HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng chục container thực phẩm, nông sản bị ngoại quốc “cấm cửa” trả về vì “dính độc” không đáp ứng tiêu chuẩn nước sở tại, nhưng khi về Việt Nam doanh nghiệp đem bán cho người dân “vô tư” vì “đủ tiêu chuẩn an toàn.”
Báo VietNamNet ngày 11 Tháng Tư, 2019, cho biết nhiều lô hàng xuất cảng của Việt Nam gần đây thường xuyên bị cảnh báo hoặc trả về bởi có tiêu chuẩn thấp và khác biệt hoàn toàn so với tiêu chuẩn nhiều nước.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất cảng và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam: Vai trò của quản lý hóa chất nông nghiệp” diễn ra hồi cuối năm 2018, ông Vương Trường Giang, phó cục trưởng Cục Bảo Vệ Thực Vật, Bộ Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết chỉ tính riêng thị trường Châu Âu, Việt Nam bị xếp nằm trong nhóm các nước “có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất.”
Trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất cảng vào thị trường này bị cảnh báo hoặc trả về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Đến năm 2018, tiếp tục có thêm 40 trường hợp nữa.
Ngoài thị trường trên, nhiều nước như Mỹ, Nhật, Nam Hàn…cũng rất cảnh giác với các mặt hàng thực phẩm xuất cảng của Việt Nam.
Mới đây, người dân ở Việt Nam lo lắng trước thông tin hơn 18,000 chai tương ớt hiệu Chin-Su do Công Ty Tập Đoàn Thực Phẩm Masan sản xuất của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) bắt thu hồi do chứa chất cấm Acid Benzoic (chất phụ gia chống nấm mốc). Theo tiêu chuẩn của Ủy Ban Tiêu Chuẩn Thực Phẩm Quốc Tế (Codex), chất này cũng bị cấm ở 185 quốc gia khác.
Trước đó, nhiều lô hàng xuất cảng của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông lâm thủy sản, thường xuyên bị cảnh báo, thậm chí bị trả về bởi “dính độc.” Việc này buộc đại diện Cục Chế Biến Thương Mại Nông Lâm Thủy Sản và Nghề Muối, thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, phải yêu cầu các doanh nghiệp xuất cảng gạo “cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất cảng vào Mỹ” do hàng loạt lô gạo Việt Nam bị phát hiện tồn dư các chất Acetamiprid, Chlopyripos, Hexaconazoe,… dùng trong các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ước tính có khoảng 10,000 tấn gạo của 16 công ty bị Mỹ trả về trong vòng 4 năm qua.
Tương tự, hồi Tháng Bảy, 2015, cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng, loan tin chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, hàng ngàn tấn chè ở Lâm Đồng xuất cảng sang Đài Loan bị trả về do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định của nước này.
Thế nhưng, điều làm cho người dân Việt Nam lo lắng và bất bình là, tất cả những lô hàng bị ngoại quốc từ chối nhập cảng nêu trên khi bị trả về đều được các cơ quan hữu trách khẳng định vẫn an toàn do “đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam” và thế là doanh nghiệp tự do tung ra bán trong nội địa cho người dân sử dụng.
Cụ thể, với vụ tương ớt Chin-Su, quy định của Nhật Bản là cấm không dùng, thế nhưng trong cả hai thông tư của Bộ Y Tế năm 2012 và 2015 quy định ở danh mục phụ gia thực phẩm, chất Acid Benzoic đều có mặt và đều được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm quả dạng nghiền như tương ớt.
Dù cho phép sử dụng, nhưng khi xảy ra hậu quả nhiều vụ liên quan đến an toàn thực phẩm, dư luận ầm ĩ thì gần như các cơ quan hữu trách cố ý để sự việc trôi theo thời gian và rồi cho “chìm xuồng.” Mặc báo chí đưa tin, mạng xã hội lan truyền, trên website Bộ Y Tế, website Cục An Toàn Thực Phẩm, hay những cơ quan chịu trách nhiệm về việc này thì bất động, làm ngơ để cho các doanh nghiệp tung hàng có “dính độc” bán ra thị trường cho người tiêu thụ. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment