Wednesday, May 1, 2024

Nguyên nhân cốt lõi của tham nhũng là bản chất chế độ độc tài và thiếu minh bạch


 Ngày 29/4, BBC Tiếng Việt có bài “Ông Vương Đình Huệ mất chức: Còn ai “trong sạch như tuyết”?”

BBC cho biết, các nhà quan sát mà họ phỏng vấn, đều cho rằng, việc trừng phạt các lãnh đạo không giải quyết được cốt lõi vấn đề tham nhũng, vốn bắt nguồn ngay trong chính nội tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các nhà quan sát nhận định rằng, việc thiếu một nhà nước pháp quyền và một quy trình kế nhiệm minh bạch, cho thấy sự yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Tổng Trọng, và một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội tại Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo BBC, chính sách xây dựng Đảng của ông Trọng “phải luôn luôn đi đôi với chấn chỉnh, củng cố Đảng”.

Ông yêu cầu “tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ.”

Như vậy có nghĩa, những người còn lại phải “trong sạch như tuyết”, “không chút tì vết”, BBC dẫn lời Giáo sư Carl Thayer – nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc.

Tuy nhiên, công tác này, theo thực trạng đến nay và theo đánh giá của các nhà quan sát, đã thất bại – BBC cho hay.

Bởi chưa nói tới việc giới lãnh đạo có thực sự liêm chính hay không, Giáo sư Carl Thayer chỉ ra rằng, các phe phái trong Đảng sẽ luôn tìm ra “tì vết” của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra “tì vết” thuộc cấp của họ.

Điều kỳ khôi là, nguyên tắc “chịu trách nhiệm người đứng đầu” đã không được áp dụng với Tổng Trọng.

Hiện ông Trọng đang có vấn đề về sức khỏe, do đó, chuyện kế vị ông hẳn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng.

“Theo cách nói của người Mỹ, ông Trọng là một Tổng Bí thư “vịt què” – theo Giáo sư Carl Thayer.

Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe hiện nay, cùng với vấn đề tuổi tác, ông Trọng đã không thể chọn được người kế vị do tranh chấp giữa các phe phái. Những vấn đề trong Đảng cho thấy, “công tác nhân sự rất yếu kém”, ông Thayer bình luận.

Để thay thế vị trí của ông Trọng, nguồn nhân lực hiện nay chỉ có 3 người trong Bộ Chính trị dưới 65 tuổi, nhưng cả 3 đều có tầm ảnh hưởng không đáng kể.

Giáo sư Carl Thayer cho hay, vào tháng 11/2023, khi đi công tác tại Việt Nam, ông được cho biết, Việt Nam sẽ thay đổi Điều lệ Đảng và nâng độ tuổi tham gia Bộ Chính trị lên 70 hoặc 71 tuổi.

“Vậy là sẽ có những người già hơn. Đây là sự quản lý yếu kém. Và đây không phải là cách để một đất nước phát triển.”

BBC dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, cho rằng, vấn đề là “phải bắt trúng bệnh gốc”.

“Chứ không phải bắt một, hai hay 100 người, bỏ tù một ông ủy viên Trung ương, 10 ông tướng quân đội, hay bảy, tám ông tướng công an, xử lý hết ông nọ đến ông kia.”

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này.”

Ông cũng nói rằng, việc hạ bệ hàng loạt cán bộ cấp cao, đỉnh điểm là 3 “Tứ Trụ” mất chức trong vòng hơn một năm “với lý do không được minh bạch cho lắm”, khiến người dân mất niềm tin vào Đảng.

Ông A đánh giá:

“Vì nó không minh bạch, nên ai cũng muốn lên vị trí đó. Việc cạnh tranh là tốt, lành mạnh, không có gì là không tốt, đáng chê cả. Nếu cạnh tranh theo quy trình lành mạnh, chứng minh được tôi thỏa mãn các tiêu chí đó, thì đó là một quy trình làm cho việc kế vị rõ ràng, minh bạch và người dân được thấy rõ. Lúc đó sẽ không có chuyện đồn đoán. Tiếc là vài năm trở lại dây chuyện đồn đoán nở rộ. Vì bây giờ công nghệ cho phép sự đồn đoán này lan ra nhanh chóng.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, điều này cho thấy, một chính sách kế vị thất bại hoàn toàn, một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Minh Vũ – thoibao.de

No comments:

Post a Comment