Tuesday, July 30, 2019

Có cần Đảng ‘tuyên truyền, giáo dục’ căn kẽ hơn chuyện Biển Đông?

Theo VOA-Trân Văn/30/07/2019 
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Cuối tuần rồi - ngày 26 tháng 7 – bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tố cáo: “Từ tháng 5 đến nay, Việt Nam vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính” và theo bà: “Trung Quốc đang liên lạc với Việt Nam để thể hiện quan điểm của mình” (1).
Trong tương quan Việt – Trung về chủ quyền tại biển Đông, có lẽ thông tin vừa kể là đáng chú ý nhất trong chuỗi thông tin liên quan đến sự kiện Trung Quốc điều động các tàu có vũ trang, hộ tống tàu Haiyang Dizhi 8 vào thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tố cáo của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng, người Việt nên đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “tuyên truyền, giáo dục” cặn kẽ hơn…
***
Cho đến giờ này, sự kiện Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để thăm dò dầu khí đã được xác định là xảy ra từ đầu tháng 7.
Cũng vì vậy, câu hỏi đầu tiên người Việt nên đòi đảng tổ chức “tuyên truyền, giáo dục” để biết tại sao sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội - vẫn cùng chín Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN (BCH TƯ đảng CSVN) đang nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Quốc hội (như Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội), chính phủ (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Thứ trưởng Ngoại giao), chưa kể hàng loạt viên chức cao cấp khác của đảng CSVN (Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra BCH TƯ đảng CSVN, Phó Ban Đối ngoại BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang), của chính phủ Việt Nam (Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, Thứ trưởng Công Thương), của các đoàn thể (Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư),… sang thăm Trung Quốc?
Tại sao không hủy chuyến thăm như một cách phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông? Tại sao vẫn duy trì phái đoàn với thành phần hùng hậu như vậy để bày tỏ thành tâm, thiện ý với Trung Quốc (2)?
***
Câu hỏi thứ hai người Việt nên đề nghị đảng tổ chức “tuyên truyền, giáo dục” để biết tại sao trong khi các loại tàu Trung Quốc đang ngang dọc thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam mà các cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN như báo Nhân Dân, của chính phủ như báo điện tử chính phủ vẫn khẳng định với “đồng chí, đồng bào” rằng, “quan hệ Việt – Trung là tài sản quý báu cần gìn giữ, kế thừa và phát triển” (?), vẫn nhấn mạnh “quan hệ hai nước sẽ phát triển theo chiều sâu, ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”, tiếp tục bày tỏ mơ ước “mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực, duy trì xu thế phát triển tích cực của quan hệ hai nước” (?). Thậm chí qua Thông tấn xã Việt Nam, ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc còn khoe đã thiết lập khoảng “60 cơ chế giao lưu, hợp tác” và chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn do bà Ngân dẫn đầu “sẽ giúp củng cố sự tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới” (3)!
***
Câu hỏi thứ ba người Việt nên đề nghị đảng tổ chức “tuyên truyền, giáo dục” để biết tại sao ngày 19 tháng 7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai lên án Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông, đồng thời loan báo đã tiếp xúc với Trung Quốc nhiều lần qua các kênh khác nhau, đã trao công hàm phản đối (4) nhưng Trung Quốc không thèm bận tâm mà ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, vẫn tiếp tục dẫn một phái đoàn nữa, lần này thay mặt đảng CSVN sang Trung Quốc tham dự “Hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa hai đảng cộng sản”?
Cứ như báo chí Việt Nam tường thuật thì ông Thưởng có “đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển quan hệ hai nước”. Tuy nhiên với thực tế quan hệ Việt – Trung như đã biết, ai tin Trung Quốc sẽ nghe “đề nghị” của ông Thưởng khi mục tiêu chính trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Thưởng - mối quan tâm hàng đầu của đảng CSVN - vẫn chỉ là ước muốn “thúc đẩy quan hệ hai đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định trong thời gian tới” và tìm kiếm “phương hướng triển khai hợp tác, giao lưu giữa bộ phận tuyên giáo, tuyên truyền hai đảng” (5)?
***
Từ ba câu hỏi chính như đã đề cập, có lẽ người Việt nên đề nghị đảng tổ chức “tuyên truyền, giáo dục” để tìm lời đáp cho câu hỏi thứ tư: Với đảng, chủ quyền quốc gia tại biển Đông quan trọng hơn hay tìm kiếm hậu thuẫn từ Trung Quốc để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng tại Việt Nam quan trọng hơn?
Chẳng riêng người Việt, đảng cũng hiểu rất rõ dã tâm của Trung Quốc. Những bài viết trên Nhân Dân, trên báo điện tử của chính phủ, những nhận định của Đại sứ Đoàn Minh Khôi về sự “quý báu” của quan hệ Việt – Trung mà Thông tấn xã Việt Nam phát tán khi bà Ngân dẫn một phái đoàn hùng hậu, đại diện cho cả đảng, lẫn quốc hội, chính phủ, các đoàn thể chính trị tại Việt Nam, sang thăm Trung quốc sau khi đảng cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức xong đại hội thứ 19, hoàn toàn không dành cho Trung Quốc, tất cả những lời được gắn cánh để nâng quan hệ Việt – Trung bay cao là dành cho “đồng đội, đồng chí, đồng bào”. Ngay cả “đề nghị” của ông Thưởng – được hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam loan báo rộng rãi – cũng vậy. Mục tiêu của tất cả những lời lẽ tốt đẹp hay được tụng ca là “thẳng thắn” đều nhắm vào người Việt, giữ cho họ không quá sốt ruột rồi vọng động, không có lợi cho nỗ lực duy trì sự “ổn định chính trị” tại Việt Nam của đảng.
Đó cũng là lý do tuy đảng không tụng “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” nữa song “tuyên truyền, giáo dục” về quan hệ Việt – Trung vẫn thế, bất kể Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền tại biển Đông, chưa bao giờ chấm dứt những hành động nhằm khẳng định, vùng biển vốn thuộc về người Việt là… của Trung Quốc!
***
Câu hỏi thứ năm người Việt nên đề nghị đảng tổ chức “tuyên truyền, giáo dục” để biết: Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục bày tỏ thành tâm, thiện ý qua việc cử bà Ngân dẫn đầu một phái đoàn hơn 20 viên chức cao cấp sang thăm Trung Quốc, rồi cử ông Thưởng dẫn thêm một phái đoàn khác bày tỏ quyết tâm “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” theo gương Trung Quốc, bất chấp Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn không thèm… chứng, vẫn khơi khơi “tố cáo”: “Việt Nam vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính” thì trong mắt đảng, quan hệ Việt – Trung có còn “quý báu” hay không? Trung Quốc xâm hại chủ quyền quốc gia tới mức nào thì quan hệ Việt – Trung mới hết “quý báu”?
Tại sao nửa tháng sau khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam biển Đông, lúc dư luận đã sôi sùng sục vì người Việt chỉ có thể tìm biết về diễn biến trên hệ thống truyền thông quốc tế, mạng xã hội thì hệ thống truyền thông chính thức mới lên tiếng, Bộ Ngoại giao mới phản đối? Sự phản đối mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao, của hệ thống truyền thông chính thức, kể cả mượn miệng người ngoài để nói về “nhịn nhục và phẩm giá dân tộc” (6) nhằm “đối ngoại” hay “đối nội”? “Tố cáo” của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, giống như trước nay, “đối ngoại” là hoàn toàn vô ích, làm sao hữu ích khi Trung Quốc hiểu tường tận đảng muốn gì! Còn “đối nội”, đa số dân chúng đều tự cho là không cần phải bày tỏ thái độ của họ nữa! Xả “áp suất”, giảm áp lực dư luận theo phương thức đó lợi hay hại? Sẽ dùng được bao nhiêu lần?
Chú thích

No comments:

Post a Comment