SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 13 Tháng Bảy, một ngày sau khi phát ngôn “đề xuất mỗi nhà ở Sài Gòn trang bị một lu nước để chống ngập,” bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân được báo điện tử VTC News dẫn lời: “Từ đêm qua đến giờ, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, nhắn tin. Trong đó có nhiều người hiểu vấn đề đã động viên, chia sẻ với tôi về giải pháp này. Tuy nhiên đa phần có những lời lẽ thóa mạ, xúc phạm, đe doạ khiến tôi rất sốc. Tôi hy vọng Luật An Ninh Mạng được triển khai để xử lý những đối tượng này, bảo vệ những người tâm huyết, có nguyện vọng muốn xây dựng thành phố, đất nước.”
Bà Xuân cũng phân trần: “Đây là giải pháp tôi rất tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng nên mới đề xuất. Tuy nhiên do thời gian họp tại hội trường quá ngắn nên tôi không thể diễn giải hết được ý kiến của mình khiến dư luận hiểu nhầm.”
Bà Xuân, được cho là phó giáo sư-tiến sĩ, chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam-Đông Nam Á, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Dân Tộc Học-Nhân Học thành phố ở Sài Gòn, đồng thời làm trưởng khoa Đô Thị Học của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Sài Gòn.
Hiện bà Xuân đã khóa trang cá nhân sau khi cộng đồng mạng phản ứng mạnh với “sáng kiến cái lu” của bà.
Nhà báo Nguyễn Trường Uy của báo Tuổi Trẻ bình luận trên trang cá nhân: “Cần lưu ý là việc chống ngập là việc của chính quyền chứ không phải là việc của dân. Dân có những cái ‘lu’ lớn bao đời trước nhà là những ao hồ tự nhiên (góp phần chống ngập) thì đã bị cấp phép lấp phẳng xây nhà mất rồi! Bà Xuân là trưởng khoa tại trường đại học mà tính chống ngập bằng cái lu thì sinh viên ra trường đi chống ngập làm ngập thêm là đúng lắm!”
Không chỉ bà Xuân, việc giới chức muốn tận dụng Luật An Ninh Mạng “xử lý” những người chỉ trích mình được cho là đã nằm trong toan tính của nhà cầm quyền khi quyết định thông qua việc thực thi điều luật này từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019.
Hồi cuối năm 2018, báo An Ninh Thủ Đô cho hay một trong các mục tiêu của Luật Ninh Mạng là “cấm nói xấu, bóc phốt lãnh đạo trên mạng xã hội,” dù các khái niệm “nói xấu, bóc phốt” được đề cập trong luật hết sức mơ hồ.
Đến nay, việc xử phạt người dân về “tội nói xấu lãnh đạo” cũng đã có tiền lệ. Hồi Tháng Năm, 2019, báo Tiền Phong cho hay: “Công An huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ban hành quyết định xử phạt ‘vi phạm hành chính’ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đối với bốn người ở xã Nguyên Bình vì ‘bình luận, nói xấu, các lãnh đạo đảng, nhà nước [CSVN].” Mỗi người này bị xử phạt 7,500,000 đồng ($324).” (T.K.)
No comments:
Post a Comment