Monday, November 27, 2023

Khi hệ thống chính trị có thể “Mua sỉ”

 11/27/2023 - 13:13 — nguyenhuuvinh

Quá trình chống tham nhũng mà Đảng CSVN phát động rầm rộ nhất đã trải qua hơn ba chục năm, tiếp nối quá trình được nói đến, được phát động hàng chục năm trước đó.

Hơn ba chục năm, kể từ khi bắt đầu công cuộc chống tham nhũng, ở những năm đầu của những năm 90 của thế kỷ trước, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mới được nhắc đến như những “Hiện tượng”.

Khi đảng CSVN phát động cái gọi là “Công cuộc chống tham nhũng” ấy, người dân cũng chỉ nghĩ rằng: Cũng như những phong trào khác mà đảng hò hét trước đó như chống phong kiến, địa chủ, chống tôn giáo, chống mê tin dị đoan… trước đây, cái gọi là chống tham nhũng trong hệ thống Chính trị Việt Nam cũng chỉ là sự ăn theo, học tập những phong trào từ đàn anh của họ là Liên Xô và Trung Quốc mà thôi.

Bởi trước đó, biết bao nhiêu phong trào, bao nhiêu cuộc “Cách mạng” từ Cải Cách ruộng đất, từ Cách mạng Văn Hóa và Tư tưởng cho đến “Đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa”… của Việt Nam, là sự rập khuôn, là sự học đòi, là hiện tượng nhắc lại hoặc nhai lại các phong trào từ Liên Xô hoặc Trung Quốc theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.

Không cần phải nhắc lại những cuộc “Cách mạng” khủng khiếp như Cải tạo tư sản, Cải Cách ruộng đất mà sau này khi đã bị phản ứng bởi không chỉ là sai lầm, mà là tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại… thì đảng vội vàng thanh minh, chối tội rằng: Đảng ta đã làm theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản và chịu sức ép từ Bắc Kinh mà chỉ cần nhắc lại một vài hiện tượng.

Khi Ủy ban Trung ương Đảng CS Liên Xô ban hành nghị quyết ngày 07/05/1985 "Về các biện pháp khắc phục chứng say rượu và nghiện rượu" và của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô "Về các biện pháp khắc phục tình trạng say rượu và nghiện rượu, cấm tự nấu rượu". Sắc lệnh của Gorbachev "Về việc tăng cường cuộc chiến chống say rượu" được công bố vào ngày 16/05/1985.

Thì ngay sau đó, chính phủ Việt Nam ban hành lệnh cấm uống rượu nơi công cộng tựa Liên Xô. Và việc này không chỉ có ở tầm Trung ương, mà các địa phương cũng thi nhau thực hiện phong trào này. Ngay tại Tp Hồ Chí Minh, văn bản Chỉ thị số Số: 01/CT-UB ngày 10/01/1986 lặp lại cụ thể phong trào đó.

Thế nên, khi đảng hô hào “Chống tham nhũng, thì nền kinh tế Việt Nam đang vừa thoát ra khỏi những trận đói kinh niên kể từ khi đảng lãnh đạo, và cả đất nước đang rùng mình tỉnh lại sau thời gian dài bao cấp, chưa kịp hoàn hồn khi mới bắt đầu cái gọi là “Đổi mới”. Do vậy, việc tham nhũng chỉ là hiện tượng nhỏ, lẻ và không nhiều trong hệ thống chính trị lúc bấy giờ. Bởi đơn giản là toàn dân đói, toàn quốc đói lấy đâu ra cho đảng tham nhũng.

Thế rồi, cùng với công cuộc chống tham nhũng đã được đảng lãnh đạo “Tuyệt đối và toàn diện” thì việc tham nhũng dần dần phát triển và tiến tới tình trạng là Nguy cơ, là Quốc nạn. Con số tham nhũng đã từ một vài chục, lên vài trăm triệu rồi tiền tỷ và cho đến nay là con số trăm tỷ, ngàn tỷ, chục ngàn tỷ, và bây giờ là Triệu tỷ.

Qua những vụ đại án

Nhìn những đại án gần đây chúng ta thấy quy mô các vụ án tăng lên về số tiền tham nhũng, về số người tham nhũng, về lính vực tham nhũng đã không trừ bất cứ lĩnh vực, thời điểm và trường hợp nào.

Những con số thống kê cho thấy một điều rằng: Mấy chục năm qua, dù đất nước chậm phát triển, dù đảng chống tham nhũng quyết liệt, nhưng con số về nguồn lực và nhân lực trong các vụ tham nhũng vẫn tăng lên không ngừng.

Nhưng qua đó, các con số thống kê cho thấy một hiện tượng: Đó là đồng tiền có thể mua, nhưng không còn là hiện tượng lẻ tẻ, không còn là hiện tượng đơn lẻ mà là toàn bộ hệ thống.

Nghĩa là ngày nay, dưới sự lãnh đạo của đảng, thì hệ thống chính trị Việt Nam có thể bị “mua sỉ”bởi đồng tiền tiêu cực, đồng tiền tham nhũng, đồng tiền ăn cướp.

Chỉ cầm điểm qua mấy vụ đại án gần đây, chúng ta thấy điều gì?

Vụ Việt Á: Đây là một vụ án hình sự điển hình về "tham nhũng có hệ thống” là điều mà Nguyễn Văn Yên, Phó Ban Nội chính Trung ương đảng đã thốt ra trong cuộc họp ngày 17/8/2022 của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng. Đây là vụ án được coi là đặc biệt nghiêm trọng về các tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan. Đây được cho là một trong những đại án lớn nhất của Việt Nam.

Tính đến tháng 5/2023, đã có 30 vụ án liên quan với 107 bị can tại 25 địa phương, đơn vị, trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng bị khởi tố, bắt tạm giam. Cũng như 2 ủy viên Bộ Chính Trị đã bị buộc phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực nhất Việt Nam này, một Chủ tịch nước đã phải buộc nghỉ việc đột ngột và dù đã cố thanh minh rằng gia đình không liên quan Việt Á, nhưng dư luận khi nghe vậy thì vẫn nhắc nhau: “Đừng nghe lời Cộng sản nói”.

Trong khi đó, số tiền kê biên, phong tỏa, các bị can nộp để khắc phục hậu quả đã lên tới 1.670 tỷ đồng.

Điều đặc biệt, là vụ án xảy ra trong khi cả nước, cả thế giới, mọi người đứng trước nguy cơ sinh tử, sẵn sàng liều thân mình cho công cuộc dập tắt đại dịch, những người dân từ những kẻ nghèo hèn nhất vẫn nhường cơm, sẻ áo cho mọi người bằng sự hy sinh bản thân trong đại dịch.

Trên thế giới, gương những vị linh mục tạm bỏ áo dòng để vào bệnh viện, chấp nhận nguy hiểm để cứu người, những linh mục, tu sĩ đã nhường chiếc máy thở của mình, chấp nhận bỏ mạng sống để nhường cơ hội cho người khác đã khiến thế giới khâm phục và nêu gương. Thì ở Việt Nam, đội ngũ những đảng viên, quan chức luôn nói lời hay, ý đẹp, hò hét  nhau “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức…” rao giảng những lời đạo đức cho xã hội, lại là những tội đồ nguy hiểm nhất, nhẫn tâm nhất là ăn chặn, ăn cướp, tham ô, tham nhũng ngay trong những thời điểm ấy.

Nguyên nhân là ở đồng tiền bất chính. Có thể thấy rằng từ trung ương đến địa phương, hệ thống quan chức Y tế và liên quan, không một ai từ chối những đồng tiền bẩn thỉu ấy khi có cơ hội.

Vụ Chuyến bay giải cứu: Cũng trong quá trình đại dịch xảy ra khắp thế giới, tại Việt Nam đã có một sự phối hợp nhịp nhàng từ lãnh đạo đảng, nhà nước, hệ thống y tế, chính quyền nhân dân các địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại Giao, Bộ GTVT, Bộ Khoa học Công nghệ… đã cùng quảng cáo, dọa nạt người dân Việt khắp nơi trên thế giới rằng “Việt Nam là điểm đến an toàn nhất”, rằng là “Virus có thể làm mưa làm gió khắp thế giới nhưng đến Việt Nam đành thúc thủ”… thậm chí Thủ tướng chính phủ còn kiêu hãnh rằng: “Nếu ở Mỹ, cột điện có chân, nó cũng sẽ về Việt Nam”.

Và sau những chiêu trò đó, thì một sự liên kết nhanh chóng được lập ra bởi cả hệ thống để tổ chức những chuyến bay giải cứu công dân về Việt Nam. Hàng ngàn chuyến bay đã được tổ chức đưa hàng trăm ngàn người dân Việt Nam từ khắp nơi về Việt Nam cho an toàn. Để rồi, thậm chí đám bò đỏ, đám bị ngu dân còn gào lên rằng: “Ngạo nghễ Việt Nam”, “Bay vào trung tâm dịch bệnh, để đưa mấy chục công dân về Việt Nam chăm sóc… chỉ có thể là Việt Nam”.

Hàng chục cán bộ các cấp từ Thứ trưởng, Vụ trưởng, từ Thiếu tướng, đại úy đến các quan chức công an, chính quyền, công chức… đã chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng từ người dân trong khốn cùng.

Thế rồi sự việc bị lộ sáng người ta mới hiểu cái “ngạo nghễ”, cái “tự hào Việt Nam” người ta mới biết rằng cả hệ thống, ngay trong dịch bệnh nghiêm trọng và khẩn cấp như thế, vẫn nhanh chóng liên kết hết sức chặt chẽ với nhau để “làm thịt” người dân bằng đủ mọi cách từ xếp hàng, đến bán vé, đến chở về, cách ly… và lột những đồng cắc tận cùng dưới đáy quần người dân bằng mọi giá khi mà cái chết đang đe dọa cận kề.

Thậm chí, khốn nạn và tàn tệ hơn, chúng ăn cả tiền từ những người tù, những hộp tro cốt của công dân Việt Nam.

Và chưa có một cán bộ nào từ chối những đồng tiền bẩn đó, dù ít, dù nhiều. Cả hệ thống đã và đang sẵn sàng nhận những đồng tiền ấy không trừ một ai, thậm chí có những người chỉ làm chân thư ký, đã nhận đến hơn 60 tỷ đồng, những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, xương máu của người dân.

Vụ Đăng Kiểm: Cho đến tháng 7/2023, vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ nổi lên các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TPHCM, với 169 người đã bị khởi tố về các tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật”…

ĐIều đáng chú ý là bất cứ Trung Tâm đăng kiểm nào cũng có sai phạm và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Thậm chí, không chỉ ở các trung tâm đăng kiểm mà ở cả Cục đăng kiểm Việt Nam. Và ở đó, không chỉ cục trưởng đương kim bị bắt, mà cựu cục trưởng cũng bị bắt về tội nhận hối lộ. Chưa có trung tâm, cá nhân nào từ chối nhận hối lộ để bẻ cong quy định của luật pháp, mặc cho hậu quả của nó thì người dân chịu, biểu hiện rõ nhất là tai nạn giao thông Việt Nam đứng hàng đầu thế giới.

Việc khởi tố, bắt bớ hầu như cả hệ thống đăng kiểm đến mức không còn cán bộ mà làm việc, công an phải đưa người sang để “Tăng cường”. Và cuối cùng, với sự rộng khắp, sự toàn diện trong việc tham nhũng, nên Cục Đăng Kiểm đã phải đề nghị để cho cả những người đa bị khởi tố đi làm cho kịp kiểm định xe cho người dân.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Không cần kể nhiều về vụ án này, chỉ điểm qua những sự khốc liệt và thành tích của nó. Đây là vụ án có tính chất mafia, ngay khi khởi tố, đã có hàng loạt nhân vật bị chết một cách bí ẩn. Ba cái chết liên tiếp đã làm choáng cả cộng đồng, cả dư luận. Hàng ngàn khu đất đai, dự án do tập đoàn này làm chủ, ngân hàng SCB đã rút trái phép bằng hồ sơ giả cả triệu tỷ đồng (bằng khoảng 42 tỷ đola) để Trương Mỹ Lan tự tung tự tác.

Và vụ án này lại không phải mới được phát hiện, cách đây 10, cái tên tập đoàn và cá nhaah Trương Mỹ Lan đã được nhắc đến với tội hối lộ khổng lồ hối lộ Bộ trưởng Công an.

Và ở thời điểm hiện nay, người dân choáng hơn khi biết rằng Trương Mỹ Lan đã mua cả đoàn thanh tra Tổng hợp đến thanh tra để kết luận ngược lại kết quả thanh tra. Và choáng hơn, người nhận hối lộ của Vạn Thịnh Phát nhiều nhất đã được phát hiện với số tiền 5,2 triệu đola là Cục tưởng Cục Thanh tra.

Điều khủng khiếp hơn nữa, đó là cả đoàn thanh tra tổng hợp, không một ai bị bỏ sót, không ai không nhận hối lộ.

Khi hệ thống bị mua sỉ

Chỉ qua các vụ án được nêu ở trên, người ta thấy rằng hệ thống chính trị hiện nay tại Việt Nam rất dễ dàng bị mua chuộc, bị hối lộ. Mà vấn đề lại là ở chỗ: Việc mua chuộc, hối lộ ấy không lẻ tẻ, không chỉ là một vài người, một vài quan chức mà hầu như toàn bộ hệ thống đã bị mua một cách rất gọn gàng theo như kinh nghiệm của Năm Cam: “Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.

Lý giải điều này, có về mâu thuẫn với những điều được nói, được ghi trong văn bản, sách vở của người Cộng sản Việt Nam. Ở đó, người dân là “Ông chủ”, là đối tượng để họ (Những đầy tớ trung thành và tận tụy) phục vụ.

Thế nhưng, một lần nữa phải nhắc lại câu nói của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rằng: “Hãy xem việc cộng sản làm, đừng nghe lời cộng sản nói”. Bởi ngày nay, đằng sau những cánh tay giơ lên thề thốt khi vào đảng, đằng sau những lời thề nguyền” đó là âm mưu tìm kiếm một cơ hội đẻ có chức, có quyền, để tham nhũng.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân ở đây chính là câu Hồ Chí Minh đã cưỡng bức cả dân tộc rằng: “Đảng ta là đảng cầm quyền”.

Thế nên, tham nhũng, hối lộ, trấn cướp… là mục tiêu, là đích ngắm, là điểm phấn đấu của những người giơ tay vào đảng hiện nay.

Có thể khẳng định điều đó mà không thấy phân vân. Bởi nếu bỏ cái tự xưng “là đảng cầm quyền” đặt đảng cộng sản bình đẳng, ngang hàng với các tổ chức xã hội khác, chỉ lấy mục tiêu, lý tưởng của đảng để thực hiện, thì chắc chắn đảng cộng sản VN sẽ phải giải tán trong một nốt nhạc. Bởi những đảng viên trung kiên còn lại sống theo lý tưởng, đường lối, điều lệ… thì chắc chỉ là con số đếm trên đầu ngón tay và là nguồn lực tiềm tàng của… bệnh viện tâm thần.

Thế nên, cả hệ thống bị “mua sỉ” không phải là chuyện gây ngạc nhiên hiện nay.

Điều đáng ngạc nhiên, là sự vô lý ấy vẫn cứ tồn tại ngang nhiên, dù Việt Nam đã có đến 100 triệu người.

27.11.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment