BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Hôm 4 Tháng Tư, Luật Sư Ngô Anh Tuấn (ATN Lawfirm) cho biết trên trang cá nhân rằng các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước đã tạm giam một người 10 năm tròn: ông Phạm Duy Lăng, 29 tuổi, người bị bắt hôm 4 Tháng Tư, 2009, và bị truy tố về tội “giết người.”
Ông Lăng bị nghi làm chết một người trong vụ ẩu đả với trai làng tại đám cưới của một người quen. Trong 10 năm, nhiều phiên tòa đã được mở nhưng vẫn chưa thể buộc tội được ông này.
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN 2003, thời hạn tạm giam để điều tra là không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Tuy vậy, có thể gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Thời hạn tạm giam theo luật thì “tối đa là không quá 20 tháng” đối với mọi loại tội phạm. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự CSVN 2015 cũng giữ nguyên thời hạn tạm giam tối đa đối với tội phạm.
Luật Sư Tuấn viết trên trang cá nhân: “Sau 10 năm tròn, hôm nay Phạm Duy Lăng vẫn mòn mỏi trong trại tạm giam. Đây có thể là một kỷ lục của trại tạm giam cả nước Việt Nam trong thời kỳ đương đại và nó cũng có thể trở thành một vết nhơ trong lịch sử tố tụng Việt Nam khi sự thật được phơi bày.”
“Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước đã nhiều lần tuyên phạt bị cáo với các mức án khác nhau, từ 16 năm tù giam, sau đó còn 14 năm tù giam. Các bản án của tòa Bình Phước lần lượt bị Tòa Án Nhân Dân Tối Cao và mới đây là Tòa Cấp Cao ở Sài Gòn hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Các luật sư đã nhiều lần viết đơn yêu cầu thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước vẫn ‘kiên định’ với lập trường của mình và duy trì cái sai vốn dĩ đã tồn tại lâu nay. Với họ, có lẽ bắt nhầm còn hơn bỏ sót,” theo Facebook Tuan Ngo.
Luật Sư Tuấn giải thích thêm trên trang cá nhân: “Một vụ án oan sai lớn đã dần lộ diện và không ai trong số các điều tra viên, kiểm sát viên dính vào vụ này mong muốn thừa nhận thực tế và có thể vì thế mà họ có thể làm mọi thứ ngưng đọng lại càng lâu càng tốt.”
Liên quan đến vụ án này, báo Dân Trí hồi Tháng Mười, 2018, cho biết thêm: “Trong các lời khai ban đầu, ông Lăng thừa nhận có dùng chày đánh nạn nhân, sau này ông thay đổi lời khai. Sau bản án sơ thẩm, ông Lăng kháng cáo kêu oan cho rằng mình không giết người. Ngoài ra Hội Đồng Xét Xử phiên phúc thẩm cho rằng quá trình điều tra, xét xử cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng, các kết luận giám định pháp y mâu thuẫn nhau…”
Trong một diễn biến khác, ngày 28 Tháng Ba, bản Nhận Xét Kết Luận Về Việt Nam do Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố viết rằng Ủy Ban này “lấy làm tiếc vì mức độ hiểu biết của nhà cầm quyền CSVN đối với Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) còn khiếm khuyết.”
Trang Luật Khoa Tạp Chí tường thuật: “Bản Nhận Xét Kết Luận lo ngại việc Bộ Luật Hình Sự Việt Nam không hình sự hóa một cách rõ ràng đối với hành vi tra tấn. Điều này đã khiến Ủy Ban hết sức quan tâm về các báo cáo tra tấn và ngược đãi phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là tra tấn dẫn đến tử vong trong quá trình tạm giam. Ủy Ban quan tâm đến các báo cáo về các điều kiện giam giữ tồi tệ như giam giữ kéo dài trước khi xét xử, sử dụng cùm xích, cố ý lây nhiễm HIV/AIDS cho tù nhân, từ chối chăm sóc y tế, và giam giữ tù nhân cách xa nơi ở của gia đình họ. Thông Tư 37 của Bộ Công An năm 2011 quy định về việc ‘giam riêng’ được nhắc đến như là một quy định ‘biệt giam’ trong việc phân biệt đối xử với tù nhân, và đặc biệt nghiêm trọng khi có thể được gia hạn đến vô thời hạn.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment