Rudroneel Ghosh | Phương Hoài dịch – Nghiên Cứu Biển Đông
Mọi hành động đều có phản ứng khác nhau; các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia có lợi ích ở khu vực này chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang “mời gọi” các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Không thể phủ nhận rằng những tháng qua tình hình ở khu vực Biển Đông cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc tập trận đơn phương và hành động khiêu khích đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh và máy bay quân sự – bao gồm cả máy bay ném bom H-6K – không chỉ đi qua vùng biển tranh chấp này mà còn xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) – 200 hải lý của Việt Nam.
Chiến thuật “bắt nạt” của Trung Quốc
Trên thực tế, tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 và tàu hải cảnh Trung Quốc thậm chí đã cố gắng làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí hợp pháp tại các lô dầu khí của Việt Nam. Chẳng hạn, lô dầu 06/1 – một liên doanh giữa Ấn Độ, Nga và Việt Nam sản xuất dầu khí trong 17 năm – đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc với những lời cảnh báo được phát đi từ loa phóng thanh.
Thông điệp của Bắc Kinh dường như là không ai được phép hoạt động thương mại ở Biển Đông mà không có sự tham gia của Trung Quốc, ngay cả khi dự án nói trên nằm trong EEZ hợp pháp của một quốc gia trong khu vực.
Đây chẳng khác nào là chiến thuật bắt nạt. Vì Trung Quốc ngày nay là quốc gia lớn nhất và hùng mạnh nhất trong khu vực, nên họ nghĩ rằng họ muốn làm gì cũng được. Hiện giờ, tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 được cho là neo đậu cách bờ biển Việt Nam 155 km mà không có sự cho phép của Hà Nội. Điều này chẳng khác nào là một sự khiêu khích và để thể hiện cho khu vực cũng như thế giới thấy rằng Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì trong khu vực Biển Đông.
Trung Quốc tin rằng Biển Đông rất quan trọng cho sự phát triển của nước này. Rốt cuộc, khu vực này chứng kiến một tỷ lệ lớn thương mại và năng lượng của Trung Quốc đi qua đây. Tuy nhiên, Biển Đông cũng quan trọng không kém đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Tại sao lợi ích của Trung Quốc lại được ưu tiên hơn lợi ích của các nước khác? Có lẽ cũng có một lời giải thích khác. Khi trục quyền lực chuyển từ Tây sang Đông trong thế kỷ 21 – nhờ các yếu tố nhân khẩu học, quản trị và công nghệ – trọng tâm toàn cầu sẽ tự nhiên chuyển sang Đông Á, trong đó Trung Quốc là một cực lớn.
Tuy nhiên, Đông Á – với địa lý của nó – là một khu vực hàng hải rộng lớn với vô số bờ biển. Nếu thế kỷ trước chứng kiến các cuộc tranh giành giữa các quốc gia châu Âu – khi đó là các cường quốc dân tộc đang trỗi dậy – ở những biên giới đất liền, thế kỷ hiện tại sẽ chứng kiến các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cố gắng khẳng định sự thống trị của họ trên các tuyến đường biển.
Và Biển Đông là trung tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực hàng hải mới này. Trung Quốc, cường quốc hồi sinh mạnh mẽ, rõ ràng muốn thống trị nơi đây. Thế nhưng, có một lỗ hổng trong tư duy của người Trung Quốc. Các cuộc cạnh tranh ở châu Âu trong thế kỷ trước đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc. Nếu một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn nổ ra ở Đông Á ngày hôm nay, nó sẽ trở nên thảm khốc hơn nhiều lần vì các loại vũ khí sẽ được sử dụng tùy tiện.
Có thể Trung Quốc nghĩ rằng mối đe dọa của cuộc chiến tranh tàn phá sẽ thực sự ngăn chặn chiến tranh trong khu vực, hoặc cũng có thể họ cảm thấy rằng các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á quá liên kết với nhau về kinh tế nên khó có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Và trong kịch bản này, Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể từ từ leo lên và khẳng định mình ở Biển Đông mà không cần phải gây ra một cuộc xung đột.
Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á
Tuy nhiên, mọi hành động đều có phản ứng khác nhau; các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia có lợi ích ở khu vực này chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang “mời gọi” các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Mỹ và các quốc gia ASEAN đang tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn 1.000 binh sỹ. Sau đó tại Maldives, Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 3-4 tháng Chín với trọng tâm là an ninh và tự do hàng hải, thực thi Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phát triển các cơ chế thể chế khu vực hiệu quả để hiện thực hóa các quy tắc quốc tế. Hội nghị có sự tham dự của thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, Singapore và Maldives.
Và mới đây, trong chuyến thăm chính thức của Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad tới Việt Nam, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về những diễn biến trong khu vực do Trung Quốc gây ra. Họ cũng nhất trí rằng tất cả các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không dùng đến các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và tuân theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Thêm vào đó, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
Trung Quốc vi phạm tất cả những điều này – họ đã xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa một số thực thể và từ chối phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 vốn phủ nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích làm đối trọng với Trung Quốc. Và nếu Bắc Kinh tiếp tục thể hiện sự hung hăng ở Biển Đông, mọi chuyện sớm hay muộn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu điều đó xảy ra, một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn.
Ngay cả trong thời gian sắp diễn ra các cuộc chiến tranh thế giới, những sự cố nhỏ, ban đầu bị bỏ qua đã leo thang thành những vấn đề lớn hơn nhiều. Khả năng những sai lầm tương tự sẽ diễn ra ở Biển Đông. Và xung đột sẽ là thảm họa cho tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc.
Ngay cả khi xung đột không xảy ra, các căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không mang lại lợi ích cho sự phát triển và tăng trưởng của các nước trong khu vực. Cái giá phải trả sẽ là rất lớn và Trung Quốc thực sự sẽ bị thiệt hại nếu họ chọn chủ nghĩa đơn phương thay vì cách tiếp cận đa phương.
Rudroneel Ghosh là nhà báo có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ. Hiện tại ông là Editor cho tờ Thời Báo Ấn Độ. Bài báo được đăng trên tờ The Times of India.
***
Nguyên bản Anh ngữ: Big Brother Bullying: China’s actions in the South China Sea are bound to lead to counter-mobilisation, Rudroneel Ghosh, The Times of India, September 4, 2019.
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông
No comments:
Post a Comment