HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Chín, mạng xã hội tràn ngập sự phẫn nộ xen lẫn bất mãn của người dân Việt Nam xoay quanh phát ngôn mới nhất của ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSTQ: “Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển lân cận của bãi Tư Chính. Điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.”
“Từ Tháng Năm, 2019, phía Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí đơn phương tại bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc… Phía Việt Nam cần chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình để trả lại sự bình yên cho vùng biển liên quan!”
Đáng lưu ý, không rõ vì lý do gì Bộ Ngoại Giao CSVN lại đột ngột hủy cuộc họp báo thường kỳ hôm 19 Tháng Chín, theo dự trù là diễn ra vào mỗi chiều thứ Năm hàng tuần để người phát ngôn trả lời các câu hỏi của giới phóng viên trong và ngoài nước. Nếu cuộc họp báo này được tổ chức thì có lẽ câu hỏi chính nhắm vào bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN là phản ứng về lời của ông Cảnh Sảng.
Bên cạnh đó, gần như tất cả các báo nhà nước ở Việt Nam cũng “né” tường thuật phát ngôn “tố ngược” CSVN của ông Cảnh Sảng, ngoại trừ báo điện tử Giáo Dục Việt Nam dè dặt dẫn lại một câu trong bài “Trung Quốc ngụy biện về việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” đăng hôm 20 Tháng Chín: “Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có cái gọi là “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển phụ cận bãi Vạn An [Tư Chính] thuộc quần đảo Nam Sa [Trường Sa].”
Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, người có hơn 100,000 lượt follow, chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân: “Lãnh đạo Việt Nam còn chờ gì nữa mà không khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? Còn mơ màng hy vọng vào tình hữu nghị với thằng anh cùng lý tưởng, rằng chúng sẽ không tiếp tục xâm lược sao?… Đất nước này có yếu kém, không có khả năng tự bảo vệ một phần là do quan chức tham nhũng kinh hoàng, không có lý tưởng đưa đất nước đi lên. Đến một con đường cao tốc Bắc-Nam còn không có ngân sách thực hiện, phải dựa dẫm nhà đầu tư nước ngoài cơ mà.”
“Tư tưởng thì hạn hẹp, người dân có xuống đường biểu thị sự phẫn nộ với ngoại xâm thì cấm đoán, đánh đập hay chụp mũ vớ vẩn. Trung Cộng nó quan sát cả đấy, không hay ho gì những hành động đàn áp người biểu tình đâu. Nó biết ta yếu và nó cũng biết chính quyền hèn khi đàn áp dân đấy,” theo Facebook Chau Doan.
Cùng thời điểm, phóng viên ảnh Nguyễn Sơn của AP trú tại Hà Nội bình luận trên trang cá nhân: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà cầm quyền Trung Cộng có đểu cáng, dã tâm với ta không? Tất nhiên là có, và trong hàng ngàn năm nay. Đểu cáng, dã tâm nên mới có các cuộc xâm lăng, đô hộ, mới có cướp biển đảo, lấn từng mét đất biên giới. Đểu cáng dã tâm nên mới có chuyện thu mua móng trâu bò giá cao, mua rễ cây hoa màu… để phá hoại nông nghiệp. Nên mới có máy móc thiết bị, dự án kém chất lượng đi theo các khoản vay ODA vào. Nhưng, các nước láng giềng khác họ cũng vẫn đối mặt với những dã tâm, đểu cáng tương tự mà lại bị ảnh hưởng ít hơn vì sao?! Nga, Bắc Hàn, Mông Cổ, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Myanmar, Lào… có bị phụ thuộc, o ép, lũng đoạn đến mức nghiêm trọng thế không? Ngạn ngữ cổ Ả Rập có câu ‘Không thể nào lừa đảo được người lương thiện’. Nôm na là ‘mình có thế nào, người ta mới thế.’” (T.K.)
No comments:
Post a Comment