SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Trần Quí Thanh, giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát, cùng hai con gái, vừa bị truy tố với cáo buộc “chiếm đoạt tài sản 767 tỷ đồng ($31.6 triệu).”
Báo VietNamNet hôm 24 Tháng Mười Một dẫn bản kết luận điều tra của Bộ Công An Việt Nam cho hay ông Thanh cùng hai con gái, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, cho một số doanh nghiệp, cá nhân vay tiền nhưng không ký hợp đồng cầm cố tài sản mà buộc ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng rồi chiếm đoạt tài sản với khoản tiền nêu trên.
Sau khi các bên vay tiền đã trả nợ gốc, lãi đúng theo thỏa thuận, ba cha con ông Trần Quí Thanh bị cho là viện lý do bất hợp lý đề từ chối việc trả lại tài sản, cho rằng chủ tài sản “vi phạm các điều khoản hợp đồng” nên bị mất quyền mua lại…
Khi bên vay tiền không đáp ứng được các điều kiện mới phát sinh, ông Thanh và hai con gái cố tình chiếm đoạt tài sản của họ.
Trong vụ này, ông Thanh, 70 tuổi, bị quy chụp đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu, trong lúc hai con gái “giúp sức tích cực.”
Ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam đã hơn nửa năm. Riêng bà Trần Ngọc Bích thì đang được cho tại ngoại.
Bộ Công An cho rằng cả ông Thanh lẫn hai con gái đều “ngoan cố, chưa thành khẩn khai báo, không nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật.”
Ba cha con ông Thanh không thừa nhận hành vi cho vay mà chỉ thừa nhận mua, bán các tài sản với các đại diện doanh nghiệp, cá nhân.
Kể từ thời điểm ông Thanh và hai con gái dính vòng lao lý, Tân Hiệp Phát được ghi nhận thôi làm nhà tài trợ hạng “Platinum” cho Trung Tâm Thúy Nga (Paris By Night).
Điều hy hữu là theo báo VietNamNet hồi Tháng Tư, ông Nguyễn Văn Chung, một trong các nạn nhân tố cáo cha con ông Trần Quí Thanh, nay bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Theo hồ sơ của Công An ở Sài Gòn, trong giai đoạn 2015-2018, ông Chung với tư cách đại diện công ty DCB, đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất các khu đất tại quận Bình Tân, Tân Phú, Sài Gòn.
Nhưng sau đó, ông Chung ký hợp đồng hợp tác kinh doanh hay văn bản thoả thuận chuyển nhượng đất nền cho nhiều người.
Các lô đất này được xác định không thuộc quyền sở hữu của ông Chung hay công ty DCB. Trong đó, có một số lô đất thuộc quy hoạch giao thông, đất trồng lúa, trồng cây xanh, thuộc diện tích đất bị thu hồi, không có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng…
Thậm chí, một số lô đất bị ông Chung còn dùng pháp nhân công ty DCB để tự lập dự án ma, tự lập bản vẽ, phân lô, ký các hợp động nhận cọc hay văn bản chuyển nhượng.
Trong suốt thời gian dài, ông Chung không có nền đất giao cho những khách hàng nhưng cũng không trả lại tiền. (N.H.K)
No comments:
Post a Comment