yếu ớt, nhưng giờ thì có rất nhiều những người trong nước và có những ảnh hưởng rất rộng đối với giới trẻ Việt Nam mặc dù chúng ta không có điều kiện để đánh giá được những ảnh hưởng đó”.
Nhà nghiên cứu chính trị của Đại học Oregon cho rằng những ảnh hưởng trên còn có thể thấy cả trong giới lãnh đạo khi chính quyền Việt Nam “thừa nhận một phần nào đó sự chính đáng của Việt Nam Cộng Hoà trong việc tranh chấp biển đảo với Trung Quốc”.
“Họ cũng phải giảm bớt những ngôn từ miệt thị Việt Nam Cộng Hoà của họ. Điều đó đang diễn ra, mặc dù không phải là thực tâm hoà giải, nhưng họ chịu nhiều áp lực buộc họ phải bớt đi”, GS. Vũ Tường đưa ra ví dụ.
Trong văn bản kiến nghị, nhóm trí sĩ Việt Nam cho rằng nếu các chính sách của Việt Nam hiện nay về nội trị lẫn ngoại giao đều “tương đối tốt”, mang lại độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân, thì “mọi người trong và ngoài nước, kể cả thành phần di tản sau ngày 30-4-1975, chắc chắn đều sẽ tâm phục khẩu phục, thậm chí còn mong cho nhà nước Cộng sản được thiên niên trường trị”.
No comments:
Post a Comment