Bộ Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) Việt Nam tiếp tục khuấy động dư luận khi giới thiệu Dự thảo Nghị định về Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT.
Dự thảo vừa kể nhằm thay thế một nghị định cùng loại đã được chính phủ Việt Nam ban hành cách nay năm năm (Nghị định 86/2015/NĐ-CP) và điểm đáng chú ý nhất của dự thảo là… tăng học phí của tất cả các bậc học. Học phí của các bậc từ mầm non đến phổ thông sẽ tăng 7,5% mỗi… năm và học phí đại học sẽ tăng 12.5% mỗi… năm (1).
***
Tuy hệ thống truyền thông chính thức chỉ giới thiệu ý tưởng này và không bình luận gì thêm nhưng độc giả không ngần ngại bày tỏ sự bất bình trên các diễn đàn điện tử do hệ thống truyền thông chính thức kiểm soát. Chẳng hạn trên trang facebook của VTC (VTC Now), Kim Lan Nguyen Van nhận định, nỗ lực soạn thảo nghị định mới nhằm thay thế nghị định cũ là một kiểu… vắt óc để tận thu! Sican Nguyen thì thắc mắc: Tại sao các quốc gia khác nỗ lực giảm học phí, chi phí y tế còn Việt Nam thì làm ngược lại? Khánh Ngọc Trần than: Phổ cập (miễn học phí) kiểu gì mà chưa hoàn thiện đã hết hiệu lực? Đủ các loại thuế, phí rồi lại lấy đà tăng học phí!
Pham Sinh nhận xét: Vậy là con nhà nghèo không còn cơ hội học hành! Thoa Phan xem dự thảo nghị định vừa đề cập là con đường đồng hóa nhà nghèo với mù chữ. Tuyen Nguyen khuyên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền: Nghĩ cái gì bổ ích cho dân chúng tôi đỡ khổ đi mấy bác (2)!..
Trung tâm Tin tức VTV24 cũng giới thiệu dự thảo nghị định về học phí trên trang facebook của cơ quan truyền thông này. Theo ghi nhận của facebook, có tới 41.000 bình luận, 2.000 facebooker chia sẻ tin của Trung tâm Tin tức VTV24 nhưng thiên hạ chỉ đọc được… sáu ý kiến. Người ta thấy Nguyễn Thảo than: Rất nhiều sinh viên đã bỏ dở việc học hành, giờ lại tăng chắc phải nghỉ học thật ạ! Thanhngoc Nguyen cũng than: Lại tăng, tăng thuế , tăng phí, tăng..., chỉ có dân lao động nghèo là khổ! Nguyễn Văn Đình dùng icon chắp tay vái ba lần tình trạng… chất lượng giáo dục đi xuống mà học phí lại… đi lên. Thiệu Kim Vân lắc đầu: Cái gì cũng tăng, chỉ tăng lương là chẳng ai bàn (3)!
***
So với phản ứng của độc giả trên những trang facebook thuộc hệ thống truyền thông chính thức, phản ứng của người dùng mạng xã hội trên các trang facebook của cá nhân, hoặc của các nhóm không phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo của Ban Tuyên giáo thuộc BCH TƯ đảng, dữ dội hơn.
Chẳng hạn trên trang Tuổi học trò, Thế Minh mỉa mai: Thời buổi khó khăn, đủ kiểu dịch bệnh, bão lũ, không tăng học phí thì… làm gì? Giống như Thế Minh, Thành Tài bình: Dịch bệnh, bão lũ liên miên, tăng học phí là… quá hợp lý! Đức Minh khen, dự tính tăng học phí là nỗ lực nhân đôi nghèo khổ! Trước những thắc mắc tại sao chính phủ lại có ý tưởng bất cận nhân tình như thế, Lieu Trung Nghĩa phỏng đoán: Có thể các ‘bố’ thấy dân đóng góp cho hoạt động từ thiện nhiều quá nên… thèm! Quan sát phản ứng giận dữ và sự thất vọng của công chúng về dự tính tăng học phí, Bao Bui khen dự tính ấy là… một nỗ lực… tốt vì giúp… giảm ngu dốt (4)!..
Giống như nhiều facebooker khác, Khanh Nguyen cũng thắc mắc, trong bối cảnh như hiện nay, tại sao Bộ GDĐT không đả động gì đến việc miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên các khu vực bị thiên tai mà chỉ chuyên chú vào phương án tăng học phí? Đó cũng là lý do Khanh Nguyen nhắn hỏi Bộ trưởng GDĐT rằng, ông có còn nhân tính không? Trần Quang Thái – một thân hữu của Khanh Nguyen – “chỉnh” Khanh Nguyen: Bộ trưởng GDĐT… thừa thú tính nhé (5)! Giống như Khanh Nguyen, Đặng Huỳnh Lộc xem việc Bộ GDĐT dự tính tăng học phí các cấp ngay sau khi lương dân vật lộn với đại dịch, thiên tai là… sự nhẫn tâm đối với cả dân tộc, do vậy… hãy cút đi (6)!
Tham gia bình luận về dự tính tăng học phí các cấp trên trang facebook Bds Phu CuChi, Thinh Le Phuoc so sánh, mức phạt vi phạm giao thông tăng năm lần, chi phí dịch vụ y tế tăng gấp đôi như thế là giàu… không đồng đều. Không tăng học phí để xảy ra tình trạng… giàu không đồng đều sẽ gây… mất đoàn kết, chia rẽ thì nguy to. Sống Đời bỡn cợt: Tăng gấp đôi luôn. Phải chết thì cho chết luôn chứ tăng học phí ít như vậy sẽ… cắn xé nhau. Còn dân? Sống chết mặc bay (7)... Phuc Dinh Kim cũng nghĩ như vậy nên lý giải nguyên nhân dẫn đến nỗ lực tăng học phí hết sức ngắn gọn: Tại sao học phí phải tăng? Vì tham nhũng tăng (8)!
***
Trong khi rất nhiều người nguyền rủa Bộ trưởng GDĐT, Vinh Râu lưu ý: Cứ nhìn giá điện, giá xăng, mức tăng các khoản phạt, kể cả khoản phạt không mang khẩu trang nơi công cộng của Bộ Y tế, rồi Luật Giao thông đường bộ bị ngắt làm đôi cho hai bộ cai quản giống như nâng “suất ăn” lên gấp đôi,… ắt sẽ thấy, toàn bộ chính phủ cùng nỗ lực “kiến tạo” cách lấy tiền dân sao cho nhiều chứ chẳng riêng gì Bộ GDĐT. Dịch bệnh, thiên tai không làm chùn tay những kẻ bóc lột có môn bài đâu bà con ạ! Nếu không có chính phủ bật đèn xanh dưới gầm bàn, đố ông Bộ trưởng GDĐT dám đơn phương tăng học phí. Chỉ chửi một mình ông ta xem ra không công bằng lắm đâu!
Vinh Râu cảnh báo: Đừng nhìn cái mặt như hề của ông Bảy Thủ mà không… đề phòng móc túi. Lầm chết luôn đó! Câu ca dao này của ông bà: Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Hình. Ba Bộ đồng tình…- chưa lỗi thời đâu nhé! Một số thân hữu của Vinh Râu như Nguyễn Thúy Hà bỡn cợt: Chính phủ “kiến tạo” đang đưa chúng ta đến… đỉnh của cuộc sống thiên đường mà! An Tran giả vờ hoang mang: Thiên đường này bị ngược ngược thế nào ấy! Vinh Râu nói lại cho rõ: Đó là địa ngục nói ngược thôi! Thang Le buột miệng: Ngày xưa họ tuyên truyền chế độ phong kiến, thực dân là sưu cao thuế nặng. Bây giờ, mẹ kiếp, gấp vạn lần (9)!..
Chú thích
(1) https://tintucvietnam.vn/bo-gddt-de-xuat-tang-hoc-phi-muc-tang-tung-cap-the-nao-d251577.html
(2) https://www.facebook.com/vtcnow/posts/2744463332438242
(3) https://www.facebook.com/tintucvtv24/posts/1733831386804642
(4) https://www.facebook.com/tuoihoctro.net/posts/2884454758439738
(6) https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/4120653387951592
(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=172160941201974&id=100052242080472
(8) https://www.facebook.com/phuc.dinhkim.7/posts/2821886334697664
(9) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=183137789966149&id=100048097861219
No comments:
Post a Comment