Giáo dân Song Ngọc, Nghệ An công khai nói lên quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng của đất nước. Ảnh: FB Lê Sơn
Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Vào ngày 20 tháng 3 vừa qua, một số trí thức trong cả nước đã ra một thông báo phản đối cho Trung Quốc làm nhà thầu đường sắc Bắc – Nam. Sau đó, vào sáng Chủ nhật 31 tháng 3, nhiều người dân Giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An đã giương cao hàng loạt băng rôn, biểu ngữ với những nội dung phản đối việc nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc – Nam. Ngoài người dân Song Ngọc, nhiều người khác cũng lên tiếng và nói họ sẽ xuống đường phản đối nếu chính phủ để nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc – Nam.
Đến đầu tháng 4, qua các phương tiện truyền thông chính thống, nhà nước cũng phát đi thông điệp sẽ khởi công ngay trong tháng 6 và phải hoàn tất giai đoạn đầu vào năm 2020. Phản ứng chung của mọi người đều đồng ý với việc xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam; nhưng tâm lý lo lắng khi nhà thầu Trung Quốc (TQ) tham dự, nhất là trong những ngày vừa qua, hình ảnh nhếch nhác của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được lan truyền trên mạng.
Không cần phải là một chuyên viên xây dựng, ai ai cũng thấy những sai phạm cực kỳ thô thiển. Những mối hàn, những bù loong bắt vào trụ xi măng trông nham nhở, và nhìn vào ai cũng mang một mối lo về độ an toàn của công trình một khi đưa vào khai thác. Mọi người còn nhớ việc TQ trúng thầu cung cấp đường ống gang dẻo cho dự án nước sạch sông Đà và việc vỡ ống 22 lần trong 6 năm khai thác, và chắc chắn đây không phải là trường hợp độc nhất.
Câu hỏi thứ hai là nếu các cam kết không đúng như chủ đầu tư đòi hỏi, chúng ta cũng có thể loại các chủ thầu? Một lãnh đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thú nhận rằng năng lực và kinh nghiệm đấu thầu của chúng ta còn quá hạn chế. Các chủ đầu tư chưa đưa ra được công thức xác định giá đánh giá phù hợp nhằm lựa chọn được các nhà thầu có thực lực, có kỹ thuật tốt và có đề xuất cạnh tranh về giá.Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao vẫn chấp nhận TQ đấu thầu với những “thành tích nguy hiểm như vậy?” Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận phần lớn các dự án đều phải đi vay, và phần lớn vốn vay lại đến từ TQ. Để vay vốn của họ thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu TQ thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Nếu không tìm ra sai sót nào thì không thể phân biệt đối xử để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc khi đấu thầu quốc tế, vì chúng ta đã là thành viên của WTO rồi. Cách cuối cùng chỉ có thể là dùng hàng rào kỹ thuật. Mà nói về kỹ thuật thì bất kể một loại thiết bị nào, nhà thầu Trung Quốc cũng có đầy đủ các thông số kỹ thuật đòi hỏi. Vì thế không thể gạt bỏ trong hồ sơ dự thầu của họ. Nói tóm lại, cạnh trong sòng phẳng là chúng ta chưa đủ tầm.
Câu hỏi thứ ba là hầu hết mọi công trình hợp tác với các nhà thầu TQ từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với các quan tham Việt Nam đẩy giá lên. Thế thì làm sao xử lý? Vị lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định: Ở đâu có ép giá, ở đó dứt khoát không có chất lượng đồng hành. Tuy nhiên cho dù biết như thế, nhưng từ chối lại là một chuyện khác, nó không liên quan gì đến kỹ thuật hay kinh nghiệm. Nó liên quan đến… ý thức hệ. Chắc mọi người còn nhớ SEA Games 2003.
Ngày ấy, để chuẩn bị, Việt Nam quyết định xây dựng một sân vận động quốc gia (sau này là sân Mỹ Đình). Trong số các công ty tham gia đấu thầu có Philipp Holzmann AG International (Đức) bỏ thầu 57 triệu USD và Hanoi International Group (HISG – Trung Quốc) bỏ thầu 53 triệu USD, thấp nhất trong số các đơn vị tham gia đấu thầu.
Trong khi Philipp Holzmann là một công ty có nhiều kinh nghiệm (có hai chuyên gia từng tham gia thiết kế xây dựng sân vận động Stade de France, Pháp) và trang thiết bị đạt tiêu chuẩn Âu – Mỹ thì HISG của TQ chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn cùng trang thiết bị chỉ đạt chuẩn Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Xây dựng lại có văn bản khác khẳng định HISG đạt tiêu chuẩn và trúng thầu.
Sau này, ông Hà Quang Dự, khi đó là bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao đã thố lộ “nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu−Mỹ, chắc chắn chất lượng sân vận động Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để sửa chữa. Tường khán đài nứt dọc nứt ngang, nhiều điểm sụt lún trên các khán đài, đường chạy điền kinh không thể hoạt động được.”
Đứng trước sự bức xúc của người dân, một quan chức sau đó đã bộc bạch thẳng thắn rằng “không phải là chúng ta không biết so sánh giữa Philipp Holzmann và HISG, nhưng chúng ta phải có nghĩa vụ đối với TQ vì những giúp đỡ của họ trong chiến tranh”. Tôi tự hỏi có phải vì thế mà Việt Nam đã chọn Trung Quốc cho tuyến Cát Linh – Hà Đông, và chúng ta sẽ phải “có nghĩa vụ” đến khi nào?
Đã từ lâu, người Việt chúng ta cũng như nhiều nước trên thế giới thường đồng hóa “Made in China” với những gì “dỏm”, “nhái”… Tuy nhiên, đó chỉ là những vật dụng rẻ tiền hoặc công nghệ thấp. Trong những năm gần đây, công nghệ của TQ đang từng bước chinh phục thế giới.
Vào ngày 3, tháng 1 vừa qua cộng đồng khoa học đã đánh giá rất cao việc TQ đưa được phi thuyền Thường Nga 4 (Change-4) lên phía khuất của mặt trăng, đây là điều mà chưa có quốc gia nào làm được cho đến nay. Một thí dụ khác, các tàu lửa cao tốc của TQ không thua kém gì các nước Tây Âu và Nhật Bản. Nhiều nguồn tin cho hay TQ đang thử nghiệm tàu theo công nghệ từ trường Maglev có thể lên đến 600km/h! Riêng về lãnh vực xây dựng, TQ cũng làm được một công trình đáng nể là đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng, dài gần 2.000 km và phần lớn nằm trên một nền đất đóng băng, vốn là một khó khăn rất lớn để xử lý.
Tuy nhiên, người TQ đã lợi dụng chính những thành tựu về công nghệ của TQ và nguồn ngoại tệ khổng lồ của mình để đi khuynh đảo các nước đang khát vốn để phát triển. Thí dụ điển hình nhất là Sri Lanka. Vào năm 2005, bắt mạch được những khó khăn về kinh tế và chính trị của nước này, TQ đã bỏ tiền ra ủng hộ cho ứng viên Mahinda Rajapaksa lên nắm quyền. Và cũng y như “nghĩa vụ” mà Việt Nam phải trả với sân Mỹ Đình, chính phủ của Rajapaksa phải dành cho Trung Quốc những hợp đồng béo bở trong đó có việc xây dựng cảng Hambantota.
Lợi dụng tình trạng tham nhũng ở đây, TQ không ngần ngại cấp những khoản tín dụng với mức lời cắt cổ 6,3%. Đến khi không đủ khả năng chi trả, chính phủ Rajapaksa buộc phải nhượng cảng Hambantota cho Trung Quốc bằng một hợp đồng thuê 99 năm. Tức khắc sau đó Trung Quốc đã biến Hambantota thành một căn cứ hải quân có thể tiếp nhận các chiến hạm, tàu ngầm và cơ sở gián điệp, và họ yên tâm trong vòng một thế kỷ ngự trị trên một trong những đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Chiến lược Chuỗi ngọc trai (String of Pearls) gồm 15 cảng (trong hình đính kèm Hambantota nằm ở số 10, số 3 và 4 là Hoàng Sa và Trường Sa) quan trọng nhằm khống chế Biển Đông, Vịnh Bengal, Biển Ả Rập và Biển Đỏ và Ấn Độ Dương đang từng bước hình thành. Mục đích chính là nhắm vào Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ngoài Sri Lanka, các “nạn nhân” của việc bắt tay với TQ còn có Pakistan với cảng Gwadar. Ở châu Phi, Djibouti nợ Trung Quốc hơn 80% GDP và nước này trở thành căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc. Tại châu Mỹ Latinh, Ecuador đã đồng ý bán 80 – 90% dầu thô có thể xuất khẩu của mình cho Trung Quốc đến năm 2024 để đổi lấy 6,5 tỷ USD tiền vay của Trung Quốc. Và sau cùng, gần đây nhất, một trong 7 nước giàu nhất thế giới là Ý cũng đã bắt tay với Tập Cận Bình xây dựng cảng Trieste.
Trung Quốc luôn miệng phủ nhận những cáo buộc về âm mưu thâm độc của mình, nhưng bằng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, họ vẫn ngày đêm vươn vòi bạch tuộc của mình đến hang cùng ngõ hẻm để xây dựng tham vọng đế quốc mới của họ.
Thiết nghĩ TQ có thể lừa được Sri Lanka, Pakistan, Djibouti, Maldive… nhưng không thể nào lừa được người Việt Nam vì không dân tộc nào trên thế giới hiểu Trung Quốc bằng dân tộc chúng ta. Không người Việt Nam nào muốn thấy ngày nào đó Cam Ranh trở thành một Hambantota thứ hai.
Nhưng có điều trên mảnh đất này không chỉ có một, mà là hàng triệu Rajapaksa!
Phạm Minh Hoàng
No comments:
Post a Comment