Có điện để dùng nhưng phải có người chết vì hệ quả môi trường của nhà máy nhiệt điện thì người quản trị quốc gia cần phải biết. Nhà máy nhiệt điện mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, mang lại lợi nhuận cho nhà thầu độc quyền mua bán điện EVN, nhưng cái giá của nó thì người dân gánh. Nhiệt điện gây ô nhiễm không khí tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, thủy điện thì tàn phá rừng tăng nguy cơ tai họa do bão lũ. Những thiệt hại đó chủ đầu tư các nhà máy điện và EVN có gánh không?
Ngày 12/11/2020 trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài “Việt Nam vẫn ‘mê’ nhiệt điện than?” có nói rằng, trong khi các nguồn điện sạch như điện gió và điện mặt trời lên ngôi trên thế giới thì Việt Nam vẫn chuộng nhiệt điện than và thủy điện. Trong đó chất thải của nhiệt điện than thì làm ô nhiễm môi trường bằng chất thải độc hại còn thủy điện thì phá rừng làm mất cân bằng sinh thái. Tờ báo nói về chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam là “được điện, mất môi trường”. Đúng! Nhưng đó chỉ là cách nói nhẹ đi mà thôi, cần phải chỉ đích danh những thiệt hại ẩn đằng sau đó là gì kìa? Đó là tiền đầy túi lợi ích nhóm ngành điện và EVN, còn sinh mạng, tài sản, mùa màng và bệnh tật thì dân gánh.
Nhìn vào cái lợi và cái hại do nhiệt điện và thủy điện gây ra thì rõ ràng, chính quyền này đang vì quyền lợi đảng chứ chẳng phải vì dân. Những chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện và thủy điện đều có dính dáng đến nhóm lợi ích, còn EVN khỏi phải nói, nó là đứa con cưng của chính phủ. Nhiệt điện than chính là công nghệ rác nhập về từ Trung Cộng. Trung cộng là một quốc gia đang gánh hậu quả rất nặng nề từ thứ công nghệ lạc hậu này, họ muốn xuất sang Việt Nam để tống khứ đống rác ấy đi thì Việt Nam lại nhập về. Tàu xuất công nghệ rác tất nhiên giá bèo, ở Việt Nam người ta nhập thứ rác thải đó vào và được xác định là thứ “công nghệ mới”. Giá xuất là giá rác, giá nhập là giá của một loại công nghệ mới thì tất nhiên sự chênh lệch giá rất lớn. Khoản chênh lệch đó sẽ vỗ béo các nhóm lợi ích trong ĐCS. Còn hậu quả? Dân phải xuất tiền túi để chữa bệnh ung thư của mình. Đó là cái giá mà dân phải gánh.
Còn thủy điện thì chắc không phải nói nhiều. Trong suốt tháng 10 và những ngày đầu tháng 11 vừa qua miền trung đã gánh quá nhiều thiệt hại do thiên tai mà trong đó có nguyên nhân phá rừng làm thủy điện đóng một phần không nhỏ trong thảm họa. Nếu nói nhiệt điện than dân phải chi tiền chữa bệnh ung thư, thì thủy điện làm cho dân phải mất mạng mà không gì có thể cứu họ được.
Ngày 13/11/2020 trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, bài viết “Samsung, Toshiba dừng đầu tư các dự án nhiệt điện than” có cho biết rằng tại Hàn Quốc, Samsung vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ xã hội buộc Samsung cam kết dừng đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện. Không những thế, tổng thống Moon Jae-in còn phải cam kết với dân Hàn rằng, năm 2050 Hàn Quốc sẽ đạt mục tiêu zero ròng về khí thải carbon và sẽ chi tiêu 8.000 tỉ won (7,2 tỉ đô la Mỹ) cho tăng trưởng xanh. Tại Nhật Bản công ty Toshiba cũng gặp cảnh tương tự như Samsung và họ cũng cam kết tương tự. Thêm vào đó, chính phủ Nhật Bản cũng cam kết với người dân nước họ là phải giảm khí thải về khí thải carbon về zero vào năm 2050.
Ngày 13/12/2018 trên báo Vietnamnet, bài viết “Nếu ngàn người chết vì nhiệt điện than: Việt Nam phải cảnh báo ngay cho Mỹ” có cho biết rằng “Đại học Havard (Mỹ) thì mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than, tới 2030, khi nhiệt điện than đạt 300 tỉ kWh thì số người chết yểu sẽ là 17.500 người”. Và tất nhiên, phía Việt Nam phủ nhận nghiên cứu này. Uy tín của trường Havard sẽ bảo chứng cho con số, không ai lại tin quan chức CS mà bác bỏ con số nghiên cứu của một trường đại học hàng đầu thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật, Hàn đều có động thái xóa bỏ dần dự án nhiệt điện than đâu. Nó rất nguy hại, nguy hại hơn chúng ta tưởng. Chỉ có ĐCS Việt Nam vốn xem nhẹ sinh mạng dân mới nhắm mắt làm càn vì tiền thôi chứ Nhật và Hàn họ không thể./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment