Monday, November 16, 2020

Xin hỏi đồng bào hải ngoại, năm nay bà con đã mở ví từ thiện bao nhiêu rồi?

 Hình minh hoạ. Một cậu bé nhận tiền từ người tình nguyện tại vùng bị lụt ở Quảng Bình hôm 23/10/2020

Hình minh hoạ. Một cậu bé nhận tiền từ người tình nguyện tại vùng bị lụt ở Quảng Bình hôm 23/10/2020-Reuters



Xin hỏi một câu, những ông bà anh chị em cô bác người Việt ở nước ngoài, năm nay ông bà cô bác anh chị em đã gửi bao nhiêu tiền về để từ thiện tại Việt Nam rồi?

Ông bà cô bác có biết đồng tiền của mình đã tới tay người được tặng và người đó sử dụng ra sao chưa?

Đã nhiều lần tôi muốn khuyên ông bà anh chị em nên giữ chặt cái ví. Làm việc ở nước ngoài không phải là đào tiền trong mỏ, mọi người cũng rất vất vả, có người dành dụm cả năm đưa gia đình về thăm quê một chuyến là sạch nhẵn không còn đồng nào. Ấy vậy nhưng rất nhiều người rất sẵn lòng mở ví với rất nhiều cuộc quyên góp ở quê nhà, dưới danh nghĩa từ thiện.

Từ thiện-theo cách hiểu và cách làm của đại đa số người Việt Nam trong nước, thường diễn ra khi có thiên tai. Đó là mỗi người góp ít tiền, rồi tự mình hoặc cùng bạn bè người thân, mua thực phẩm và đi đến tận nơi gửi cho những người gặp nghịch cảnh. Hoặc góp cho người quen, chùa, nhà thờ, tổ chức tôn giáo của mình, hoặc những năm gần đây là góp cho các ngôi sao giải trí nổi tiếng mà mình yêu thích để họ thay mình đi đến tận nơi.

Miền Trung Việt Nam hứng chịu thiên tai nặng nề đã cả trăm năm nay, cứ vài năm lại một trận lụt lịch sử hay bão kỷ lục thế giới. Năm nào tiền từ thiện cũng chảy về ồ ạt, nhưng có khi nào ông bà cô bác nhìn lại xem đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình có thực sự giúp được những nạn dân một cách hữu ích nhất chưa?

Tôi dám thề chẳng ai bỏ công ra làm chuyện này.
Hầu hết đều sẽ chấm dứt sự quan tâm tới những đồng bào thiếu may mắn khi lệnh gửi tiền đã hoàn tất. Hoặc khi thùng mì gói đã được trao cho gia đình nào đó.

Họ ăn hết thùng mì đó, rồi làm gì để sống tiếp qua cơn hoạn nạn? Chẳng ai quan tâm nữa đâu.

Năm nay lụt, sang năm lụt, họ sẽ làm gì để sống tiếp với thiên tai định kỳ như vậy? Cũng chẳng ai quan tâm nữa đâu.

Lòng tốt của đại đa số người Việt chúng ta cũng giống y nước lũ miền Trung, đổ xuống nhanh thất thần, rút cũng tốc hành không kém.

Đương nhiên từ thiện hoàn toàn tốt, để cấp thời bổ sung những nhu cầu cấp thiết của người gặp nạn. Nhưng việc trao quà, tặng tiền mặt chỉ nên đến đó là dừng. Còn khi bão tố qua đi, nước lũ đã rút, không nên lại vô số đoàn từ thiện vẫn ùn ùn đến miền Trung để tặng tiền, tặng thực phẩm, tặng quần áo… tận tay từng hộ dân nữa.

Hình minh hoạ. Người dân ở Nghệ An gói bánh chưng để trợ giúp người dân vùng bị lụt hôm 20/10/2020
Hình minh hoạ. Người dân ở Nghệ An gói bánh chưng để trợ giúp người dân vùng bị lụt hôm 20/10/2020 Reuters

Ông bà cô bác đọc báo mạng đều biết sau thiên tai, tái thiết cuộc sống mới là khó khăn hơn. Ví dụ nhà cửa sau bão bị bay tôn, vỡ ngói, nhưng các tiệm buôn bán ngay tại địa phương đều tăng giá tôn ngói lên gấp nhiều lần, có thể đến mười lần, như tại nhiều tỉnh miền Trung sau cơn bão số 12 vừa rồi. Đoàn nọ đoàn kia đi phát tiền, tối đa cũng được đến 10 triệu/hộ dân là cao lắm rồi. Nhưng chỉ tính ở các đoàn nhóm từ thiện tư nhân tự phát, tổng số tiền cho đi cũng hàng vài trăm tỷ đồng. Chưa kể mỗi đoàn từ thiện ra miền Trung còn tốn rất nhiều tiền ăn ở, đi lại, chi phí thuê xe, thuê xuồng ghe chở vào vùng lũ...

Số tiền rất lớn đó nếu được điều hành và phân bố cẩn trọng, thì đã tạo được sự thay đổi lớn lao hơn cho miền Trung. Ví dụ các nhà hảo tâm có thể gom lại để mua tôn ngói giá sỉ từ các nhà máy, chở ra miền Trung phát cho các hộ dân cần sửa chữa nhà. Tiền mua mì gói (nhiều đến nỗi trên mạng có người kể đã nhận được 35 thùng mì trong tuần đầu của trận lũ-họ sẽ đem bán lại) có thể trích ra rất nhiều để mua hạt giống, sửa chữa nông cụ, làm sạch nguồn nước, dọn dẹp môi trường.

Vài trăm tỉ đồng chỉ trong một vài tuần. Nếu dùng nó để đối ứng với người dân, xây những căn nhà kiên cố có tầng cao để chống lũ, hoặc những ngôi nhà phao có thể nổi như ở Quảng Bình, thì tự nhiên lũ lụt bão tố năm sau sẽ bớt rất nhiều những cảnh đau thương.
Những ngôi nhà chống lũ hộ gia đình khá đơn giản. Một dạng thông thường là nhà xây có móng vững, tường cao vài mét đủ để làm một cái gác phía trên. Giá thành hoàn thiện từng căn nhà không cố định, trong khoảng từ 80 - 180 triệu đồng. Trong đó, dự án Nhà Chống Lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần còn lại các hộ dân tự lo, hoặc tìm kiếm thêm các nguồn tài chính khác, hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được. Ông bà cô bác tự tính giùm, vài trăm tỉ đồng sẽ làm được bao nhiêu ngôi nhà tránh lũ?

Hình minh hoạ. Người xếp hàng chờ nhận mì ăn liền ở Hải Lăng, Quảng Trị hôm 16/10/2020
Hình minh hoạ. Người xếp hàng chờ nhận mì ăn liền ở Hải Lăng, Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP

Chắc ông bà cô bác sẽ hỏi: coi trên mạng bà con người ta còn ở trong cái nhà như cái lều lụp sụp, bữa ăn còn chạy sấp ngửa, tiền đâu vài chục triệu để họ đối ứng?

Thực tế như vầy: ở đâu cũng có những gia đình chưa cần lũ lụt bão tố cũng đã chạy ăn từng bữa. Có thể do neo đơn, sức lao động hạn chế, già yếu, bệnh tật. Hoặc đơn giản chỉ là lười biếng, ăn nhiều hơn làm, hoặc thậm chí cờ bạc lô đề, nhậu nhẹt, nên quanh năm suốt tháng thiếu thốn.

Bỏ ra những gia đình neo đơn hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Nếu là ngày thường, sẽ chẳng ai quan tâm nhiều đến những gia đình cờ bạc lười biếng chơi bời. Nhưng khi thiên tai xảy ra, các đoàn cứu trợ tự phát đến địa phương, lập tức sẽ động lòng với những gia đình này trước hết, vì nhà cửa, hoàn cảnh sinh hoạt của họ đều tồi tệ hơn người khác. Sau bão lũ thì trở thành bi thảm. Vậy là rưng rưng móc ví ra, cũng bất chấp như nước lũ.

Việc được giúp đỡ quá dễ dàng, chỉ căn cứ vào tiêu chí “nhìn thấy tội nghiệp” sẽ kích thích lòng tham và sự ỷ lại. Ngay ở Sài Gòn, mấy năm trước dân tình đã vạch mặt “người cha tội nghiệp có 2 con bị bại não, vợ bỏ đi, hàng ngày chở theo con trong “chuồng” trên xe, bán bánh nuôi con.

Những đường dây nuôi trẻ ăn xin chưa bao giờ chấm dứt cũng dựa trên thói thương cảm hời hợt này.

Vậy thì ông bà cô bác ở hải ngoại nên làm gì? Rõ ràng không thể cầm lòng trước sự khổ sở của đồng bào mình, nhưng đồng tiền của mình đều đổ mồ hôi mới có, vậy nên sử dụng nó thế nào?
Xin có lời khuyên: Ông bà cô bác không tin nhà nước, điều đó không việc gì. Có hàng ngàn tổ chức xã hội, phi chính phủ, quỹ từ thiện nhân đạo, doanh nghiệp xã hội… đang hoạt động trên mảnh đất Việt Nam. Có tổ chức cứu trợ khẩn cấp, có tổ chức bảo trợ học hành, chữa bệnh, dạy nghề. Có tổ chức trồng rừng, khôi phục thiên nhiên. Có tổ chức chống nghiện ngập, cai ma túy, cai rượu…

Họ hoạt động chuyên nghiệp, có kiểm soát, đầu năm có dự án, cuối năm đều phải báo cáo thu chi, hiệu quả cho người tài trợ. Ngoài ra, còn có luật pháp và các tổ chức ràng buộc khác kiểm soát chéo họ.

Ông bà hãy chọn lấy một hoặc vài tổ chức đó, nhìn xem lịch sử họ đã làm gì, có phù hợp với mong muốn của mình không, rồi quyên góp cho họ. Ít nhất so với việc cô ca sĩ Thủy Tiên ôm một cục tiền của vô số nhà hảo tâm đi phát một cách tùy hứng và còn cẩn thận dặn hờ trước là việc sao kê minh bạch rất khó, có gì sơ suất xin thông cảm, thì rõ ràng các tổ chức chuyên nghiệp đáng tin hơn nhiều.

Xin dặn lại, đồng tiền của chúng ta kiếm ra không dễ dàng. Nên dùng nó một cách khôn ngoan có tính toán. Việc giúp đỡ đồng bào của mình nên là việc làm thành thật và giúp họ tự đứng vững trên đôi chân của bản thân. Đừng dễ dãi quăng đồng tiền ra chỉ để xoa dịu mong muốn làm việc tốt của chính mình, nhưng trong thâm tâm thì coi đồng bào của mình như những kẻ đáng thương hại cần được bố thí vậy.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do



No comments:

Post a Comment