HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự trù từ Tháng Mười Một, nhà cầm quyền CSVN sẽ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử thay cho “chứng minh nhân dân” và thẻ căn cước công dân có mã vạch.
Hiện tại, các báo nhà nước đăng nhiều bài tuyên truyền rằng thẻ căn cước gắn chip “phù hợp với xu hướng công nghệ số đang phát triển, có nhiều ưu điểm như lượng thông tin lưu trữ lớn hơn, mức độ bảo mật cao so với thẻ căn cước có mã vạch, giúp giảm thời gian và chi phí cho những thủ tục hành chính công, thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của chính phủ điện tử…”
Điều oái oăm là đến cuối năm 2020, khi nhà cầm quyền bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, ở Việt Nam sẽ tồn tại đồng thời bốn mẫu căn cước đều có giá trị sử dụng gồm: “chứng minh nhân dân” chín số, “chứng minh nhân dân” 12 số, căn cước công dân có mã vạch và căn cước công dân gắn chip.
Theo báo Nhân Dân, mục tiêu của Bộ Công An CSVN là tới ngày 1 Tháng Bảy, 2021, cấp được 50 triệu căn cước công dân gắn chip.
Do việc ban hành thẻ căn cước công dân gắn chip là phương án của Bộ Công An CSVN, các báo đảng rất dè dặt đăng ý kiến phản biện về mức độ tốn kém tiền thuế dân.
Báo VNExpress hôm 12 Tháng Tám cho hay một số chuyên gia đề nghị Bộ Công An CSVN “cân nhắc giữa sự cần thiết và chi phí phải bỏ ra để cấp thẻ căn cước gắn chip cho công dân.”
“Đơn cử dự án làm thẻ căn cước [mã vạch] và xây dựng dữ liệu cư dân quốc gia hiện đã có tổng mức đầu tư hơn 3,000 tỷ đồng ($129.3 triệu), con số để làm thẻ gắn chip chắc chắn sẽ cao hơn, nên trước khi thực hiện cần cân nhắc kỹ,” tờ báo viết.
VNExpress dẫn ý kiến của ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội CSVN rằng trước khi đổ nhiều tiền làm thẻ căn cước gắn chip, Bộ Công An “phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc dùng thẻ gắn chip mới hiệu quả.”
Luật Sư Nguyễn Duy Bình ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Ông Tô Lâm [bộ trưởng Công An CSVN] đang muốn xem tất cả công dân như tội phạm? Tôi kịch liệt phản đối! Bản chất, mục đích của căn cước là để quản lý hành chính; nếu Bộ Công An muốn theo dõi một công dân nào đó phải có biện pháp riêng, phải đảm bảo quyền công dân nói chung và bí mật đời tư nói riêng, không được gắn chip theo dõi toàn thể công dân như dự thảo quy định. Ông đề xuất như vậy là đã xâm phạm quyền công dân, xem người dân như một tên tôi phạm suốt đời bị theo dõi.”
Luật Sư Bình, người được biết đến qua vụ bị công an ghè cổ lôi ra khỏi phiên tòa xử Luật Sư Trần Vũ Hải với cáo buộc “Trốn thuế” hồi giữa Tháng Mười Một, 2019, cũng nêu đề nghị thay vì cấp thẻ căn cước gắn chip, Bộ Công An CSVN “nên gắn nơi hàng ngũ quan chức, lãnh đạo để giám sát vì nạn tham nhũng, cường quyền, hách dịch đang hoành hành.” (N.H.K) [kn]
No comments:
Post a Comment