Theo VOA-Mặc Lâm/13/09/2019
Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ.
Luật Dẫn độ đã xuất hiện rất lâu trong thế giới Tây phương, nó cho phép các nước ký kết với nhau chia sẻ những thông tin giữa hai phía. Nó cũng cho phép tội phạm của nước này có thể bị nước kia bắt và gửi trả về nguyên quán. Tuy nhiên đó là những nghi phạm can tội tại nước của mình như tham nhũng hay các tội hình sự khác.
Có những trường hợp đặc biệt khi một người bị đất nước của họ kết án tội phạm chính trị vì có những lời nói, hành động chống lại chính quyền thì đa số các nước trong thể chế dân chủ sẽ có điều khoản từ chối dẫn độ vì làm như vậy thì người bị cáo buộc có thể bị những bản án rất nặng nề mà một đất nước dân chủ thật sự không cho phép. Đây là điều mà dân chúng Hong Kong đang lo lắng và cực lực phản đối luật dẫn độ do Trung Quốc gợi ý và bà trưởng đặc khu đề nghị.
Cũng có những điều khoản ngoại lệ trong luật dẫn độ nếu tội phạm bị trả về nguyên quán sẽ bị tử hình thì nước thứ hai sẽ không dẫn độ đương sự về bản quốc để thụ án vì lý do nhân đạo.
Một trong những điều khoản thông thường nhất là tội phạm can án tại quốc gia nào thì quốc gia ấy trực tiếp dùng luật lệ của mình để xử lý hành vi của nghi can và chỉ trả đương sự về nước sau khi thi hành án. Theo lời Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12 tháng 8 năm 2019 giải thích về luật dẫn độ như sau:
“Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam.”
Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam lại khác với thông lệ thế giới, ngay cả khác với những quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam khi nhiều tội phạm quốc tịch Trung Quốc đến Việt Nam gây án lại “được” dẫn độ về Trung Quốc mà không qua xét xử khiến dư luận ngỡ ngàng và rất nhiều câu hỏi đặt ra về hiện tượng này.
Tháng 8 năm 2019 vừa qua, 395 tội phạm người Trung Quốc bị phát hiện và bắt giữ tại Hải Phóng vì tổ chức đánh bạc trong khu vực mà Việt Nam cho phép họ dùng để làm resort. Chỉ mấy ngày sau phía Việt Nam đã dẫn độ 395 tội phạm này cho phía Trung Quốc.
Ngày 27 tháng 8 , Việt Nam cũng đã trao trả 28 người Trung Quốc cho Cục Công an TP Đông Hưng của Trung Quốc để xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam.
Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thông tin về lý do trao trả 395 người trong đường dây đánh bạc bị bắt tại khu đô thị Our City cho Trung Quốc. Ông Lê Quý Vương lý giải việc trao trả 395 "con bạc" cho Trung Quốc là do Việt Nam và Trung Quốc ký thỏa thuận về hợp tác trong công tác phòng chống tội phạm.
Một vài tuần sau, một đường giây ma túy cực lớn bị phát hiện tại Bình Định, bốn nghi can người Trung Quốc bị bắt tại hiện trường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh lại ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người này về hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng và buộc phải trở về Trung Quốc. Đây là 4 trong số 6 đối tượng liên quan đến 2 kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa bị Công an tỉnh Bình Định phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt giữ vào ngày 6-8.
Đường giây ma túy này lớn đến nỗi có chân rết tại nhiều tỉnh thành đã bị phát hiện tại thành phố HCM, Kom Tum và đang tiếp tục điều tra tại nhiều nơi khác. Tất cả 14 nghi can đều là người quốc tịch Trung Quốc sang Việt Nam với mục đích duy nhất là sản xuất và phát tán một lượng lớn ma túy cho người tiêu thụ tại Việt Nam. Tuy chưa có quyết định về số phận của những tội phạm người Trung Quốc này nhưng dư luận cho rằng họ sẽ được dẫn độ về Trung Quốc như 4 phạm nhân tại Bình Định.
Rất ít người dân biết được luật dẫn độ đã được Việt Nam ký với Trung Quốc, theo VOA dẫn lại nhiều nguồn từ Trung Quốc thì Hiệp định Dẫn độ gồm 22 điều khoản, bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, những lý do có thể và nên được sử dụng để từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp.
Hiệp định này được Hội đồng Nhà nước ủy quyền, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau, đã bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam hồi tháng 10 năm 2013. Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh.
Cho tới nay chưa có thông tin chi tiết nào từ luật dẫn độ được chính phủ Việt Nam ban hành vì vậy khi có một cuộc dẫn độ xảy ra ngay cả các luật sư là người phải am tường luật này cũng chịu thua và chỉ suy đoán căn cứ theo Bộ luật hình sự Việt Nam. Việc ký kết này được xem là mờ ám và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm Hiến pháp Việt Nam và pháp luật Việt Nam bị những người đặt bút ký Luật này với Trung Quốc thông đồng với Bắc Kinh làm cho đất nước bị đối xử như một mảnh đất vô pháp luật.
Người dân Việt Nam cần biết rõ Luật Dẫn độ ký kết với Trung Quốc có được thông qua Quốc Hội hay không và vì lý do gì báo chí không công khai cho người dân biết. Người dân Việt Nam cũng rất cần biết tại sao nhà nước Việt Nam ưu tiên cho người Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng rất lớn và không kiểm soát tất cả mọi công việc họ làm trên đất nước này để khi xảy ra vụ việc sản xuất ma túy với số lượng cực lớn thì người dân mới biết tới Luật dẫn độ mà thực chất là dẫn tội phạm về bản xứ đề tránh bị xét xử tại tòa án Việt Nam.
Phải chăng Trung Quốc là đất mẹ mà Việt Nam cần đưa người dân của họ về cũng như Hong Kong, Trung Quốc muốn bắt ai thì bắt qua Luật Dẫn độ đang gây phân rã mảnh đất kiên cường này. Việt Nam không phải là Hong Kong và vì vậy người dân có quyền biết những điều mà chính phủ Việt Nam đang cố giấu.
No comments:
Post a Comment