Wednesday, September 30, 2020

Hải Quan CSVN bất lực với cả ngàn container rác độc hại nhập cảng

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn container phế liệu độc hại nhập cảng còn tồn đọng tại các cảng biển khắp Việt Nam đang khiến cơ quan hải quan, lẫn doanh nghiệp “đau đầu,” vì lúng túng không có cách giải quyết cụ thể.

Tại văn bản gửi Cục Hải Quan các tỉnh, thành mới đây, Tổng Cục Hải Quan CSVN cho biết “sẽ có hướng dẫn để hãng tàu, đại lý hãng tàu thực hiện tái xuất phế liệu tồn đọng.”

Container chứa đầy rác phế liệu độc hại bị chủ hàng từ bỏ. (Hình: Q.Định/Tuổi Trẻ)

Theo Cục Hải Quan ở Sài Gòn, trong số container tồn đọng tại cảng hiện có 1,167 container là “phế liệu không đạt chất lượng nhập cảng,” phần lớn tại cảng Cát Lái. Sau khi giới hữu trách phân loại, trong số 1,509 container chỉ có 410 container “đủ điều kiện nhập cảng.”

Nói với báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Hải Quan ở Sài Gòn, nơi đang tồn đọng 1,099 container phế liệu “không đủ chuẩn nhập cảng,” trong đó nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường buộc phải tái xuất, cho biết “vẫn đang kêu gọi sự hợp tác của doanh nghiệp để xử lý các lô hàng.”

Tuy nhiên, sau một tháng phát ra 30 thông báo gửi cho các hãng tàu và đại lý hãng tàu tại Việt Nam về việc “vận chuyển hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển,” đến nay cơ quan hải quan chỉ nhận được phản hồi của một số hãng, đại lý.

Cụ thể, trong đó 15 hãng tàu đã có phương án xử lý 484 container phế liệu nhập cảng không đạt tiêu chuẩn tại cảng Cát Lái. Song, 15 hãng tàu còn lại với 615 container chưa có phương án tái xuất nào.

Ông Nguyễn Thanh Long, phó chi cục trưởng Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu Cảng Sài Gòn, Khu Vực 1 (Hải Quan Cát Lái), cho biết: “Các hãng tàu cho rằng không liên lạc được với người nhận hàng tại Việt Nam cũng như người gửi hàng ở ngoại quốc, trong khi hàng không đủ điều kiện nên không thể xuất đi các nước khác…”

Cũng theo ông Long, với phương án “xử lý phế liệu,” chỉ có năm hãng tàu với 67 container đề nghị tiêu hủy hoặc yêu cầu hải quan hướng dẫn phương án xử lý, 10 hãng tàu có phương án tái xuất tương ứng 417 container.

Trong thực tế, để xử lý 1,099 container rác phế liệu nói trên, thời gian qua cơ quan hải quan cùng công ty cảng đã “làm hết cách.” Từ thông báo, kêu gọi, giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu để doanh nghiệp đến nhận, nhưng tỷ lệ được xử lý rất “nhỏ giọt.”

Thậm chí, nhiều chủ hàng đã bỏ trốn vì hàng không đủ điều kiện nhập cảng, phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa…

Đến nay, hải quan ở Sài Gòn chỉ mới “trả về nơi xuất hàng” 39 container, gồm 37 container của hãng tàu Yangming đã được làm thủ tục tái xuất đến Malaysia và hai container của một hãng tàu khác tại Hải Quan Cửa Khẩu Cảng Sài Gòn Khu Vực 4 (cảng Phước Long). Số container phế thải còn lại vẫn đang tập kết về cảng Hiệp Phước.

“Chúng tôi cũng đã báo các phương án này về Phòng Giám Sát Quản Lý Hải Quan để tổng hợp phúc trình Tổng Cục Hải Quan theo quy định,” đại diện Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu Cảng Sài Gòn Khu Vực 1, ngán ngẩm nói.

Theo báo VietNamNet, Cục Hải Quan ở Sài Gòn, cho hay nếu quá 30 ngày kể từ ngày thông báo mà hãng tàu không tái xuất các lô hàng phế liệu độc hại, cơ quan này sẽ lập danh sách các hãng tàu vi phạm, phúc trình Tổ Liên Ngành để lập phương án buộc tiêu hủy, hoặc kiến nghị Bộ Giao Thông Vận Tải dừng cấp phép ra,vào cảng. Riêng với các container tồn đọng đủ điều kiện nhập cảng, theo quy định sẽ được “xử lý theo quy trình đấu giá.”

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải, việc chế tài là đẩy khó cho doanh nghiệp, bởi chính họ cũng muốn xử lý các container phế liệu này.

Đại diện một hãng tàu có gần 100 container đang “vướng” trong các container hàng phế liệu, cho biết bản thân hãng tàu “cũng muốn xử lý để lấy lại container.”

“Ngay cả khi hãng muốn trả cũng không dễ. Bởi để vận chuyển hàng hóa trở lại, phải có hóa đơn mua bán giữa người bán hàng và người nhận hàng. Một khi hình thành hợp đồng mua bán, hãng tàu mới đủ điều kiện làm thủ tục và nhận chở hàng. Nếu yêu cầu hãng tàu xuất ngược cũng không được vì không có người nhận sẽ không thể dỡ hàng,” vị này cho biết.

Trong thực tế, một số nước đã trả được container phế liệu tái xuất qua con đường ngoại giao, doanh nghiệp nhận hàng do chính phủ chỉ định.

Cơ quan hữu trách ở Sài Gòn “đau đầu” với cả ngàn container phế liệu độc hại. (Hình: Đ.V/VietNamNet)

Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, xử lý container phế liệu cần có sự quyết liệt, biện pháp chế tài mạnh tay từ cơ quan quản lý. Chẳng hạn, với những hãng tàu chưa có phương án tái xuất, cơ quan hữu trách phải xử lý nghiêm.

“Ở đây chính là câu chuyện phát triển bền vững. Nếu không, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới và phải trả giá rất đắt bằng chính chất lượng sống của thế hệ sau,” ông Tuấn lo lắng nói. (Tr.N) [kn]

No comments:

Post a Comment