Saturday, September 14, 2019

Chinazi là gì?

”...giới lãnh đạo Trung Cộng luôn sống trong tình trạng bất an khi nghĩ về ngày vĩnh biệt không thể tránh khỏi của chế độ CS tại lục địa Trung Hoa. Để kéo dài sự sống, họ không có chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và bằng mọi cách để phát triển kinh tế...”
chinazi02
Trên internet đang tràn ngập hình ảnh, biểu tượng ChinaZi. Chinazi một cách dễ hiểu là ghép hai chữ China và Nazi. Đây không phải là danh từ mới mà bắt nguồn từ tác phẩm ChinaZi của nhà văn Trung Quốc lưu vong Yu Jie xuất bản năm 2018 và đang được dùng một cách phổ biến trong cuộc nổi dậy tại Hong Kong hiên nay.
Việc tố cáo chế độ CS dưới thời Tập Cận Bình tương tự như Đức Quốc Xã Hitler cũng không phải chỉ phát xuất từ sự “nổi giận” của tuổi trẻ Hong Kong mà còn là nhận xét của nhiều lãnh đạo quốc gia, chính trị gia trên thế giới.
Thế giới còn khá nhiều nước độc tài như Bắc Hàn, CSVN, Cuba, Lào, Uzbekistan, Turkmenistan v.v.. nhưng chỉ có Trung Cộng là được đem ra so sánh với Đức Quốc Xã vì cả hai có nhiều đặc điểm giống nhau.
Những đặc điểm giống nhau căn bản giữa Chinazi và Nazi
Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình và ngày nay Tập Cận Bình, giống như Hitler đều dùng yếu tố chủng tộc để khích động lòng yêu nước cực đoan; triệt để khai thác hận thù trong quá khứ giữa các quốc gia; tận dụng các kỹ thuật tuyên truyền tinh vi để tẩy não, đầu độc, vận dụng và điều khiển nhận thức người dân; chủ trương bành trướng, mở rộng biên giới để chiếm đoạt tài nguyên nhằm phục vụ cho các mục đích kinh tế và bá quyền nước lớn.
1) Yếu tố chủng tộc ưu việt
Giống như quan điểm của Hitler đề cao chủng tộc Aryan, Đặng Tiểu Bình và ngày nay Tập Cận Bình đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán.
Edward Friedman, một chuyên viên về Trung Cộng tại đại học Wisconsin phát biểu “Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền 1977, chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống Nhật đã trở thành chất keo giữ chặt xã hội lại với nhau.”
Ngoài 1.2 tỉ người gốc Hán đang sống tại lục địa còn có 22 triệu người gốc Hán tại Đài Loan, 6 triệu người gốc Hán tại Hong Kong, 10 triệu người gốc Hán tại Nam Dương, gần 4 triệu người gốc Hán tại Singapore và hầu như khắp nơi trên thế giới nước nào cũng có người gốc Hán.
2) Khai thác hận thù trong quá khứ giữa các quốc gia
Giống như chủ trương của Hitler khai thác nội dung trừng phạt Đức nặng nề trong hiệp ước Versailles, Đặng Tiểu Bình và ngày nay Tập Cận Bình đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan bằng cách khích động lòng thù hận với các nước Tây phương qua các hiệp ước bất bình đẳng dưới thời nhà Thanh.
Các lãnh tụ CS Trung Quốc nhiều lần nhắc đến “100 năm sỉ nhục”, thời gian Trung Quốc bị các đế quốc khinh thường. Phần dẫn nhập của hiến pháp Trung Cộng 1982 nhấn mạnh đến những vết nhục trong thời gian bị nước ngoài chia năm, xẻ bảy và công lao thống nhất đất nước của đảng CS. Quá khứ “100 năm sỉ nhục” để lại dấu ấn sâu đậm trong nhận thức của người dân và được đảng CS khai thác tận tình. Bất cứ hành động nào trong quan hệ ngoại giao quốc tế, bất lợi cho Trung Cộng, câu chuyện “100 năm sỉ nhục” lại được nhắc đến.
Ngay cả việc chính phủ các nước tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, bán võ khí cho Đài Loan, chỉ trích chính sách ngăn chận Internet của Trung Cộng, cũng được bộ máy tuyên truyền CS giải thích cho nhân dân Trung Quốc đó là những hành động khơi dậy “100 năm sỉ nhục” và xúc phạm đến danh dự của Trung Quốc.
3) Tận dụng các kỹ thuật tuyên truyền để đầu độc nhân dân
Giống như Hitler chủ trương “Một dân tộc, một quốc gia, một lãnh tụ”, bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng lập đi lập lại rằng chỉ có đảng CS mới là cứu tinh để phục hồi Trung Quốc như một cường quốc vốn từng vang danh năm ngàn năm.
Một trong những lý luận quan trọng trong là việc thay đổi khái niệm từ “trung thành với giai cấp” sang “trung thành với quốc gia” nhưng “trung thành với quốc gia” trước hết phải “trung thành với đảng Cộng Sản”.
Tại Trung Cộng không có báo chí đúng nghĩa để chuyển tải tin tức giữa hai nguồn một cách khách qua mà chỉ là phương tiện tuyên truyền độc quyền của đảng.
Không giống như giai đoạn đầu của chính sách đổi mới chỉ có vài tờ báo đảng, Trung Cộng hiện có trên hai ngàn tờ báo, chín ngàn tạp chí nhưng tất cả tập trung vào mỗi một mục tiêu là củng cố vai trò lãnh đạo của đảng CS.
Trang đầu của các báo gần như giống nhau với khuôn mặt tươi cười của các lãnh đạo đảng và nhà nước CS, với những thành tựu kinh tế chính trị.
Không có tờ báo nào có bộ phận tin quốc tế độc lập và tất cả đều trích từ bản tin thế giới tổng hợp hàng ngày của Tân Hoa Xã. Bản tin quan trọng quốc nội và quốc tế lúc 7 giờ tối của hệ thống truyền hình cũng đọc lại tin của Tân Hoa Xã.
Để tiết giảm chi phí, sau này nhà nước tư hữu hóa các đài truyền hình, tuy nhiên, các tin tức quan trọng ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại vẫn bị kiểm duyệt và chi phối bởi một cơ quan thông tin trực thuộc trung ương đảng CS.
4) Bành trướng, mở rộng biên giới để chiếm đoạt tài nguyên nhằm phục vụ cho các mục đích kinh tế và bá quyền nước lớn
Đây là điểm quan trọng nhất vì không chỉ ảnh hưởng trong khu vực mà cả thế giới.
Giống như Hitler, Đặng Tiểu Bình và ngày nay Tập Cận Bình chủ trương chiếm các nguồn tài nguyên năng lượng để nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh, mở rộng biên giới, độc chiếm tài nguyên để nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế.
Song song với phát triển kinh tế, Trung Cộng, nơi cư ngụ của một phần năm nhân loại, cũng chuyển mình từ một một nền kinh tế tự túc xã hội chủ nghĩa để dần dần trở thành một xã hội tiêu thụ. Nhu cầu năng lượng, vì thế, trở nên bức thiết.
Tháng 8, 2018, Andrew Hastie, một lãnh đạo quốc hội Úc có ảnh hưởng trong lãnh vực tình báo cũng cảnh cáo Úc chính sách bành trướng đầy tham vọng của Tập Cận Bình và sự ngây thơ của các lãnh đạo thế giới tự do rằng Trung Cộng sẽ tự dân chủ hóa qua phát triển kinh tế. Ông đưa ra một thí dụ hay về lòng tự mãn của Pháp vào phòng tuyến Maginot để rồi cường quốc thực dân hùng mạnh nhất nhì thế giới phải đầu hàng Hitler chỉ sau 46 ngày.
Chủ nghĩa Đại Hán là con dao hai lưỡi
Giáo sư Susan L. Shirk, nguyên Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách Trung Cộng nhận xét trong lúc ảnh hưởng của Trung Cộng ngày càng mạnh trên trường quốc tế, quốc gia này lại rất mong manh trong nội bộ.
Trong tác phẩm “Trung Quốc, Siêu Cường Dễ Vỡ” (China Fragil Superpower), Giáo sư Susan L. Shirk nhận xét giới lãnh đạo Trung Cộng luôn sống trong tình trạng bất an khi nghĩ về ngày vĩnh biệt không thể tránh khỏi của chế độ CS tại lục địa Trung Hoa.
Để kéo dài sự sống, họ không có chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và bằng mọi cách để phát triển kinh tế.
Ngày nay, chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển đến một giai đoạn không còn kiểm soát được đang trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của đảng CS và bộ máy độc tài.
chinazi01
Trần Trung Đạo
(Các ý chính trích từ tác phẩm Chính luận Trần Trung Đạo)

No comments:

Post a Comment