LTS: Luật sư Đặng Đình Mạnh là một trong những luật sư nhân quyền nổi tiếng tại Việt Nam. Ông và hai luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân trong nhóm các luật sư bảo vệ pháp lý cho Tịnh thất Bồng Lai. Khi thấy dấu hiệu có thể bị bắt giữ qua những lời phát biểu vạch trần những sai trái của vụ án này trên Facebook, họ đã vượt thoát ra khỏi Việt Nam và đến Hoa Kỳ tị nạn chính trị Tháng Sáu 2023 vừa qua.
Riêng LS Mạnh trong 27 năm hành nghề, ông đã tham gia bào chữa khoảng 10 năm cho hơn 50 vụ án chính trị gồm gần 100 người đấu tranh nhân quyền, dân oan tại Việt Nam. Nhân dịp 7 quan chức thanh tra của Ngân hàng Nhà nước CSVN không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì được cho là “không vụ lợi” dù đã nhận tiền hối lộ từ ngân hàng SCB, nhật báo Người Việt phỏng vấn LS Mạnh về cái sự kiện “không vụ lợi” này.
Người Việt: Thưa luật sư, có bao giờ một quan chức nhà nước ăn hối lộ mà lại “không vụ lợi” không?
LS Đặng Đình Mạnh: Thưa anh, quan hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ luôn luôn là mối quan hệ với mục đích vụ lợi. Trong đó, người đưa hối lộ mong muốn công việc phi pháp hoặc hợp pháp của mình được giải quyết (làm hoặc không làm), do đó, họ hối lộ để đạt được mục đích đó. Mặt khác, người nhận hối lộ đã thực hiện công việc (làm hoặc không làm) để thỏa mãn mong muốn của người đưa hối lộ cũng với mục đích được nhận số tiền hối lộ.
Cho nên, khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự ngụy biện, cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách méo mó, tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam giai đoạn hiện nay mà thôi. Khái niệm đó không phải là chuẩn mực pháp lý.
NV: Những số tiền hối lộ cho 7 ông bà thuộc các cơ quan thanh tra của chế độ rất nhỏ so với số tiền hơn 5 triệu đô la mà bà Cục trưởng Cục thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã cầm, theo ông lời khai của họ về số tiền thấy được thuật lại trên báo chí ở Việt Nam có đáng tin cậy không?
LS Mạnh: Thông thường, số tiền được thông tin từ kết quả điều tra là số liệu đáng tin cậy, vì lẽ, nó đã được thẩm tra, đối chiếu từ nhiều nguồn, nguồn từ người đưa hối lộ và nguồn từ người nhận hối lộ… Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng với một cuộc điều tra hình sự minh bạch, bảo đảm các quy định tố tụng. Dưới thể chế hiện nay, không có gì, kể cả pháp luật có thể bảo đảm có những cuộc điều tra hình sự như thế.
NV: Theo nhận định của ông, nguyên nhân tiềm ẩn nào khiến nhà cầm quyền CSVN lại lý luận là 7 quan thanh tra đã ăn hối lộ nhưng “không vụ lợi” khi họ đã rõ ràng phạm tội?
LS Mạnh: Thật ra, chủ trương “cứu” các quan chức vi phạm pháp luật không hề có nguyên nhân tiềm ẩn mà đều đã được thông tin đầy đủ nhiều lần trên hệ thống truyền thông trong nước. Vì chế độ đang phải đối diện với thực tế không thể nào tệ hơn: Quan chức phạm tội trở nên quá phổ biến, đến mức độ, nếu cứ xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự, thì sẽ không còn người làm việc. Cho nên, họ đã phân hóa, để xử lý những quan chức vi phạm pháp luật nặng nề nhất, số còn lại đành “tha” để “cứu” họ.
Để thực hiện chủ trương đó, chế độ phải tự vẽ vời ra các khái niệm trái khuấy như chúng ta đang chứng kiến, như “Hối lộ nhưng không vụ lợi”.
Việc dung túng, chứa chấp cho các quan chức phạm tội đã biến chế độ hiện nay thành một bộ máy tội phạm khổng lồ phá tan hoang đất nước, không chỉ những giá trị vật chất mà gồm cả những giá trị tinh thần… khiến sự phục hồi sau này sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian.
NV: Theo ông, có phải những người này chỉ có thể thoát tội nếu họ hoặc từ chối số tiền được hối lộ ngay từ đầu? Hoặc phải nộp và thông báo ngay cho các cơ quan hữu quan vụ hối lộ đó? Khi nghe tin cuộc điều tra đang tiến hành rồi mới nộp số tiền đã được hối lộ thì có thể vẫn là tội hình sự dù mức độ nhẹ hơn, có phải không?
LS Mạnh: Nhận xét của anh là hoàn toàn chính xác, đúng đắn và đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
NV: Liên tưởng tới vụ 4 nữ tiếp viên hàng không mang một lượng rất lớn ma túy từ Pháp về Việt Nam ngày 16/3/2023 bị bắt quả tang ở phi trường Tân Sơn Nhất rồi cũng được thả ra, không bị truy tố hình sự. Vụ này có vẻ cũng bất thường.
Như đã phân tích trên, khái niệm “Hối lộ nhưng không vụ lợi” chỉ là sự cưỡng từ đoạt lý phát sinh một cách tùy tiện trong nền tư pháp Việt Nam mà thôi. Điều đó, không chỉ không phải là chuẩn mực pháp lý mà còn không chính đáng. Chính sự không chính đáng đã làm cho công chúng dễ dàng phát hiện ra sự sai trái của khái niệm này cho dù họ không cần có sự hiểu biết chuyên môn như một luật sư.
NV: Xin cảm ơn luật sư thật nhiều.
No comments:
Post a Comment