Saturday, September 5, 2020

Khoảng 90% người dân ở Việt Nam đang ăn gạo ‘bẩn’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thị trường nội địa Việt Nam chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn sạch, còn lại thì toàn là gạo “bẩn, so với tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới sử dụng.

Mặc dù đứng top đầu những quốc gia xuất khẩu gạo, nhưng tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xuất cảng Châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” diễn ra hôm 3 Tháng Chín, tại Hà Nội, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An, cho biết thị trường nội địa chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn sạch, còn 90% người tiêu dùng vẫn đang ăn gạo “bẩn” mà không hề hay biết.

Ăn gạo “bẩn” tuy không chết ngay, nhưng sự tích tụ của thuốc bảo vệ thực vật gây ra các bệnh ung thư, tiểu đường. (Hình: Tiền Phong)

“Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường…ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo,” báo Nhà Đầu Tư dẫn lời ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện người tiêu thụ đã nhận thức được mối nguy hiểm của gạo “bẩn” và tìm mua gạo có thương hiệu. Thế nhưng, do gạo “bẩn” chiếm tới 90% và 10% được xem là gạo “sạch” được một số doanh nghiệp đầu tư trồng.

Do số lượng rất hạn chế nên nảy sinh vấn đề doanh nghiệp trồng diện tích nhỏ nhưng công bố số lượng lớn. Có những đơn vị chỉ trồng 5 hécta gạo hữu cơ, hay tiêu chuẩn Global GAP ( Global Good Agricultural Practice, tức thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) nhưng mở cửa hàng gạo sạch bán khắp Việt Nam. Hiện tại ở Sài Gòn và Hà Nội có rất nhiều cửa hàng trưng bảng bán gạo Global GAP nhưng được trồng ở đâu, chất lượng như thế nào thì chẳng ai biết.

Nhu cầu tăng nhưng nguồn cung ít nên người dân tìm đến gạo nhập cảng từ Nam Hàn, Nhật, Thái Lan, Cambodia ngày càng nhiều. Những loại gạo nhập cảng này “sạch” đến đâu cũng khó kiểm chứng.

Không chỉ gạo trong nước không đạt tiêu chuẩn mà ngay cả gạo xuất cảng cũng không khá hơn. Ông Bình cho rằng dù đứng top đầu xuất cảng, nhưng thương hiệu gạo Việt khá mờ nhạt.

“Gạo Việt thường mang thương hiệu của đơn vị trung gian, đơn vị nhập cảng. Và chỉ có 10% gạo thương hiệu Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn sạch của thế giới,” ông Bình nói.

Phát ngôn trên của ông Bình đã khiến người dân lo lắng với nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, trong khi phía Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã lên tiếng phản bác.

Nói với báo Tuổi Trẻ chiều 5 Tháng Chín, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp, cho biết nhận định trên là “không chính xác” bởi những năm qua ngành lúa gạo Việt Nam đang có những thay đổi và khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.

“Tất cả các thị trường trung bình như Philippines, Châu Phi… hay thị trường cao cấp như Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật… đều yêu cầu rất ngặt nghèo về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì làm sao nói gạo Việt là ‘gạo bẩn’ được,” ông Cường dẫn chứng.

Ông Cường cho rằng khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính.

“Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua,” ông Cường nói thêm.

Trước áp lực của giới hữu trách, giải thích về phát ngôn của mình ông Phạm Thái Bình cho biết, nội dung trên được ông nói hơn một tiếng đồng hồ, nhưng “nhà báo lại cắt khúc ra để gây sốt cộng đồng mạng, quy tội tôi.”

“Tôi nói gạo ‘bẩn’ ở đây là nói theo tiêu chuẩn chuyên ngành nông sản thực phẩm mà các nước trên thế giới đang nói tới và sử dụng. Cụ thể là trong lúa, gạo, rau, củ, trái cây, hoặc thủy sản sạch là sản xuất canh tác đạt tiêu chuẩn từ GlobalGAP, VietGAP hoặc hướng hữu cơ, organic. Còn không đạt tiêu chuẩn tối thiểu như trên là sản phẩm không an toàn,” ông Bình nói với báo Tiền Phong.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc công ty Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trung An. (Hình: Tiền Phong)

“Đã là gạo không an toàn người ta gọi là ‘bẩn’ cũng không sai. Tôi nói ‘con số 90%’ ăn gạo chưa sạch là có căn cứ: Việt Nam trung bình mỗi năm canh tác 4.5 triệu hécta đất lúa, nhưng trong đó hiện tại chưa đến 400,000 hécta trồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để cho ra gạo an toàn. Như vậy, con số 90% là còn ít,” ông Bình phân tích.

Theo ông Bình, múc đích của ông là để “cảnh báo” người tiêu thụ trong việc sử dụng thực phẩm ăn hàng ngày sao cho thông minh, đừng bị lừa.

Ông Bình cũng khẳng định rằng, thông tin về việc người dân Việt đang sử dụng gạo không an toàn không ảnh hưởng đến xuất cảng gạo của Việt Nam. Thậm chí, ngược lại, ở Châu Âu hoặc các nước khác khi biết được thông tin họ còn cho là Việt Nam thành thật và thẳng thắn, bởi chính các nước cũng đang “đau đầu” với thực phẩm “bẩn,” trong đó có cả gạo chứa nhiều hóa chất. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment