Bộ Công an hôm 24/11 đề nghị truy tố ba cha con lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản gần 770 tỷ đồng thông qua hành vi lạm dụng tín nhiệm khi cho vay nặng lãi, theo truyền thông trong nước.
Đây là vụ đề nghị truy tố mới nhất của Bộ Công an trong một loạt các đại án tham nhũng mà bộ này đang điều tra liên quan đến nhiều tập đoàn bất động sản và các nhà tỷ phú ở Việt Nam.
Ông Trần Quí Thanh, chủ tịch Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, đều là phó tổng giám đốc tập đoàn, bị công an bắt giam và khởi tố hôm 10/4 vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố cáo của người dân.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an hôm 24/11 cho biết họ đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng đề nghị truy tố ông Thanh, 72 tuổi, và hai con gái Uyên Phương, 42 tuổi, và Ngọc Bích, 39 tuổi, về tội danh mà họ bị cáo buộc và bắt giam hồi tháng 4 năm nay, theo VietNamNet.
Tân Hiệp Phát được biết tiếng là một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát trong nước cạnh tranh được với các tên tuổi lớn của Mỹ như Pepsi Cola hay Coca Cola. Với số tiền mặt lớn từ kinh doanh nước giải khát, trong đó có nước tăng lực Number One và Trà xanh Không độ, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tân Hiệp Phát được cho là đã đầu tư vào bất động sản và cho các doanh nghiệp bất động sản vay tiền.
Theo một đối tác từng làm ăn với tập đoàn này cho VOA biết, ông Thanh cho vay nóng với lãi suất lên đến 3% một tháng và doanh nghiệp nào cần đến 2.000-3.000 tỷ là được vay với điều kiện “phải thế chấp dự án hay thế chấp công ty.”
Kết luận điều tra của Bộ Công an, được Dân Trí trích dẫn, cho biết việc cho vay là không có hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà các bị can buộc những doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm Hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Bộ Công an cho rằng bên vay đã làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bà Phương và bà Bích theo chỉ đạo của ông Thanh và nhóm này “nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản là các bất động sản, phần vốn góp, cổ phần,” theo VietNamNet.
Dù bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận nhưng nhóm của ông Thanh đã “dùng thủ đoạn gian dối” hoặc tạo ra các lý do mà chủ tài sản không thể thực hiện được để cố tình không trả và chiếm đoạt tài sản của họ, theo Dân Trí.
Ba bố con ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 767 tỷ đồng từ những hành vi nêu trên.
Tuy nhiên, ông Thanh và 2 con gái không thừa nhận cho vay mà chỉ thừa nhận mua, bán các tài sản với các đại diện doanh nghiệp, cá nhân theo quy định pháp luật, theo kết luận điều tra được VietNamNet trích dẫn.
Các luật sư cho rằng với điều khoản bị khởi tố, ông Thanh và 2 con gái đối mặt với mức án từ 12 đến 20 năm tù.
Cũng trong chiến dịch trấn áp tham nhũng, Bộ Công an hôm 18/11 đã đề nghị truy tố 86 bị can với 7 tội danh trong đại án Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan mà cơ quan điều tra cho rằng các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu của tập đoàn này thông qua ngân hàng SCB đã làm thất thoát 304.000 tỷ đồng với số người bị hại lên đến 42.000.
Ngoài các tỷ phú, chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đưa nhiều quan chức chính phủ, trong đó có ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, vào tù vì tham nhũng.
No comments:
Post a Comment