Sunday, July 14, 2019

Cơ chế nào tạo ra những đại biểu gây cười?

Theo RFA-Lê Trương-2019-07-14   
Hình minh hoạ. Một phiên họp quốc hội ở Việt Nam hôm 21/5/2018
Hình minh hoạ. Một phiên họp quốc hội ở Việt Nam hôm 21/5/2018-AFP
“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng-năm 2014.
“Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”-Cầm Ngọc Minh, chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
“Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”- Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM.
“Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”-Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ.
Quan to còn đanh thép như thế thì chị LON với chị LU cũng có đã đáng gì mà phải cười.
Nếu rảnh liệt kê hết các phát ngôn gây cười của các quan chức Việt Nam, có lẽ phải được cuốn từ điển.
Nhưng thú vị nhất là cho dù có cả một lịch sử phát ngôn ngô nghê của các vị nhưng chúng ta cứ chờ mà xem, không biết chừng chỉ trong nay mai lại tiếp tục có những phát ngôn ngô nghê hơn nữa, “vươn lên tầm cao mới”.
Vì bản chất vấn đề không nằm ở cá nhân các vị kể trên. Nguyên nhân cốt lõi ở chỗ cơ chế nào đã gầy dựng họ trở thành những người được đại biểu cho nhân dân. Và không may thay, họ tưởng mình được nhân dân tin tưởng cử làm đại biểu thiệt, nên rất cố gắng phát ngôn giùm cho nhân dân, mặc dù nhân dân không có nhờ, cả trong những lĩnh vực mà hiểu biết của họ là số không.

Hội đồng nhân dân nhưng chẳng có ông dân nào

Đầu tiên phải xét cơ chế bầu cử của Hội đồng nhân dân.
Trong 105 vị (hiện tại là 104, do một vị bị bắt hồi đầu năm nay vì tội tham ô) đại biểu Hội đồng nhân dân Tp HCM (viết tắt là HĐND) khóa 2016-2021, có 96 vị là đảng viên và đang giữ các chức vụ lớn nhỏ trong hệ thống nhà nước. Bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch các quận huyện, bí thư, phó bí thư quận ủy, Thành đoàn, quận đoàn, giám đốc và phó giám đốc các sở ngành, trưởng phó các phòng ban thuộc các sở; chủ tịch, phó chủ tịch một vài hội đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước, tổng biên tập báo, công an và sĩ quan cao cấp trong quân đội.
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố
Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân, người có phát biểu dùng lu chứa nước để tránh lụt lội trong thành phố Courtesy of Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Với các chức vụ như trên, các vị này không thể là “dân”.
Còn lại 9 người trong lý lịch không thấy ghi là đảng ủy viên hay bí thư, phó bí thư chi bộ, bao gồm 1 nghệ sĩ cải lương, 1 hòa thượng, 1 ni sư, 1 linh mục, 1 giảng viên đại học, một trưởng ban Bạn đọc của một tờ báo, một tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche chuyên về xây dựng, 100% vốn của Pháp; một giám đốc HTX chuyên trồng hoa lan và một bác sĩ.
Xét theo tiêu chí phổ quát, thì chỉ có 9 người này thực sự là dân đúng nghĩa.
Tức có đến 91,4 % đại biểu HĐND Tp HCM đang là quan chức và đảng viên.
Thế thì tổ chức HĐND của bà Phan Thị Hồng Xuân có đại diện thực sự cho dân không? Hỏi là đã trả lời.

“Cho đẹp đội hình”

Trong Luật tổ chức chính quyền địa phương, quyền lực của HĐND rất lớn. Họ quyết định mọi điều, từ kế hoạch phát triển mọi mặt của địa phương cho đến nguồn và phân bổ tài chính để thực hiện những kế hoạch đó. HĐND còn đồng thời là cơ quan giám sát UBND thực hiện các nghị quyết của họ.
Nhưng, với cơ cấu cụ thể của một khóa HĐND như kể trên, nói không oan cơ chế HĐND hiện tại chỉ là cơ chế giả hiệu, mị dân, tiêu tốn ngân sách.
Một mình ông quan chức đóng cả ba vai. Ở ghế chính quyền, ông là lãnh đạo, có nhiệm vụ thực hiện các nghị quyết của HĐND. Vừa bước vào phòng họp HĐND, ông biến thêm thành hai phân thân khác : vừa là người ra lệnh cho chính ông thựchiện các quyết sách của địa phương, lại cũng là người đi giám sát việc chính ông thực hiện các quyết định đó.
Tréo ngoe và quái gở!
Chưa kể, trong một chế độ toàn trị, lợi ích của chính quyền luôn luôn nảy sinh xung đột lợi ích với những người được chính quyền “quản lý”, nhưng chính các ông cầm quyền lại tự xưng là “đại biểu của nhân dân”, thì nghe có chết cười không?
Hình minh hoạ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?"
Hình minh hoạ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ở Hà Nội hôm 21/10/2013. Ông từng phát biểu "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?" AFP
Một điểm quái gở khác. Theo luật, các đại biểu của nhân dân phải được “bầu cử” từ đủ cơ cấu thành phần trong xã hội. Phải có hòa thượng và có linh mục; có nam thì phải có nữ; có người lớn tuổi thì phải có người trẻ; có đảng viên thì phải có người ngoài đảng; phải có người dân tộc thiểu số; có doanh nhân thuộc doanh nghiệp tư nhân, có trí thức thì phải có công nhân; có quan chức thì phải có nghệ sĩ, nhà báo…
Đúng và đủ cơ cấu rồi, họ phải lọt qua các vòng hiệp thương của tổ dân phố, của cơ quan, của địa phương…, tức là họp mặt nhau lại, hỏi “Ai đồng ý bầu vị này ứng cử đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội”. Nhiều người đồng ý giơ tay thì vị ấy thành ứng cử viên. Lọt qua được vòng bầu cử toàn quốc và được Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu đồng ý thì trở thành đại biểu nhân dân. Cấp đại biểu HĐND hay đại biểu Quốc hội đều tương tự như nhau.

Nhưng kết quả thực sự của số phiếu bầu thì ngoài một số người trong Ủy ban bầu cử ra, không ai biết. Không đi bầu, không bỏ phiếu nhưng trong thùng phiếu vẫn có phiếu đầy đủ bầu cho những người không biết là ai, cũng là chuyện thường ngày ở huyện.
Thế cho nên mới có những đại biểu nữ, ngoài đảng, người dân tộc thiểu số mới trên 20 tuổi, xinh như bông hoa. Nhưng khi vào họp thì tiếng Kinh còn lơ lớ chưa hiểu hết, vốn sống, trải nghiệm đều chưa có, chuyên môn càng không. Hay những công nhân, nghệ sĩ, hoặc các giáo sư tiến sĩ có thể rất giỏi chuyên môn nhưng ú ớ về pháp luật. Nhưng làm sao một người chưa sõi tiếng Kinh, hay một công nhân trình độ bình thường đọc hiểu được các báo cáo kinh tế, văn hóa, các dự án luật dày hàng chục trang, dầy đặc các vấn đề hóc búa và các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu? Làm thế nào để họ tham gia lập hiến, lập pháp, đối nội, đối ngoại, quyết định các chính sách quan trọng của đất nước?
Trường hợp bà Phan Thị Hồng Xuân đang bị dân mạng Việt Nam chế giễu ngập trời với đề xuất mỗi hộ gia đình nên sắm lu chứa nước mưa để giảm ngập cho thành phố phản ánh rất rõ sự vô lý này. Trình độ chuyên môn của bà Xuân không hề kém cỏi. Theo đúng những gì ghi trong lý lịch đại biểu HĐND, bà là Phó giáo sư, tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Dân tộc học, cử nhân Luật Hành chánh, cử nhân chuyên ngành Đông Nam Á học. Nếu cần ý kiến về đúng chuyên ngành Dân tộc học, có lẽ bà sẽ đóng góp được nhiều. Nhưng, do được cơ cấu là đại biểu, và chết cái bà cũng tưởng bà là đại biểu của nhân dân thật, nên mới xảy ra vạ miệng “thợ điện đi sửa ống nước” như rứa.
Cạnh đó còn phải kể đến ngót nghét 80%-90% đại biểu HĐND và Quốc hội là đảng viên và quan chức đương nhiệm. Nhưng đảng viên thì không được phát ngôn trái với nghị quyết đảng. Vậy thì trong những vấn đề xung đột giữa lợi ích của đảng và của dân, hay giữa của dân và của ngành nghề, nhóm lợi ích mà mình đang giữ trọng trách, đại biểu sẽ nói lên tiếng của ai?
Ở Việt Nam, đại biểu quốc hội hay đại biểu HĐND lại không phải là một vị trí chuyên môn như nghị sĩ ở các thể chế khác. Tuy lá phiếu của đại biểu có thể góp phần đẩy đất nước tiến nhanh hay kéo lùi, nhưng thực chất đó không phải là công việc chính. Cho nên, giơ tay biểu quyết ra vô số điều luật sai bét nhưng cho đến nay chưa thấy đại biểu nào bị kỷ luật vì hoạt động kém hiệu quả hay phát ngôn ngây ngô vô tác dụng khi xâydựng luật cả.
Nói cho cùng, bầu cử đại biểu chỉ để cho đẹp đội hình. Làm đại biểu chỉ là một thứ vinh quang kiêm nhiệm, cho oai. Oai nhưng lại có kỳ hạn. Hết năm năm, nếu trong cơ quan vẫn chưa lên được chức cao hơn, thì đại biểu cũng chỉ về đuổi gà. Không chừng còn phải khép nép trước sếp.
***
Ở một mô hình đúng đắn, hội đồng nhân dân phải là tập hợp của những người dân thực sự. Đó là những người không giữ một vị trí, quyền lợi nào trong bộ máy chính quyền hay các tổ chức phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng từ nó. Có như vậy họ mới hiểu thấu quyền lợi và nghĩa vụ của dân. Tiếng nói của họ mới là phản ánh tiếng nói thật từ người dân.

Đối trọng với nó, cơ chế “HĐND” hiện tại của Việt Nam cần phải thay đổi thành thể chế hội đồng đô thị (hoặc hội đồng tỉnh, huyện). Để thực sự làm được những điều ghi trong luật (ban hành các quyết sách áp dụng trong nội bộ địa phương), hội đồng này phải bao gồm các nhà quản trị xã hội (không phải quản lý) có đủ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực phụ trách. Các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa.. v.v trong địa phương do hội đồng này đề ra phải được hội đồng nhân dân (hội đồng nhân dân thực sự), như một cách trưng cầu ý kiến và thống nhất cách thực hiện trước khi được ban hành.

Còn mô hình Quốc hội, từ lâu các nhà nghiên cứu lập pháp và báo chí trong nước đã bàn rầm rộ, nhưng rồi lại rơi vào im lặng như các cao trào tư tưởng trước đó.
Nó không gì khác ngoài việc thay thế các “đại biểu của nhân dân” tự xưng bằng chế độ nghị viện như nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

No comments:

Post a Comment