Thursday, December 31, 2020

Hoài nghi Thủ Đức ‘sẽ là một đống bầy nhầy như Thủ Thiêm’

 SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tại Sài Gòn, trong khi Thành Ủy công bố sự ra đời của thành phố Thủ Đức “là thời khắc lịch sử đối với nhân dân” thì giới quan sát hoài nghi về những hứa hẹn của lãnh đạo CSVN về Thủ Đức.

Hôm 31 Tháng Mười Hai, đồng loạt các báo nhà nước đưa tin lần đầu tiên Việt Nam có “một thành phố trong thành phố,” trên diện tích hơn 21,000 hécta và dân số gần 2 triệu người, được tập hợp từ ba quận: 2, 9 và Thủ Đức.

Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính của thành phố Thủ Đức. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

Truyền thông nhà nước cho hay, bộ máy của thành phố Thủ Đức dự trù đi vào hoạt động từ ngày 7 Tháng Hai, 2021.

Theo tường thuật của báo Zing, tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy, hứa hẹn: “Thành phố Thủ Đức sẽ là không gian thống nhất, kết nối các thành phần tất yếu của đô thị sáng tạo tương tác cao, có đủ tiềm lực để đáp ứng nhu cầu sáng tạo, khởi nghiệp.”

Báo này cũng dẫn nhận định của ông Nguyễn Thiện Nhân, người tiền nhiệm của ông Nên: “Với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, quản lý thông minh, thành phố Thủ Đức sẽ có quy mô kinh tế lớn thứ ba cả nước trong 10 năm tới, chỉ đứng sau Sài Gòn và Hà Nội.”

Tuy vậy, không thấy ông Nhân cũng như tờ báo giải thích quy mô kinh tế của Thủ Đức được tính riêng hay gộp vào Sài Gòn trong lúc đây là mô hình “thành phố trong thành phố.”

Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên trường Chính Sách Công và Quản Lý, Đại Học Fulbright Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Trong hai thập niên qua, Sài Gòn có hai siêu dự án là Nam Sài Gòn và Thủ Thiêm. Hai dự án này hoàn toàn nằm trong tầm tay của thành phố và có các yếu tố cơ bản cho thành công. Nếu có được một phần thành công như Gangnam của Seoul và Phố Đông của Thượng Hải thì thành phố hiện nay đã rất khác. Rất đáng tiếc là các cơ hội đã bị bỏ lỡ. Nam Sài Gòn chỉ được một phần rất nhỏ và những gì xảy ra với IPC gần đây quả là buồn. Đáng thất vọng hơn là Thủ Thiêm.”

Ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn. (Hình: Zing)

Theo ông Du, “bài học nhãn tiền đang còn đó” và giới chức lãnh đạo Thủ Đức “cần phải có cách nghĩ và cách làm khác, với quyết tâm của cả trung ương và Sài Gòn.”

“Nếu không, khả năng rơi vào vết xe đổ của các mô hình không thành công là rất cao. Cái quán tính này đang rất lớn và đáng sợ,” ông Du cảnh báo.

Cùng thời điểm, bình luận bên dưới bài đăng về công bố sự ra đời của thành phố Thủ Đức trên trang cá nhân của cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà báo Đoàn Khắc Xuyên bình luận: “20 năm trước, Thủ Thiêm cũng tràn trề hy vọng như vậy, cũng mơ thành Phố Đông như của Thượng Hải. Và kết cục là một đống bầy nhầy. Giờ chả biết nói sao.” (N.H.K) [qd]

Báo chí Việt Nam răm rắp nghe đảng, nên bị giảm số lượng lẫn doanh thu

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính trong năm 2020, Việt Nam giảm 71 tòa soạn, nhiều báo giảm doanh thu đến 70%, nhất là ở các báo in và báo điện tử, tất cả là “nhờ” Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cơ quan chuyên “nắm thóp” hệ thống truyền thông nhà nước, phạt vạ những tòa soạn về việc đưa tin “trái ý” đảng.

Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng là nơi áp đặt đợt quy hoạch báo chí, gom nhiều tờ báo cùng lĩnh vực làm một, khiến các tổng biên tập “ngậm đắng nuốt cay” nhưng không dám phản đối.

Nhiều người dân Việt Nam đã bỏ thói quen mua báo giấy mỗi sáng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, nói về việc giảm số lượng lẫn doanh thu, báo Tuổi Trẻ hôm 31 Tháng Mười Hai dẫn phát ngôn của ông Lê Mạnh Hùng, phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, giải thích là vì hệ lụy của đại dịch COVID-19.

Báo Tuổi Trẻ cũng cho hay, trong năm qua, đã có 18 tòa soạn bị Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN xử phạt, với tổng số tiền gần 430 triệu đồng ($18,650), 13 trang thông tin điện tử bị phạt với tổng số tiền trên 600 triệu đồng ($26,023), hai tòa soạn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí, hai nhà báo bị thu hồi thẻ nhà báo do “có sai phạm nghiêm trọng.”

Trong một diễn biến khác, công luận bàn tán về việc các báo nhà nước một ngày trước đều đăng bản tin giống nhau về việc sắp ghế “tứ trụ” tại Đại Hội 13 bị dán nhãn “tuyệt mật.”

Facebooker Hoàng Dũng bình luận trên trang cá nhân: “…Mặc dù quyết định này được [Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân] Phúc ký từ gần hai tháng qua nhưng cho đến 29 Tháng Mười Hai, Tuyên Giáo mới suỵt cho các báo đảng đồng loạt đăng về điều này. Các báo đảng đều giật tít liên quan đến việc phương án nhân sự là tuyệt mật. Đọc các bài báo này, nội dung đều na ná nhau, tức là nó thuộc dạng báo suỵt, Tuyên Giáo suỵt cho các báo phải đăng nội dung như thế.”

Ông Lê Mạnh Hùng, phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, cơ quan “nắm thóp” hệ thống truyền thông nhà nước. (Hình: Đức Anh/Tuổi Trẻ)

Facebooker này suy đoán về hệ lụy của việc báo đảng phải răm rắp đăng mọi chỉ thị của nhà cầm quyền CSVN: “Từ nay đảng Cộng Sản tha hồ bán nước. Đảng này tha hồ cắt đất, cắt biển đảo dâng cho Tàu Cộng mà không lo phải đối phó với việc công khai nó bởi đó là thông tin tuyệt mật, ai nhắc đến sẽ bị đối diện với tội hình sự. Tức là việc đảng Cộng Sản có quyền bán nước dấm dúi đã nâng lên thành văn bản chính thức do chính phủ ban hành. Người ký quyết định này là Nguyễn Xuân Phúc. Phúc sẽ không thể thoái thác trách nhiệm lịch sử về quyết định này.” (N.H.K) [qd]

Vụ vỡ kênh thủy lợi xây hơn $186 triệu: Do ‘nền địa chất phức tạp’

 THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Theo thông cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, tuyến kênh thủy lợi Bắc sông Chu-Nam sông Mã, đoạn qua xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, bị vỡ là do “nền địa chất,” chứ không phải do xây dựng.

Báo VNExpress dẫn thông cáo của Bộ Nông Nghiệp đưa ra hôm 30 Tháng Mười Hai, giải thích về việc vỡ tuyến kênh chính thuộc hệ thống kênh thủy lợi Bắc sông Chu-Nam sông Mã.

Đoạn kênh chính qua xã Phùng Minh, thuộc hạng mục cầu máng sông Âm bị vỡ sáng 27 Tháng Mười Hai. (Hình: Lê Hoàng/VNExpress)

Theo bộ này, đoạn kênh bị vỡ dài 70 mét, đưa vào khai thác từ năm 2013, và trong hơn sáu năm đã “hoạt động tốt.” Tuy nhiên, “do đoạn kênh này đắp nổi, chiều cao lên tới 6 đến 7 mét, lại nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp nên khiến ‘trượt khối đất dưới đáy kênh, dẫn đến vỡ kênh’ hôm 27 Tháng Mười Hai.”

Thế nhưng, thông cáo của Bộ Nông Nghiệp không đề cập đến phẩm chất công trình, hay nghi vấn về việc dùng các nguyên vật liệu, xây có đúng với thiết kế, khảo sát… trong lúc thi công.

Báo VNExpress tả hiện trường hôm 29 Tháng Mười Hai, sau hai ngày xảy ra sự việc, nhiều mảng bê tông dưới lòng kênh bị bẻ gãy, vỡ vụn; nhiều sợi thép làm nền kênh bị bẻ cong, không còn kết dính với lớp vữa; một số đoạn bờ kè bằng đá hộc cũng bị nước cuốn phăng…

“Với sự việc như thế này, một là đã bị rò rỉ nước từ trước hoặc trong lúc vận hành, đơn vị quản lý xả nước rồi đóng cửa lại, nước không chảy được nên tạo ra áp lực gây vỡ kênh,” ông Lê Đức Giang, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, nhận định hôm 29 Tháng Mười Hai, khi đi kiểm tra hiện trường.

Để giảm áp lực công luận, Bộ Nông Nghiệp đang giao Ban Quản Lý Bắc sông Chu-Nam sông Mã “khẩn trương khắc phục sự việc, nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng.”

Theo báo VietNamNet, kênh bị vỡ được phát hiện khoảng 9 giờ 45 phút sáng 27 Tháng Mười Hai, trong lúc vận hành bơm nước, khiến công trình bị xói trôi hơn 20,000 khối đất, hơn 40 tấm bê tông lát mái, đáy và khoảng 400 khối đá xây gia cố bờ kênh bị xói lở, xô lệch.

Ngoài ra theo thống kê sơ bộ ban đầu, có khoảng 3 hécta ruộng, 0.5 hécta ao của người dân bị vùi lấp, cá bị thất thoát. Đoạn kênh sụt lún cũng khiến hoạt động cấp nước cho vùng hạ lưu bị ngưng trệ, hơn 31,000 hécta cây trồng ở xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, bị ảnh hưởng.

Những mảng bê tông vỡ vụn, những sợi thép làm nền kênh bị bẻ cong không kết dính với lớp vữa. (Hình: Lê Hoàng/VNExpress)

Tin cho biết, tuyến chính kênh Bắc sông Chu-Nam sông Mã dài hơn 370 cây số, tổng vốn đầu tư hơn 4,300 tỷ đồng ($186.45 triệu) được khởi công vào năm 2011, đưa vào sử dụng mới hai năm nay. Công trình có chức năng dẫn nước từ hồ Cửa Đạt và hồ Dốc Cáy (huyện Thường Xuân) cung cấp nước tưới cho đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho nhiều huyện ở tỉnh Thanh Hóa như Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Ngọc Lặc, Thường Xuân…

Trước đó hồi năm 2015, trong lúc thi công dự án, nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế là tổng công ty Tư Vấn Xây Dựng Thủy Lợi Việt Nam (CTCP) đã phá đá nổ mìn gây hư hỏng 350 căn nhà của người dân ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. (Tr.N) [qd]

Một ông ở Hà Tĩnh bị phạt vì bình luận ‘công an chống lưng cho giang hồ’

 HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Hữu Chung, 32 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, bị công an triệu tập và xử phạt 7.5 triệu đồng ($325) với cáo buộc “Sử dụng Facebook cá nhân bình luận nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức.”

Báo Hà Tĩnh hôm 30 Tháng Mười Hai cho biết, Facebook Nguyễn Chung được cho là của ông Chung hôm 28 Tháng Mười Hai viết: “Giờ công an và giang hồ cùng lợi ích nhóm các bạn ak. Giang hồ bảo kê cho công an khi người dân bật lại công an. Công an chống lưng cho giang hồ làm loạn…”

Ông Nguyễn Hữu Chung. (Hình: Báo Hà Tĩnh)

Bình luận của ông Chung xoay quanh vụ một tài xế hành hung khách đón xe buýt tại khu vực trung tâm Hà Tĩnh được thuật lại trên diễn đàn Cẩm Xuyên Quê Tôi.

Cũng theo báo Hà Tĩnh, ông Chung thừa nhận nội dung bình luận “là sai sự thật” và cam kết gỡ comment, đăng tải bài viết đính chính lên trang cá nhân, không tái phạm và chấp hành lệnh phạt.

Hành vi của ông Chung bị công an cho là “sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức” theo một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Đáng lưu ý là trước ông Chung, báo Hà Tĩnh từng đăng các bản tin tương tự về việc công an huyện được tự ý xử phạt người dân về hành vi trên mạng xã hội mà không có bất kỳ sự hiện diện của luật sư.

Tất cả các bản tin đều có chung chi tiết là tại buổi làm việc với công an, những Facebooker bị triệu tập đều “thừa nhận thông tin do mình đăng tải là sai sự thật” và “xin chấp nhận hình phạt.”

Đến nay, gần như chỉ có một trường hợp bị công an địa phương cáo buộc hành vi “đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội” nhưng thoát án phạt là ca sĩ Phương Thanh.

Bình luận trên mạng xã hội khiến ông Nguyễn Hữu Chung bị công an huyện Cẩm Xuyên triệu tập và xử phạt. (Hình: Báo Hà Tĩnh)

Phương Thanh là một trong những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam hồi thập niên 1990, được biết đến qua các ca khúc “Một Thời Đã Xa,” “Giã Từ Dĩ Vãng,” “Ta Chẳng Còn Ai”…

Một post đăng trên trang cá nhân của nữ ca sĩ hồi cuối Tháng Mười ghi rằng nhóm cứu trợ của cô bị người dân Quảng Ngãi tưởng lầm là đoàn của ca sĩ Thủy Tiên đến cho 10 triệu đồng ($431). Cô cũng chỉ trích người dân địa phương “không bị lũ lụt cũng canh me tiền, vô tình tính tham của con người trỗi dậy…”

Tờ Người Lao Động hôm 11 Tháng Mười Một tường thuật rằng trong buổi họp với giới chức tỉnh Quảng Ngãi, cô Phương Thanh chỉ nói “vòng vo” việc đi làm MV và khẳng định có tới Quảng Ngãi nhưng lại không cung cấp được địa chỉ cụ thể nơi đến làm từ thiện. Lúc nữ ca sĩ nói Quảng Nam, lúc nói Đà Nẵng.

Sau đó, vụ việc khép lại khi nữ ca sĩ lên tiếng xin lỗi người dân Quảng Ngãi trên trang cá nhân mà không bị xử phạt. (N.H.K) [qd]

Cổng trường học ở Đắk Nông đổ sập đè chết nam sinh lớp 4

 ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Trong lúc tan trường chờ cha mẹ đón về, nhóm ba học sinh rủ nhau chơi đu lên cánh cổng của trường được xây bằng gạch, chẳng may một cánh cổng đổ sập đè chết một em.

Tối 30 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Xuân Vinh, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hữu Trác ở xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, xác nhận với báo Tuổi Trẻ học sinh bị tai nạn trong vụ sập cổng trường xảy ra lúc chiều cùng ngày đã tử vong.

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. (Hình: Đ.C/Tuổi Trẻ)

Theo ông Vinh, nạn nhân là em Trần Quang P. (10 tuổi, trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp), học sinh lớp 4 của trường. Giờ tan học buổi chiều trong lúc chờ phụ huynh đến đón, một nhóm ba học sinh rủ nhau chơi trò đu lên một cánh cổng của trường học. Chơi đến lượt đu thứ 3 thì cổng đổ sập đè chết một em.

Phát giác sự việc, những người có mặt đã đưa nạn nhân đến Trung Tâm Y Tế huyện Đắk R’Lấp cấp cứu nhưng em không qua khỏi. Theo một số nhân chứng, cổng trường xây hoàn toàn bằng gạch không có bê tông cốt thép bên trong.

Lãnh đạo Phòng Giáo và Dục Đào Tạo huyện Đắk R’Lấp cho biết đã nhận được tin báo từ nhà trường, và đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng gia đình tổ chức hậu sự.

Theo vị này, trường tiểu học Lê Hữu Trác có từ rất lâu, nhiều hạng mục trường được xây dựng từ thời mới thành lập xã. Hiện Công An huyện Đắk R’lấp “đang kiểm tra hiện trường, làm rõ sự việc.”

Đây là vụ thứ hai cổng trường bị sập do xây không có trụ cốt thép.

Trước đó các báo nhà nước đưa tin chiều 7 Tháng Chín, cổng trường tiểu học Khánh Yên Thượng, phân hiệu Bản Phung, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, mới xây được bốn năm và “không có cốt thép” đã đổ sập đè chết ba học sinh gồm Giàng Thị D. (5 tuổi), Vàng Thị Hồng Trang (6 tuổi), Ma Thị X. (6 tuổi) tử vong tại chỗ. Ba em Giàng Thị Hoa Sinh (5 tuổi), Giàng A Vi (4 tuổi) và Ma Thị Chi (6 tuổi) bị thương được đưa vào bệnh viện Đa Khoa huyện Văn Bàn cấp cứu.

Tại hiện trường cho thấy “một trụ bê tông đã bị sập đổ, gãy làm đôi để lộ ra phần lõi trụ chỉ được xây bằng gạch vữa, không có cốt thép.”

Nói với báo Tiền Phong, ông Vũ Kim Phúc, hiệu trưởng trường tiểu học Khánh Yên Thượng, cho rằng: “Nguyên nhân ban đầu là do một số học sinh trèo lên cánh cổng đu đưa khiến trụ cổng bị đổ sập. Về phía nhà trường, chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đau lòng trên.”

Trụ cổng trường tiểu học Lê Hữu Trác ở xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, đổ sập lộ rõ bên trong không có cốt thép. (Hình: Dương Phong/Dân Trí)

Cổng trường gồm hai trụ bê tông và hai cánh cửa, mỗi cánh cửa nặng 80 kg, được xây dựng từ năm 2016 do Ủy Ban Nhân Dân xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, làm chủ đầu tư. “Nhìn bề ngoài, cột cổng trường to, chắc chắn, không ai nghĩ lại xảy ra sự việc như vậy,” ông Phúc biện minh.

Nhằm xoa dịu công luận, thủ tướng CSVN chỉ đạo Công An tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Công An “khẩn trương điều tra vụ tai nạn để phúc trình thủ tướng trước ngày 15 Tháng Chín.” Tuy nhiên, đến nay sau hơn ba tháng điều tra, sự việc không nghe nhắc đến. (Tr.N) [qd]

Saturday, December 19, 2020

Tôi chỉ mong cơ quan nhà nước cũng làm đúng luật

 


Nguyễn Quang A – BVN

1) Các luật của Việt Nam chưa thật tốt, song có thể sửa cho tốt hơn.

Việc thi hành luật cũng thế. Hai quá trình làm và thi hành luật này nếu tương tác tốt với nhau thì hệ thống pháp luật có thể được cải thiện.

2) Tôi luôn có ý thức xây dựng như vậy, khi góp ý, nêu chính kiến. 5 năm qua tôi đã bị câu lưu, bắt cóc hơn 20 lần mà những người làm việc đó biết kỹ là họ đã vi phạm pháp luật hiện hành. Sở dĩ phải mào đầu dài dòng vậy để nêu vài sự kiện sau đây diễn ra trong những ngày qua:

3) Ngày 9-12-2020 ba người đã đến nhà tôi đưa cho gia đình giấy triệu tập của cơ quan an ninh điều tra CA TP Hà Nội (xem ảnh);

4) Tôi đã có trả lời bằng văn bản ngày 13-12 và được gửi bằng phát chuyển nhanh đến cơ quan hữu quan sáng sớm ngày 14-12 (xem ảnh và nội dung tôi sao toàn bộ ở phần dưới);

5) Ngày 16-12 lại có 2 người đến nhà tôi đưa giấy triệu tập lần 2 (xem ảnh). Khi người nhà tôi hỏi họ đã nhận được đề nghị của tôi chưa? Họ nói chưa (tôi nghĩ họ nhận được chiều 14-12, và nếu chưa thì chắc chắn phải nhận được hôm 15-12).

Tôi mong cơ quan nhà nước làm đúng luật.

So bản đề nghị của tôi:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2020

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(Về việc: Đề nghị giải thích nội dung Giấy triệu tập số 665 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội)

Kính gửi: Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội;

Đồng kính gửi: Ông Nguyễn Thế Bắc, Điều tra viên, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội.

Tôi là: Nguyễn Quang A

Sinh ngày: 17-10-1946

Địa chỉ: số 17 ngách 43 ngõ 640 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội

Ngày 10 tháng 12 năm 2020 vừa qua, tôi có nhận được Giấy triệu tập số 665 ngày 09/12/2020 của Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội do ông Nguyễn Thế Bắc thông qua gia đình gửi cho tôi. Trong giấy triệu tập trên ghi rõ: “Yêu cầu ông Nguyễn Quang A đúng 08 giờ 30 ngày 15 tháng 12 năm 2020 có mặt tại Cơ quan An ninh Điều tra CATP Hà Nội số 89 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội để làm việc liên quan đến kiến nghị của Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Bộ Công An”.

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 37 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, điều tra viên có quyền: “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;”

Giả sử, việc triệu tập nêu trên của Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội là đúng quy định của pháp luật thì tôi đề nghị Quý Cơ quan làm rõ cho tôi được biết nội dung sau: Tôi bị triệu tập với tư cách gì? Tôi là người tố giác, người báo tin về tội phạm, người làm chứng, bị hại, đương sự hay tôi là bị can, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố…? Nếu tôi thuộc nhóm đối tượng thứ 2 mà tôi vừa liệt kê thì tôi phạm tội gì, trong vụ án nào hay có hành vi có dấu hiệu phạm tội gì?

Theo Khoản 1 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì quyền đầu tiên được nhắc tới đó là “Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố”, bên cạnh đó họ còn có rất nhiều quyền khác, trong đó có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Như vậy, để tôi có thể “yên tâm” có mặt theo các văn bản triệu tập của Quý Cơ quan, tôi cần được thông báo rõ về hành vi của tôi khiến mình bị triệu tập. Việc “thông báo” này có thể được thực hiện bằng cách ghi rõ vào Giấy triệu tập hoặc có thể được ghi riêng thành văn bản và gửi về địa chỉ nơi tôi sinh sống hiện tại. Nếu như tôi được triệu tập lên chỉ để nhận thông báo thì đó là điều không cần thiết, gây mất thời gian cho Quý cơ quan và phiền hà cho tôi; còn nếu như được triệu tập lên để lấy lời khai trong khi chưa biết nội dung làm việc cụ thể là gì thì tôi không thể chuẩn bị được để làm việc với quý vị hoặc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Vì những lý do nêu trên, tôi làm đơn này kính đề nghị Cơ quan An ninh điều tra, Công an Hà Nội và điều tra viên Nguyễn Thế Bắc, người đã ký giấy triệu tập số 665 mà tôi đã nêu trên đây thông báo cho tôi được rõ về tư cách của tôi khi tôi bị triệu tập và nêu rõ hành vi của tôi (nếu có) khiến tôi phải bị triệu tập. Khi nào tôi biết được rõ việc mình bị triệu tập là đúng trình tự về nội dung, hình thức theo quy định của pháp luật, tôi sẽ sẵn sàng có mặt theo yêu cầu của Quý Cơ quan và các cơ quan khác có liên quan (nếu có) mà không có bất kỳ một hành động trì hoãn, chống đối nào. Tuy nhiên, một khi những đề nghị chính đáng của mình chưa được xem xét thì tôi và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi sẽ không thể chấp hành theo mệnh lệnh “mập mờ” mang tính đơn phương của bất kỳ ai vì trong suốt thời gian qua bản thân tôi đã nhiều lần bị gây phiền hà một cách trái pháp luật nhưng không có bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm cả.

Kính mong Quý vị sớm xem xét đề nghị và trả lời bằng văn bản và chuyển phát nhanh, bảo đảm đến được tay tôi trong thời gian sớm nhất có thể để tôi có thể thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền của mình theo luật định.

Xin chân thành cảm ơn!

Tham nhũng đất đai

 Tân Châu (VNTB)| Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám “khu đô thị mới Thủ Thiêm” kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.

Người dân tiếp tục chứng kiến rất nhiều người giàu lên từ chuyện làm ‘đày tớ nhân dân’. Nào biệt thự, biệt phủ của quan chức mọc lên nhan nhản; vợ, chồng, con của ‘đày tớ’ sống rất khác so với người dân; tài sản thậm chí chuyển ra nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách và bằng mọi giá để được làm ‘sân sau’ của các quan chức ‘đày tớ’.

Các lỗ hổng và sự bất cập của pháp luật đất đai, mở cửa cho tham nhũng phát triển đến mức triệt tiêu nhiều động lực, cạn kiệt nguồn lực, bào mòn lòng tin của người dân. Trách nhiệm cuối cùng ở đây đã được ghi rất rõ tại Hiến pháp 2013, Điều 4.2, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng một số điều luật cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 vẫn trên quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chẳng hạn như quan điểm về quyền sở hữu đất đai. Hoặc như một số điều luật quy định quá “thoáng”.

Ví dụ khoản d điểm 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định, thẩm quyền thu hồi đất của hội đồng nhân dân tỉnh: “Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất chế biến; nông sản; lâm sản; thủy sản; hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.

Phạm vi thu hồi đất được rộng như vậy, thì trong bối cảnh tổ chức nhà nước hiện nay, lãnh đạo địa phương rất dễ thuyết phục hội đồng nhân dân chấp nhận phê chuẩn đất đai cho các doanh nghiệp, bỏ qua quyền lợi của người dân.

Với quy định như vậy, tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện của địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất đai; tạo ra cơ chế xin – cho; tình trạng các doanh nghiệp đầu tư “lách luật”, “chạy dự án” vào các khu đất vàng, đất trống để đưa vào diện thu hồi đất…

Có thể dẫn chứng hàng loạt vụ việc qua kết luận từ Thanh tra chính phủ:

Ở tỉnh Lâm Đồng, theo thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh ký ban hành, thì, “Việc gia hạn đối với 164 dự án đầu tư ngoài ngân sách được thuê đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014.

Trong đó UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1034/UBND-ĐC ngày 11/3/2015 quy định về việc gia hạn dự án là chưa đúng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư”.

“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nêu trong kết luận thanh tra thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh; các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ” – kết luận ghi.

Với tỉnh Kiên Giang, thì, “Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6-2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng”, kết luận thanh tra công bố hồi tháng 5-2020, viết.

Qua thanh tra phát hiện từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Kết luận thanh tra cũng cho rằng việc buông lỏng quản lý rừng của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý. Thậm chí có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Phú Quốc.

Để xảy ra những sai phạm trên, theo Thanh tra Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; còn thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám “khu đô thị mới Thủ Thiêm” kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt là liên quan đến việc đầu tư các dự án bằng hình thức hợp đồng BT. Nhiều quan chức ở thành phố này bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy…/.

Dạy thêm – Cấm và không thể cấm

 

Thái Hạo|

Dạy thêm không còn chỉ là “vấn đề”, mà phải gọi đúng tên: quốc nạn. Những di hại mà nó để lại trong thân thể, tâm hồn và trí tuệ của thế hệ trẻ là không gì đo đếm nổi. Đã đến lúc không thể khoan nhượng với thứ “tội ác được cấp phép” này nữa.

Không nói về những nhu cầu chính đáng của việc học thêm, vì bản chất khác hẳn và cách giải quyết cũng đơn giản vô cùng, ở đây chỉ nói về căn bệnh “dạy thêm”.

Phải nói ngay rằng, dạy thêm (và học thêm) không thể cấm nếu không thay đổi chương trình, phương pháp và cách thức thi cử. Chính cái hệ thống Dạy – Học – Thi đang lâm bệnh này đã sinh ra lắm vấn nạn cho nền giáo dục. Phải gọi đúng hơn là Thi – Dạy – Học, vì “thi” quyết định toàn bộ cách thức dạy và học.

Chúng ta đang có một nền giáo dục về bản chất không khác với cách đây khoảng 600 năm trước, một lối giáo dục tầm chương trích cú, “giáo dục thuộc lòng” mà ngày nay người ta gọi là “luyện gà nòi”, là “nuôi gà công nghiệp” – những con gà to xác nhưng chậm chạp và trì độn.

Hãy nhìn vào môn văn để làm ví dụ (điều này tôi đã nói nhiều lần), kỳ thi quốc gia quan trọng nhất của đời học sinh đang như thế nào? Đề có 2 phần là Đọc hiểu và làm văn. Phần thứ 2 cơ bản là học thuộc; phần 1 thì có hình thức là “vận dụng” nhưng thực chất cũng là một dạng thuộc lòng. Vài câu hỏi chiếu lệ, vô thưởng vô phạt mà sự khác biệt lớn nhất có thể tìm thấy trong những câu trả lời của học sinh là độ mượt mà trong việc viết câu văn. Ở các môn khác cung cách dạy học và thi cử, cơ bản cũng cùng một tính chất như vậy.

Hãy tưởng tượng, với một tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thuộc chương trình lớp 12, nằm trong hệ thống kiến thức thi THPT Quốc gia, học sinh ít nhất đã “luyện” từ khi đang học lớp 11. Đối với các trường chuyên, lớp chọn thì phần nhiều là luyện ngay từ khi vào lớp 10.

Trong suốt 3 năm PTTH, cho đến ngày thi, học sinh có thể đã phải ngồi trên lớp để học đi học lại bài ấy khoảng 5-7 lần. Học vào lúc nào mà nhiều được đến thế? Là vào những buổi dạy – thêm học thêm. Cái khốn khổ là: nếu lần đầu đọc tác phẩm thì người ta còn có chút hứng thú, nhưng ngay lập tức, cái hứng thú ấy bị hủy hoại vì việc phải thuộc bài theo ý của giáo viên và sách giáo viên để đáp ứng các kỳ thi. An toàn là trên hết. Bắt đầu ngán ngẩm.

Nhưng ngán không có nghĩa là được phép quên đi, phải học, nếu không học thì giáo viên đã có đủ phương pháp: kiểm tra miệng, kiểm tra 15phút, 1 tiết, 2 tiết; báo với phụ huynh, viết bản kiểm điểm, nêu tên trước cờ v.v và v.v.., cho đến khi nào ý chí của người học trò hoàn toàn bị đè bẹp. Dù muốn hay không, vẫn phải cố mà nhớ, mà thuộc; nếu không thuộc nổi thì tìm cách đối phó khác như giở tài liệu, “nhìn bài bạn”, nói dối…, nói chung là tự phá hủy nhân cách để đổi lấy an toàn.

Một bộ phận học sinh có mục đích rõ ràng trên con đường học vấn, các em sẽ gắng sức siêng năng chăm chỉ; nhưng với lối thi cử và học hành này, con đường thật gian nan bởi thay vì bị nhồi nhét, các em buộc phải tự nhồi nhét; và trong sự “khắc kỷ” ấy, những học sinh này cũng thường không bao giờ được phép giữ lại cái nhìn cá nhân của mình. Một quá trình tự thân đào thải cá tính phải diễn ra.

Bi kịch chưa dừng lại ở đó: số lượng kiến thức để vượt qua một kỳ thi là khủng khiếp; trong khi hầu hết kiến thức ấy là ghi nhớ một cách máy móc, và hệ quả là sự quên. Quên thì tự nhồi nhét trở lại, nhưng cái khốn khổ của đầu óc con người là nó không thể nhớ được cái mớ lộn xộn ấy nếu đó không phải là điều mà nó đã “ngộ” ra. Và như thế, người ta phải “Học, học nữa, học mãi”, học cho đến đêm cuối cùng trước ngày thi, vì chỉ cần rời ra là sẽ quên.

Chưa nói tới cái vô tích sự của những “tri thức” ấy, chỉ riêng nói về cách thi và học, chúng ta đã thấy cả một sự điên rồ của nền giáo dục.

Học sinh không thể không học thêm với một cung cách giáo dục như thế. Vì sao, vì tự thân nền giáo dục không tạo ra động cơ lành mạnh cho sự học được bắt đầu. Khi không có động cơ thì người ta phải tìm các cách thức “thủ công, cơ giới” lạc hậu và man dã để thay thế. Các lớp học thêm là một trong những công cụ như thế. Mà ác nghiệt thay, đó lại là thứ công cụ ổn nhất. Cái công cụ này lợi cho cả đôi bên: giúp nhà trường (và giáo viên) thu được tiền và thành tích, đồng thời cũng giúp học sinh tự giữ được mình trong một căn phòng khóa ngoài mà người giữ chìa khóa là kẻ khác – nghĩa là một nhà tù tự tạo để không đánh mất đi cái lý do duy nhất của việc học.

Tính chất vụ lợi kiểu con buôn trong giáo dục và sự háo danh (hão) thì có lẽ không cần bàn thêm nữa, vì ai cũng đã thấy. Tuy nhiên, không phải vì đã thấy mà chúng tự rơi rụng đi. Cần một lệnh cấm tuyệt đối, không ngoại lệ, để thiết lập lại đạo đức trong nhà trường và chấn hưng nền giáo dục.

Chúng ta cần những con người biết tư duy và có nhân vị độc đáo chứ không phải những thẻ nhớ di động. Vì thế, phải thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá, từ đó thay đổi phương pháp dạy và học. Chúng ta cần thấy một nền giáo dục khỏe mạnh, chứ không phải một sự xanh xao đầy bệnh hoạn này.

Cha mẹ cần nhìn thấy những đau khổ của con cái mình trong hiện tại và cả tương lai ở một lối giáo dục phi lý như thế, từ đó mà thôi đặt gánh nặng lên những đôi vai nhỏ bé của chúng. Hãy phản đối chuyện học thêm, và cự tuyệt việc cho con đến những lớp học ấy. Hãy gây sức ép lên nền giáo dục, buộc nó phải thay đổi, chứ không phải chạy theo và gián tiếp hà hơi tiếp sức cho một thân thể giáo dục đầy bệnh tật được sống mãi trên nỗi khổ của bản thân và con em như thế.

Thay vì than vãn, hãy hành động. Và việc đầu tiên là cho con ở nhà từ ngày hôm nay.

Cấm và cự tuyệt chỉ là bước sơ cứu ban đầu, chừng ấy chưa thể giải quyết được vấn đề. Nạn dạy thêm sẽ trở lại nếu nền giáo dục vẫn không thể xây dựng được những giá trị và phương thức khoa học, nhân văn. Như vậy, trách nhiệm chính vẫn là Bộ GD, là các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – tóm lại là ngành giáo dục. Và nhà nước nói chung.

Nếu không làm được việc này thì ngành GD không còn tính chính danh. Đến đây, một dân chúng có lý trí sẽ không bao giờ chấp nhận nuôi báo cô một kẻ vô dụng nhưng lại luôn bắt nạt mình nữa./.

Công lý’ - công cụ để… sắp xếp đội hình!

 Theo VOA/Trân Văn/19/12/2020

Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày 29 tháng Ba, 2018.

Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN, cựu Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa bị phạt năm năm tù vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” (1). Hiếm có vụ án hình sự nào liên quan đến một nhân vật quan trọng trên chính trường Việt Nam được xử lý… nhanh như thế! Chỉ trong vòng ba tháng rưỡi là kết thúc qui trình khởi tố - tống giam (28/8/2020) - xét xử sơ thẩm và công bố hình phạt (11/12/2020)!

Sáng 14/12/2020, Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, lại phải hầu tòa lần thứ ba (2) khi đang bị buộc thi hành hai bản án hình sự (cùng về tội “cố ý làm trái”) với mức hình phạt chung là 30 năm tù. Lần này, ông Thăng bị xét xử vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Nếu Tòa xác định ông Thăng có tội thì thời gian thụ án vẫn không thay đổi vì hình phạt tù có thời hạn đã được luật khống chế ở mức 30 năm.

Ông Chung, ông Thăng sẽ còn tiếp tục ra Tòa vì liên quan đến một số vụ án khác. Chẳng hạn ông Chung sẽ bị truy tố, xét xử vì dính líu tới hoạt động phạm pháp của Công ty Nhật Cường và những sai phạm của UBND thành phố Hà Nội trong việc tổ chức đấu thầu, chọn thầu cho một số dự án của thành phố này. Ông Thăng sẽ tiếp tục trả giá cho những chỉ đạo, quyết định liên quan đến Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ), ngốn của công khố 2.400 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ…

Thời điểm trung tuần tháng này không chỉ có ông Chung, ông Thăng hầu Tòa. Ngày 16/12/2020, ông Diệp Dũng – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) bị khởi tố và bị tống giam vì “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (3). Cũng trong ngày 16 tháng 2, ông Tất Thành Cang, cựu Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM bị khởi tố và bị tống giam vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (4).

***

Cần lưu ý là chẳng phải gần đây thiên hạ mới biết ông Chung, ông Thăng, ông Dũng, ông Cang có… sai phạm nghiêm trọng. Thậm chí, thiên hạ từng bàn luận không chỉ về… sai phạm nghiêm trọng là lý do những nhân vật vừa đề cập phải đối diện với công lý (bị khởi tố, bị tống giam, bị truy tố, bị phạt tù) mà còn phân tích về… một số… sai phạm nghiêm trọng khác của những nhân vậy ấy từ lâu, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không thèm bận tâm.

Tại sao công lý đột nhiên xuất hiện khi chuyện sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng CSVN nhiệm kỳ tới, nhằm phân công lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bước vào giai đoạn… chung kết? Nếu công lý thật sự là… công lý, chắc chắn ông Chung, ông Thăng, ông Cang,… và nhiều ông, bà khác không thể trở thành Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ này, thậm chí bỏ qua toàn bộ những… sai phạm nghiêm trọng của ông Thăng thời còn là Bộ trưởng GTVT để đặt ông vào vị trí Ủy viên Bộ Chính trị?

Công lý đúng nghĩa không phụ thuộc vào thời thế. Chuyện “bảo vệ pháp luật - thực thi luật pháp” theo… tình thế không phải là công lý, đó là tận dụng cái gọi là… “công lý” làm… công cụ. Thành ra mới có chuyện tóm lấy ông Chung, lôi ông ra Tòa, phạt tù, hoặc đưa ông Thăng ra Tòa lần thứ ba, bắt ông Dũng, ông Cang,… ngay trước và trong khi BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này (khóa 12) đang họp kỳ thứ 14 để lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo khóa 13 của đảng.

Trung tuần tháng này – thời điểm các đại biểu của BCH TƯ đảng CSVN đang họp kỳ thứ 14 và có thể sẽ có thêm kỳ họp thứ 15 vì bất đồng về nhân sự – ngoài việc đưa ra xét xử, phạt tù hay khởi tố, tống giam một số cá nhân như ông Chung, ông Thăng, ông Dũng, ông Cang, còn có cả việc bắt giam Trương Châu Hữu Danh, từng là nhà báo chuyên nghiệp, sau đó là một trong những facebooker thường xuyên thu thập – giới thiệu những thông tin sau hậu trường, cũng như bình luận về nhiều vấn đề rất nóng (5).

Trương Châu Hữu Danh đã đeo đuổi, “chọc – ngoáy” vào nhiều ung nhọt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, xã hội, đến tư pháp, giáo dục (BOT, Hồ Duy Hải,…),… thậm chí không ngần ngại tấn công trực diện nhiều cá nhân có thế lực như Bùi Văn Cường (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bí thư tỉnh Đắk Lắk, bị tố cáo “gian lận học thuật” để có học vị Tiến sĩ, hai người tố cáo ông Cường đều đã bị tống giam),… Tuy trước nay, thông tin, ý kiến của Danh đã đặt “sinh mạng chính trị” của một số Ủy viên BCH TƯ đảng đang lãnh đạo ngành hay lãnh đạo địa phương vào tình trạng nguy hiểm và Danh có thể sai nhưng tại sao bây giờ mới bắt và không bạch hóa sai phạm?

Có phải vì xung đột trong lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng nhiệm kỳ tới đã lên đến đỉnh, một số “miểng” từ việc tấn công một số cá nhân mà công chúng cùng tin rằng thật sự bất hảo như ông Bùi Văn Cường, có thể sẽ văng trúng, gây nguy hại đến “sinh mạng chính trị” của một số ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo hàng đầu của đảng như ông Trần Quốc Vượng (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), vì ông Vượng từng chấp nhận để ông Cường “nâng đỡ không trong sáng” quý tử của mình thời ông Cường là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giống như thiên hạ đang cũng như sẽ còn đồn đoán, chỉ trích (6)? Thực thi “công lý” kiểu đó khác gì xiển dương phi luân, bại lý!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-lanh-5-nam-tu-20201211115522512.htm

(2) https://plo.vn/phap-luat/ong-dinh-la-thang-deo-kinh-den-va-khau-trang-den-tand-tphcm-955650.html

(3) https://vnexpress.net/ong-diep-dung-bi-bat-4207188.html

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ong-tat-thanh-cang-bi-khoi-to-bat-tam-giam-503717.html#inner-article

(5) https://nld.com.vn/phap-luat/truong-chau-huu-danh-bi-bat-20201217162143832.htm

(6) https://dlb.collateral-freedom.org/2018/05/mot-goc-ma-lanh-cua-bui-van-cuong.html




Tất Thành Cang và đảng vẫn chưa thấy thẹn!

 Theo VOA/Trân Văn/19/12/2020

Công an đọc lệnh bắt tạm giam ông Tất Thành Cang ngày 16/12/2020. Photo Thanh Niên

Cuối cùng, ông Tất Thành Cang, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cũng bị khởi tố và bị tống giam. Chẳng riêng công chúng mà ngay cả báo giới cũng tỏ ra “hởi lòng, hởi dạ” vì Tất Thành Cang – vẫn thường được gọi tắt là Sáu Cang – đã phải trả giá…

Tất Thành Cang nổi tiếng không chỉ vì tham gia tạo ra thảm nạn Thủ Thiêm – đẩy vài chục ngàn người vào cảnh “nhà tan, cửa nát”, không sinh kế, không tương lai đã hơn hai thập niên, ông nổi tiếng còn vì nói năng, hành xử ngông cuồng cả trong công việc lẫn đời sống, xem thiên hạ, kể cả bạn bè, thân hữu một thời như cỏ, rác. Chưa kể đó còn là một trong những cá nhân vừa răn dạy người khác về đạo đức cách mạng, vừa tham nhũng và chưa bao giờ ngần ngại trong việc thi thố khả năng hưởng lạc từ ăn, ở đến chơi bời…

***

Nhân sự kiện ông Cang bị bắt, Vinh Râu kể trên facebook: …Năm 2018, sau khi đọc cái tút của Nguyễn Tường Minh bên báo Người Tiêu Dùng về vụ Cang dính đến đất Phước Kiểng - Nhà Bè, tui tương lên facebook một bài về Thủ Thiêm, nhắc đến Cang và Hai Japan (Hai Nhật - Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM). Ngay sau đó Thành Đoàn yêu cầu báo Tuổi Trẻ xâu chuỗi nhiều bài tui viết trên facebook để kiểm điểm tui vì “phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Không ai khác ngoài Cang – lúc ấy đang là Phó Bí thư Thường trực, chưa bị ai phê phán ngoại trừ báo Người Tiêu Dùng và tui - chỉ đạo Thành Đòan quất tui… Chuyện của tui sau đó ai cũng biết khi tui bực quá tương lên facebook làm xấu mặt các cán bộ lãnh đạo báo, đa số từ Thành Đoàn biệt phái về...

Chuyện sau này mới zui nè… Cang đang là Phó Bí thư Thường trực thì Đinh La Thăng về làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Thăng đã gây hiệu ứng rất tốt về mặt cảm xúc cho người dân Sài Gòn, kể cả bộ máy cai trị thành Hồ. Báo chí suốt ngày đăng tin Thăng chỉ đạo cái này, cách chức người kia, đe nạt người nọ vì tắc trách với dân, chậm chạp với công việc. Các tờ báo phái phóng viên bám theo từng bước của Thăng, ghi từng lời Thăng nói để đăng báo... Đội ngũ này được giới làm báo Sài Gòn đặt cho biệt danh là “Phóng viên Đinh La Thăng”. Chỉ về Sài Gòn một thời gian ngắn, Thăng chiếm mọi diễn đàn chính trị và mạng xã hội. Ngay cả chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong từ Bến Tre về cũng bị cuốn theo Thăng, nắm tay Thăng, nói những lời có cánh cùng Thăng.

Thế nhưng trong hậu trường chuyện không êm ả như vậy. Ai cũng biết, cánh quyền lực ở Sài Gòn không hề muốn Thăng về làm lãnh đạo. Hai Japan chỉ muốn các đệ tử như Thưởng, Cang lên thay ông ta để dễ bề thao túng. Sài Gòn đang yên ổn, bỗng nhiên đưa một tay “bake” về làm rối đội hình. Giới thạo tin cho rằng Thăng về TP HCM theo kế “điệu hổ ly sơn” (đưa con cọp ra khỏi cứ địa Hà Nội) để cánh chống Ba Dũng dễ bề bắn hạ. Thăng bị bắn hạ ra sao thì mọi người đã biết nhưng chuyện trước khi bị bắn hạ thì không phải ai cũng biết... Lúc đó, bởi Thăng quá nổi, nên cánh quyền lực Sài Gòn cảm thấy... nhột. Nhột nhất là Cang. Không biết Cang có nhận lệnh của đàn anh nào không nhưng tỏ thái độ bực tức Thăng rất rõ…

Nếu hôm nay Thăng đi thăm Bà mẹ anh hùng, thì ngày mai Cang cũng đi thăm. Nếu hôm nay Thăng thăm Củ Chi thì sau đó thế nào Cang cũng phải đến Củ Chi,… Thăng dẫn bầu đoàn báo chí ra Cần Giờ, viết bài chê bai huyện này quá mạng thì ngay sau đó Cang chỉ đạo báo chí viết bài ca ngợi Cần Giờ. Sở dĩ tui biết chuyện này vì có chân trong Hội đồng Biên tập báo Tuổi Trẻ, có tham gia bàn luận về nó. Sau khi báo đăng một bài to tướng, dẫn lời Thăng phê phán Cần Giờ hết mức thì ngay lập tức Cang điện thoại cho Tổng Biên tập Tăng Hữu Phong, yêu cầu điều ngay phóng viên ra Cần Giờ, viết lại một bài… khen Cần Giờ. Vậy là cũng một Cần Giờ, cũng Tuổi Trẻ nhưng hôm nay phê phán, hôm sau lại khen ngợi. Cầm bài báo “phản kèo” trên tay, anh em ai cũng bất bình...

Nay, khi Đinh La Thăng mới được di lý từ Bắc vào Nam để dự phiên tòa thứ ba, còn Tất Thành Cang thì vừa trở thành bị can của một vụ án hình sự, Vinh Râu cám cảnh, nhận định: Đúng là cuộc đời trớ trêu, số phận khó lường. Thăng và Cang chắc không bao giờ nghĩ rằng, có ngày họ cùng chui vô lò, mặc áo tù như nhau. Hai kẻ từng thét ra lửa trên cương vị của mình, coi tiền của dân như nước suối, giờ cùng đầu quân cho màu áo sọc của đội hình Juventus. Cho nên, Kim ki Duk, đạo diễn tài năng vừa khuất núi của Hàn Quốc, nói một câu rất hay: “Tôi ko biết đời là thực hay là mộng ảo?”. Giờ thì Thăng và Cang, hai người cùng hội cùng thuyền nhưng khác phe, đồng sàng nhưng dị mộng, nên suy ngẫm về câu nói này trong thời gian nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại (1).

***

Lê Ngọc Thịnh – một facebooker khác cũng đã từng làm báo, kể thêm những điều ít ai biết về Tất Thành Cang: Tầm sáu năm nay mình chủ động không liên hệ với Cang. Lý do đơn giản: Mình không thích. Còn Cang thì nghĩ mình là cái đinh gì nên hắn cũng chả thèm điện mình. Nhiều người anh em lúc còn chức nhỏ rất dễ thương, đến khi to to một tí thì thay đổi 180 độ. Cùng hệ thống Trung ương Đoàn, xưa mình cũng có qua lại với Cang. Cang là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, trước khi rời Thành Đoàn, anh em có ngồi với vài người nữa, cân nhắc xem nên về làm Bí thư quận 2 hay quận 9. Lúc đó Cang chọn (sau này mình biết là được anh Hai Japan biệt phái) về quận 2, kiêm luôn Chủ tịch để làm vụ Thủ Thiêm.

Cuối năm 2010, lúc đó mình công tác ở Hà Nội, một ngày, ngồi chung với vài vị tiền bối (giờ đã là Ủy viên Bộ Chính trị), mình nghe tin Cang được cơ cấu vào Trung ương dù họ không thích Cang vì: “Thằng Cang sao nó nịnh quá”. Tối, mình bay vào Sài Gòn, tầm 9 giờ, mình gọi điện cho Cang báo tin. Không thấy nghe máy, mình nghĩ chắc hắn xỉn sớm (Cang rất mê rượu) nên nhắn tin. Hôm sau, mới 5 giờ 30 sáng Cang dựng mình dậy, hỏi dồn dập về thông tin đó: “Anh ở đâu, xíu ăn sáng cafe”. Mình nói có hẹn ăn mì quảng ở Đồng Khởi. 7 giờ sáng, Cang và cậu con trai chạy bộ ra, bận quần short, mồ hôi nhễ nhại vì vừa tập thể dục, leo lên lầu một ngồi hóng chuyện mình. Đại hội 11 năm đó căng thẳng dữ dội. Bỏ phiếu nhân sự xong là 11 giờ đêm, Cang nhắn tin cảm ơn… Do nhà mình ở quận 2, thi thoảng Cang rủ đi nhậu với … nguyên Ban Thường vụ Quận uỷ.

Cho đến tầm năm 2014, lúc Cang đang là Phó Chủ tịch thành phố, mình có việc cần xác minh nên gọi điện cho Cang. Đầu dây bên kia là một giọng đầy lạ lẫm. Mình nghĩ: “Hổng lẽ thằng này mất số điện thoại của mình” - nên mới nói: “Ngọc Thịnh đây, Tất Thành Cang ơi”. Đáp lại là một giọng cộc lốc: “Biết rồi, anh nói lẹ đi!”. Mình nghe và bị sốc. Từ đó mình không bao giờ liên hệ với Cang nữa. Trước Đại hội 12, đọc bài của một vị Phó Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (nếu không nhầm), trong đó có đoạn: “Nhiều đồng chí vừa có kết quả bỏ phiếu xong dáng đi đã khác, cái bắt tay đã khác”. Cang không ngoài tuýp người này. Một cán bộ đoàn trưởng thành từ bộ đội, bước vào chính quyền được chừng chục năm, giàu nứt vách, đến khi bị bắt thì cả đất nước hoan hỉ...

Điều Lê Ngọc Thịnh tự lự, dường như không phải về Tất Thanh Cang, cho riêng cho Tất Thành Cang bởi điều này là một hiện tượng xã hội càng ngày càng phổ biến trên diện rộng: Không hiểu Sáu Cang có bao giờ nghĩ là mình sống sao mà đến lúc bị bắt cả đất nước hoan hỉ không nhỉ! Đời, nghĩ cũng buồn thật chớ (2)!

***

Khác với rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, Nguyễn Thùy Dương – facebooker mà phần lớn suy tư, trăn trở gắn chặt với thảm nạn Thủ Thiêm – không vui chút nào khi Tất Thành Cang bị khởi tố và bị bắt vì điều đó khiến con đường đi tìm công lý, quyền lợi của dân Thủ Thiêm gần như mịt mù, bít lối.

Dương lưu ý: Sáu Cang bị khởi tố vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong phát hành cổ phiếu tại Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty cổ phần SADECO. Nghĩa là Cang chỉ có thể bị khởi tố liên tục khi phạm các tội cùng một nhóm hành vi. Ở đây, Cang bị khởi tố ở nhóm hành vi “quản lý”, còn vụ Phước Kiển - Nhà Bè là nhóm hành vi “tham nhũng”, Thủ Thiêm là “tham nhũng” và “hủy hoại tài sản”. Hành vi ở Thủ Thiêm là nặng nhất. Các hành vi này không cùng một nhóm để có thể bị khởi tố liên tục. Do vậy, dân Thủ Thiêm muốn thấy Cang trả giá thì phải chờ ít nhất năm năm nữa, nhiều nhất thì 20 hay 30 năm nữa. Tại sao không khởi tố Cang về nhóm hành vi xảy ra tại Thủ Thiêm (nặng nhất), mà lại khởi tố nhóm hành vi xảy ra ở SADECO (nhẹ nhất)?

Phải chăng đây là nước cờ giúp Cang giữ mạng cũng như đẩy Thủ Thiêm vào đường cụt để cho êm rồi thôi? Vui chưa? Vui đi nha! Tôi đang rầu lắm không vui nổi đâu… Dương thắc mắc: Sớm không bắt Cang, muộn không bắt… Giờ bắt Cang, thời điểm này đang có sự kiện gì xảy ra? Tôi lờ mờ nhận thấy, hình như đang có một nước cờ về nhân sự sắp hoặc diễn ra cùng thời điểm Cang bị bắt? Sẽ có người thắc mắc tại sao Đinh La Thăng bị khởi tố liên tục. Có hai yếu tố để khởi tố liên tục khi không cùng vụ là cùng một nhóm hành vi phạm tội và kịch khung của nhóm hành vi phạm tội ban đầu, ông Thăng kịch khung 30 năm. Còn một khả năng cho việc khởi tố liên tục khi không cùng nhóm hành vi, không kịch khung là Ý CHÍ CHÍNH TRỊ. Cái đó thì miễn bàn (3).

***

Tất Thành Cang là một trong những cá nhân mà tên tuổi, sự nghiệp gắn chặt với thảm nạn Thủ Thiêm. Chỉ có người sử dụng mạng xã hội nhắc đến điều đó còn hệ thống truyền thông chính thống dường như đã quên sau khi Thành ủy TP.HCM xác định chỉ phê bình vì đã hết thời hiệu để xử lý kỷ luật về mặt đảng (4).

Cho dù hệ thống truyền thông chính thức mới vừa điểm lại ít nhất ba sai phạm nghiêm trọng khác kể từ ông Cang còn là Giám đốc Sở GTVT và Phó Chủ tịch TP.HCM (5). Cho dù BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này từng quyết định: Cách chức Ủy viên BCH TƯ đảng khoá 12, cách chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng, từ năm 2018 (6) nhưng đến ngày 16 tháng 12 vừa qua, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM và Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM” của ông Cang (7). Ông Cang có gì đặc biệt để đảng chọn và đắn đo lâu như vậy trước khi đem cất?

Bùi Chí Vinh – một nhà thơ – vừa làm và đưa lên facebook của ông bài: Cẩu đầu đao cho bọn Tất Thành Cang, nội dung thế này:

Thật không đáng để tao làm thơ về mày

Cái thằng Tất Thành Cang mà người đời rủa là Tan Thành C..

Mày thành c.. chắc chắn là thúi hoắc

Mùi thúi của đất đai Thủ Thiêm ăn không tiêu đọng lại ở ruột già

Tao nghe đồn tụi mày chơi gái như mafia

Một đêm mấy chục ngàn đô la hơn thu nhập của một nông dân suốt cả đời trồng lúa

Tao nghe đồn mày và băng “Hải Quân Đua Tài” ho lên là ra lửa

Lửa thiêu sạch nhà cửa bà con cách mạng Thủ Thiêm nuôi bây lớn thành người

Nhưng bây không thành người mà hóa kiếp đười ươi

Hóa kiếp chó nên mới Tan Thành C..

15 tuổi tao đã từng xuống đường đấu tranh lúc mày còn con nít cởi truồng vọc đất

Cái nắm đất trên tay sau 1975 được tụi bay hô biến thành vàng

Tụi tao đánh giặc không ngừng cho tụi mày áo mão xênh xang

Tụi tao hứng viên đạn của bọn Tàu, bọn Miên bắn về quê hương cho tụi bay huy chương đỏ ngực

Tất Thành Cang ơi, tao không muốn chỉ mình mày Tan Thành C..

Mà tất cả đám quan tham đàn áp biểu tình, cướp của nhân dân phải quỳ lạy trước đồng bào

Tất cả tụi bay đều phải bị trảm Cẩu Đầu Đao !

Cứ vào mạng xã hội dạo một vòng sẽ thấy, đó không phải là tâm trạng của riêng Bùi Chí Vinh. Tuy nhiên đảng vẫn không thấy thẹn mà tiếp tục lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo đảng để lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam trong bốn năm sắp tới như đã từng lựa chọn – sắp đặt những Tất Thành Cang… Hội nghị lần thứ 14 của BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này vừa kết thúc với tuyên bố: Nhất trí cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 sau gần năm ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao (9) - giống hệt cách nay bốn năm, sau những ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, đã nhất trí cao trong việc lựa chọn, sắp đặt những Đinh La Thăng, Tất Thành Cang,…

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=204048801208381&id=100048097861219

(2) https://baotiengdan.com/2020/12/17/tu-cau-chuyen-sau-cang/

(3) https://www.facebook.com/thuyduong2890/posts/3779480062072527

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/sai-pham-vu-thu-thiem-ong-tat-thanh-cang-chi-bi-phe-binh-664525.html

(5) https://vnexpress.net/ong-tat-thanh-cang-lien-quan-3-sai-pham-khac-4207786.html

(6) http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Cach-chuc-Uy-vien-Trung-uong-Dang-khoa-XII-doi-voi-dong-chi-Tat-Thanh-Cang/355438.vgp

(7) https://thanhnien.vn/thoi-su/tam-dinh-chi-tu-cach-dai-bieu-hdnd-tphcm-ong-tat-thanh-cang-1317993.html

(8) https://www.facebook.com/buichi.vinh.3/posts/2331473096998559

(9) https://baotintuc.vn/chinh-tri/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-14-nhat-tri-cao-nhan-su-tham-gia-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-khoa-xiii-20201218112817256.htm