HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhiều vấn đề phức tạp đặt ra trong quản lý đất đai khiến Chính Phủ CSVN “xin rút dự án sửa đổi Luật Đất Đai ra khỏi chương trình làm luật năm 2019”, theo báo Tuổi Trẻ.
Luật Đất Đai là khởi nguồn của các vụ tranh chấp đất đai nổ ra trên khắp ba miền. Những vụ nổi bật trong các năm gần đây là Dương Nội, Đồng Tâm và Thủ Thiêm.
Báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hồi Tháng Tám, 2018, viết: “Luật Đất Đai 2013 có kẽ hở, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thâu tóm đất đai, trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng với giá đền bù thấp. Chính vì không rõ ràng ở khái niệm ‘phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng’ đã và đang là kẽ hở để các nhóm lợi ích lợi dụng. Những dự án phát triển kinh tế-xã hội thuộc diện thu hồi đất thỏa thuận với người dân theo quy định ở Điều 73 Luật Đất Đai 2013 có thể bị ‘phù phép’ trở thành những dự án do Nhà Nước thu hồi đất dựa trên khái niệm ‘lợi ích quốc gia.”
Đáng lưu ý, trong dịp này, không chỉ có Luật Đất Đai bị ‘ách’ lại mà các luật được cho là gắn liền với nhân quyền của người dân như Luật [lập] Hội, Luật Biểu Tình và Luật Đặc Khu cũng đang phải “chờ xin ý kiến Bộ Chính Trị” trước khi được bàn thảo tại Quốc Hội.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, người từng đưa tin độc lập về vụ Đồng Tâm vào hai năm trước, bình luận trên trang cá nhân hôm 11 Tháng Tư: “Chính Phủ vừa chính thức lùi thời hạn sửa Luật Đất Đai, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều phận người Việt màn trời chiếu đất chỉ sau một đêm như lâu nay, và rất nhiều người khác phải tiếp tục quằn quại trong uất ức cuộc đời do chứng kiến ruộng đất mồ hôi xương máu của mình bị quan quyền cưỡng đoạt bằng con dấu và chữ ký, mà kỳ thực là dùi cui và súng đạn.”
“Nhưng mặc cho áp chế của cường quyền, mặc cho bạo ngược của súng đạn, một khi dám cùng nhau đứng thẳng như người Đồng Tâm và người Dương Nội, chắc chắn hoa vẫn sẽ đơm, trái vẫn sẽ kết trên đất của mình. Đúng vậy, trên đất-của-mình,” ông Tuấn viết. (T.K.)
No comments:
Post a Comment