KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Không chỉ ở Đà Nẵng, người Trung Quốc cũng đã dùng hình thức mua cổ phần, góp vốn với người Việt để rồi sau đó nhận “chuyển nhượng lại” nhiều khu đất đẹp ở thị xã Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh…
Báo Người Lao Động ngày 21 Tháng Chín, 2019, cho biết người ngoại quốc, trong đó có nhiều người Trung Quốc “có dấu hiệu gom đất ở Khánh Hòa thông qua người Việt đứng tên.”
Theo đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra. Qua đó phát hiện năm vị trí đất “có yếu tố người ngoại quốc” gồm hai khu đất ở huyện Vạn Ninh, hai khu đất ở thành phố Cam Ranh và một khu đất ở thị xã Ninh Hòa.
Nói với báo Người Lao Động, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Khánh Hòa cho biết riêng khu đất có yếu tố người ngoại quốc ở thị xã Ninh Hòa, Thanh Tra sở đã xử phạt 15 triệu đồng ($645) đối với Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại và Dịch Vụ Du Lịch Sơn Hải về hành vi “Cho thuê tài sản,” đồng thời yêu cầu chấm dứt việc cho thuê “không đúng quy định” này.
Mới đây, Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tỉnh Khánh Hòa xác nhận Công Ty Cổ Phần Địa Ốc Du Lịch Đông Hải, chủ đầu tư Khách Sạn Sheraton Nha Trang đã thay đổi chủ sở hữu. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật là ông Christophe Jean Francois Lajus (quốc tịch Pháp, sống ở Trung Quốc) đã được thay thế bởi ông Kelly Yin Hong Wong (quốc tịch Trung Quốc). Ông Wong nắm luôn chức tổng giám đốc công ty.
Khi báo chí đặt vấn đề “có hay không người Trung Quốc mượn người Việt đứng tên mua đất, lập dự án, sau đó người Việt thoái vốn?” Đại diện sở này né tránh và chỉ nói ngắn gọn không rõ ràng: “Việc đầu tư liên quan đến yếu tố ngoại quốc hiện chưa có.”
Luật Sư Lê Cao, Đoàn Luật Sư Đà Nẵng, cho biết theo quy định của Luật Đất Đai 2013, Luật Nhà Ở 2014 của Việt Nam, người ngoại quốc không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Nếu có thì giới hạn là căn hộ chung cư hoặc nhà ở trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán cho người ngoại quốc.
Việc người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt mua đất, sau đó dùng “chiêu” góp vốn vào doanh nghiệp (có người Trung Quốc góp vốn) để hợp thức hóa quyền sử dụng đất là một hình thức “lách luật, nguy hiểm,” bởi doanh nghiệp đó do người Trung Quốc đứng tên trên lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, nếu chính quyền quản lý không tốt có thể dẫn đến việc họ dùng phần đất đó vào những hoạt động phi pháp.
“Trước đây, nếu người Trung Quốc chỉ đơn thuần nhờ người Việt Nam đứng tên thì chưa nguy hiểm lắm, nếu bị phát hiện thì các giao dịch nhờ đứng tên vô hiệu. Nhưng với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn, nếu không kiểm soát được các hoạt động liên quan thì sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập,” Luật Sư Cao cảnh báo. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment