Friday, November 24, 2023

Lại phải sửa luật phòng, chống tham nhũng?

 Nguyễn Huỳnh  

(VNTB) – “Cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam”.   

Đó là ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng 22-11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

 Phát biểu kết luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam”. 

Mặc dù rất khó “chỉ mặt, gọi tên”, thế nhưng, theo các chuyên gia minh bạch trong toàn bộ quá trình làm luật được cho là giải pháp bịt kẽ hở tham nhũng chính sách… 

Tham nhũng chính sách xuất hiện ngay từ khâu đầu tiên là hoạch định chính sách – bao gồm cả những cuộc họp bàn tương tự như các lần họp của Ban Chỉ đạo hôm 22-11 vừa rồi. Những nhóm có thế mạnh thường tiếp cận nhanh đến cơ quan chức năng, những nhóm này có thể vận động “hành lang”, thậm chí “bôi trơn”… để được lựa chọn chính sách hoặc dự luật nào đó được đưa vào chương trình xây dựng. 

Trong giai đoạn xây dựng và ban hành chính sách, tham nhũng có thể xảy ra với những hình thức rất tinh vi, nhóm lợi ích có thể “chèn” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan đến lợi ích của họ. Mỗi câu chữ thêm bớt trong văn bản có thể sẽ là những thủ tục, những “giấy phép con” trong quá trình thực thi chính sách.

 Nhóm lợi ích có thể trực tiếp (nếu là cơ quan, tổ chức có trách nhiệm soạn thảo) hoặc gián tiếp (hối lộ những người có trách nhiệm soạn thảo) có thể đưa những nội dung hay phương án có lợi cho ngành mình, nhóm mình, “gài” các câu chữ vào văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những câu chữ liên quan lợi ích của họ. Cũng có thể thêm các thủ tục, các loại “giấy phép con” không cần thiết để tạo ra quyề

n lực sau này có thể lợi dụng gây khó khăn sách nhiễu, đòi hối lộ. Tham nhũng ở giai đoạn này rất “khéo” và tinh vi, họ viện lý do sự “chặt chẽ”, việc bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, nhân danh “an ninh quốc gia”, nhân danh “lợi ích nhân dân”… để biện minh cho những quy định che đậy lợi ích của nhóm mình muốn bảo vệ. Kết quả là chủ trương, chính sách một đằng, khi thực hiện lại một nẻo, xung đột pháp lý, xung đột chính sách là hiện tượng nhức nhối đến nay vẫn chưa giải quyết được. 

Tại Quốc hội ở các nước, chủ yếu là Ủy ban, hay Nghị sĩ trình sáng kiến pháp luật, còn ở Việt Nam chủ yếu lại do Chính phủ trình. Khi các bộ, ngành chủ trì soạn thảo rồi trình dự án luật, dù muốn hay không, họ cũng đưa lợi ích của ngành mình vào đó, chưa nói tới tiêu cực, hay tham nhũng chính sách, ít nhất họ cũng “gài” nội dung có lợi vào trong dự án Luật, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý, nhưng có khi lại không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

 Dẫn chứng cụ thể như việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay đạt tỷ lệ rất thấp (trung bình 10%) và một trong những “điểm nghẽn” là cơ chế ủy thác xử lý tài sản, bởi trong Luật thi hành án dân sự bắt buộc thực hiện thi hành án xong tại một địa phương mới được phép ủy thác cho địa phương khác. Một vụ việc mất khoảng 6 tháng để xử lý. Như vậy, một vụ án với 5 vụ việc phải xử lý tài sản sẽ phải kéo dài 3 năm. 

“Cá nhân tôi cho rằng pháp luật về đảng chính trị cần minh bạch. Sẽ tiếp tục vụn vặt kiểu thả gà ra đuổi ở mỗi lần triệu tập họp của ông Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì sẽ khó thuyết phục khi Ban Chỉ đạo lại có quyền đưa ra các mệnh lệnh cho cả ba lãnh vực lập pháp – tư pháp – hành pháp; trong khi đó thì đảng chính trị lại hoạt động theo điều lệ của đảng này, thay vì phải là luật về đảng chính trị được xây dựng minh bạch” – luật sư Hà Nguyễn Cát Tường ý kiến.


 https://vietnamthoibao.org https://vietnamthoibao.org/vntb-lai-phai-sua-luat-phong-chong-tham-nhung/ .

No comments:

Post a Comment