HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” với kinh phí lên đến 2,696 tỷ đồng ($116.2 triệu) của Bộ Công An CSVN vừa được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc rốt rẻng thông qua.
Báo VietNamNet hôm 5 Tháng Chín nhấn mạnh dự án “nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự, hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Việc giải ngân khoản tiền thuế dân được VietNamNet diễn giải là “sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phòng ngừa thất thoát, lãng phí.”
Thủ Tướng Phúc được ghi nhận giao Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công An CSVN rót tiền cho dự án được triển khai từ nay đến năm 2022.
Không hề thấy các báo nhà nước tường thuật việc dự án nêu trên có được phản biện, đánh giá hiệu quả, mức phân bổ ngân sách hợp lý, cũng như hiệu quả của những lần thay “chứng minh nhân dân” trước đây.
Liên quan dự án này, hệ thống truyền thông nhà nước được chỉ thị đăng liên tiếp nhiều bài tuyên truyền về tính ưu việt của thẻ căn cước công dân gắn chip thay vì mã vạch như hiện nay.
Tuy vậy, chiến dịch truyền thông rầm rộ này cũng không làm công luận bớt hoài nghi về chuyện Bộ Công An CSVN cố tình “vẽ” dự án tốn kém trăm triệu đô từ ngân sách để tăng cường việc kiểm soát người dân, trong lúc đợt đổi “chứng minh nhân dân” sang thẻ căn cước công dân có mã vạch mới thực hiện hồi năm 2016.
Điều oái oăm là đến cuối năm 2020, khi nhà cầm quyền bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, ở Việt Nam sẽ tồn tại đồng thời bốn mẫu căn cước đều có giá trị sử dụng gồm: “chứng minh nhân dân” chín số, “chứng minh nhân dân” 12 số, căn cước công dân có mã vạch và căn cước công dân gắn chip.
Báo Tuổi Trẻ hồi đầu Tháng Tám ghi nhận: “Không chỉ người dân bất ngờ, cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân cũng gặp lúng túng khi vừa mới triển khai nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ. Tại Sài Gòn, từ Tháng Bảy, số người dân đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tăng lên. Nay chấp hành chủ trương mới thì gặp khó khăn với kế hoạch vừa triển khai.”
Có lẽ biết rằng không cơ quan truyền thông nào của nhà nước được phép phản đối dự án của Bộ Công An CSVN, báo Tuổi Trẻ dè dặt đưa ra lời khuyên rằng “chứng minh nhân dân” nếu vẫn còn hạn sử dụng thì cứ dùng tiếp, còn trường hợp cần cấp căn cước công dân để đi thi, đi học, giao dịch… mới cần đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.
Lên tiếng trên báo điện tử Pháp Luật Plus của Bộ Tư Pháp CSVN, ông Nguyễn Ái Việt, cựu viện trưởng Công Nghệ Thông Tin, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, cho biết: “Việc gắn chip lên thẻ căn cước công dân, về nguyên tắc thì có thể định vị được, nếu người thiết kế muốn. Vì thế, việc người dân băn khoăn, lo lắng là có cơ sở. Nếu cần thiết phải gắn chip lên thẻ căn cước công dân thì nhà chức trách cần công bố công khai, đồng thời phải nêu rõ việc quản lý, sử dụng chip để làm gì? Việc thu thập thông tin không có lý do chính đáng là vi phạm quyền riêng tư. Điều quan trọng là dữ liệu trong từng chip sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào?… Hiến Pháp có nêu về quyền cá nhân, quyền riêng tư [của người dân] được bảo vệ. Không ai được xâm phạm những bí mật cá nhân, trừ khi người đó là nghi can hoặc kẻ phạm tội.” (N.H.K) [qd]
No comments:
Post a Comment