Wednesday, September 30, 2020

Hòa Bình chi gần nửa triệu đô làm ‘khẩu hiệu 11 chữ’ gây phẫn nộ dư luận

 HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Dư luận tại Việt Nam những ngày qua bày tỏ sự giận dữ và bất bình trước việc nhà cầm quyền tỉnh Hòa Bình chi hơn 10.4 tỷ đồng ($449,635) để lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ trên đồi Ông Tượng, mà theo lãnh đạo Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh này là “mang ý nghĩa nhân văn,” và việc xây dựng là “cần thiết.”

Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Chín, ông Nguyễn Tuấn Anh, phó chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hòa Bình, cho biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư là Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch “rà soát lại” tổng vốn công trình xây lắp khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng ở phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.

11 chữ khẩu hiểu trên đồi Ông Tượng tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền thuế của dân. (Hình: N.H/Tuổi Trẻ)

Theo ông Tuấn Anh, “cái khó” hiện nay là nhà thầu đang trong quá trình thi công nên khó thực hiện kiểm tra, rà soát. “Mọi công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách đều được kiểm tra lại hết, theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, việc đầu tiên các cơ quan hữu trách của tỉnh phải tiến hành nghiệm thu theo thực tế tại hiện trường, trước khi quyết toán công trình sẽ tiến hành kiểm tra một lần nữa,” ông Tuấn Anh biện minh.

Liên quan đến vụ việc này, để gắn 11 chữ giá gần nửa triệu đô đứng vững trên quả đồi, đơn vị thi công phải dùng đến mấy trăm cây cọc đóng chồng lên công trình “chống sạt đồi Ông Tượng,” hiện đang bỏ dở dang vì thiếu vốn, mặc dù đây là công trình rất cấp bách, vì quả đồi này nằm sát cạnh hồ thủy điện Hòa Bình, bên dưới lại là các cơ quan đầu não của tỉnh.

Ông Tuấn Anh thừa nhận, trước đây đồi Ông Tượng bị sạt lở nên được thủ tướng đồng ý cho tỉnh “đầu tư xử lý chống sạt lở.” Cụ thể, hồi năm 2017, mưa lớn đã khiến đồi bị sạt lở, dẫn đến xuất hiện hàng loạt vết nứt, hình thành khối trượt ước tính 1.8 triệu khối đất đá và đã bị dịch chuyển 5-80 cm….

“Về lý do phải lắp dựng biển hiệu và tạo cảnh quan ở đồi Ông Tượng là do trong quá trình xử lý sạt lở đồi thời gian qua đã khiến nhiều cây xanh bị chặt đi, đồi trơ trọi. Phía trên đồi tỉnh cũng đã dựng tượng đài Hồ Chí Minh, dưới chân đồi là hàng loạt công trình thuộc trung tâm hành chính của tỉnh Hòa Bình. Vì vậy, để tạo cảnh quan quan khu vực, Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy đã đồng ý cho dựng biển hiệu ‘Đời đời nhớ ơn Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,’ như các tỉnh khác hay làm để bà con các dân tộc của tỉnh ghi nhớ công ơn, học tập theo gương bác,” ông Tuấn Anh giải thích.

Trong khi đó, trả lời báo Người Lao Động vào chiều ngày 27 Tháng Chín, ông Quách Tất Liêm, giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư tỉnh Hòa Bình, cũng cho rằng: “Công trình nằm trên đồi cao dễ quan sát, bất cứ ai di chuyển theo đường Trần Hưng Đạo đều có thể quan sát dễ dàng cho nên việc xây dựng là rất cần thiết. Công trình bảo đảm đúng đơn giá, quy trình của nhà nước, trước khi xây dựng đã được cơ quan chuyện môn thẩm định đúng quy định,” ông Liêm khẳng định.

Viết trên trang cá nhân, Facebooker Hoàng Nguyên Vũ bất bình: “Một công trình cấp bách đang thiếu vốn, một mặt đồi trọng yếu đang được gia cố chống sạt bởi lớp che phủ chống sạt, thế mà hai ông quan tỉnh cùng với bà Sở Văn Hóa tỉnh này cho chở nguyên vật liệu bằng phương pháp thủ công lên đồi và đóng lên bề mặt ấy hàng trăm cái cọc, chẳng phải đang phá nát hết cái công trình đang dở dang và cấp bách ấy?

Có thể hiểu ngành văn hóa tỉnh này không biết về xây dựng lại màu mè tô vẽ đã đành. Nhưng hai ông quan phó tỉnh này, một phụ trách xây dựng, không lẽ không biết?

Không lẽ “cái mùi” của dự án “thơm” đến độ khiến các ông bà quên đi cái nguy cơ khối đất đá nguy hiểm kia và hàng trăm tỷ tiền ngân sách đã ném vào đó, để tiếp tục khoác lên câu khẩu hiệu ai cũng đã biết giá hơn chục tỷ đồng, bất chấp mọi hiểm họa và lãng phí, thậm chí là phá hoại?”

Hàng trăm cây cọc được đóng lên trên đồi Ông Tượng đang bị 18 vết nứt. (Hình: Ngọc Triu/Pháp Luật Việt Nam)

Liên quan ông Bùi Văn Cửu, báo An Ninh Thủ Đô hồi Tháng Chín, 2019, cho hay ông này bị Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cảnh cáo do “đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng” liên quan vụ bê bối nâng điểm thi tú tài quốc gia xảy ra tại tỉnh này hồi năm 2017, 2018.

Theo báo Hòa Bình, do ông Cửu khi đảm nhận vị trí trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tú tài quốc gia tỉnh Hòa Bình “thiếu kiểm tra, giám sát” nên một số cán bộ “can thiệp, sửa chữa nâng điểm thi cho 65 thí sinh trong hai năm 2017 và 2018, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình.”

Đáng lưu ý, vụ này không khiến ông Cửu bị mất ghế mà vẫn tại vị cho đến khi nghỉ hưu mới đây. (Tr.N) [kn]

No comments:

Post a Comment