Không một nhà nào bẩn bằng nhà mà chính chủ nhà xem nó là bãi rác. Đất nước Việt Nam nơi nào ghi bản “cấm đổ rác” thì nơi đó là chứa đầy rác rến vứt bừa bãi. Bởi vì sao? Bởi vì trong đầu người dân họ đâu có xem nơi “cấm đổ rác” là chỗ phải giữ gìn vệ sinh mà họ xem đó nơi đó là chỗ vứt rác.
Không việc gì thành công nếu trong đầu con người đã chứa tư tưởng thất bại, và nguy hiểm hơn là buông xuôi cho thất bại ngự trị như là sự hiển nhiên. Đấy là tình trạng đáng buồn đang ngự trị trong suy nghĩ người Việt. Loại suy nghĩ này nó rải khắp từ giới có học đến giới bình dân, nó tạo thành một dân tộc ù lì không có chí tiến thủ.
Trong quốc gia 100 triệu dân, chừng vài ngàn người lên tiếng cho bất công thì làm sao xã hội có công bằng? Một tên dâm ô với phụ nữ trong thang máy, chính quyền phạt tên này 200 ngàn nhưng dân chỉ bàn tán không hành động để đòi pháp luật thực thi thì chính quyền đâu có dại gì nó thực thi pháp luật? Cho nên đất nước này như một bãi rác. Tên này dâm ô thì phạt 200 ngàn thì tên khác thấy cái giá quá rẻ nên hết chỗ này đến chỗ khác, kẻ phạm tội thi nhau dâm ô. Pháp luật được ví như cây chổi, những trò dung túng cho bọn tội phạm là thứ rác rến độc hại. Khi xã hội này rác rưởi xả ra đầy nhà, nhưng chính quyền – kẻ đang nắm cây chổi ấy không chịu quét, thì rõ ràng chính quyền đã xem đất nước Việt Nam là bãi rác rồi còn gì?
Trên báo Thủy Sản Việt Nam ngày 08/05/2015 có đăng bài “Số tôm xuất khẩu bị trả về tăng đột biến”. trong bài báo này cho biết thị trường EU và Nhật Bản đã test mẫu tôm Việt Nam dính những thứ chất cấm nên họ trả về. Lượng trả về vô cùng lớn, bằng 40% lượng tôm xuất khẩu cả năm trước đó. Thế nhưng lượng tôm này về nước sẽ xử lý như thế nào không hề nghe thấy một tờ báo nào nói. Khi đó, bạn tôi một người làm trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đã giải quyết thắc mắc của tôi rằng, có chỉ đạo đưa số hàng này về tiêu thụ ở hệ thống siêu thị tại Việt Nam.
Không biết những lời nói của bạn tôi thực hư như thế nào, nhưng khi chính quyền đã giúp Masan năm lần bảy lượt ra tay với những doanh nghiệp nước mắm truyền thống giúp loại chai nước hóa chất giống nước mắm được ưu ái độc chiếm thị trường Việt Nam, thì lời nói của ông bạn ấy, tôi nghĩ là có cơ sở. Hôm nay trên báo lại xuất hiện tin 18.000 chai tương ớt Chin Su của Masan bị Nhật Bản thu hồi vì vướng vào vấn đề hóa chất. Chắc chắn với phết như thế này thì sản phẩm của Masan khó lòng trụ lại thị trường Nhật Bản. Vậy lượng hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ được Masan hủy chắc? Tôi nghĩ không bao giờ, vì Masan đang có một chính quyền bất nhân đang hậu thuẫn mình ở Việt Nam. Nhật chê thì mang về đổ vào mồm dân Việt thôi, chuyện đó đơn giản.
Vấn đề là trên báo chí, Masan không ngần ngại thông báo rằng “lô tương ớt chin Su là lô hàng dành riêng cho thị trường Việt Nam”. Tại sao Masan không ngần ngại vênh mặt thách thức nhân dân Việt Nam. Thì ra những nhà viết ra tiêu chuẩn đã viết sẵn rồi, những thứ nước ngoài cấm thì Việt Nam cho phép và bằng tiêu chuẩn của nhà nước hẳn hoi. Vậy rõ ràng là, chính quyền xem 100 triệu cái miệng của nhân dân là sọt rác muốn vứt gì vào trong đó là vứt, bất chấp sức khỏe của giống nòi.
Như vậy qua đây ta thấy gì? Việt Nam đang là một bãi rác. Chính quyền xem nó là đống rác muốn vứt gì cũng được, doanh nghiệp sân sau thì cũng xem 100 triệu bao tử là 100 triệu bọc rác muốn rót gì vào đấy cũng được. Thứ gì thế giới không xài được thì bọn này mang về vứt vào đấy. Hay như kế Việt Nam, Trung Cộng đang muốn vứt hàng loạt công nghệ lạc hậu nhưng không có chỗ vứt, chính quyền CSVN rước vô số những thứ rác ấy về Việt Nam.
Việt Nam hiện nay, xét về khía cạnh nào cũng là bãi rác. Về chính trị cũng là bãi rác, về kinh tế cũng là bãi rác, về môi trường cũng là bãi rác, về giáo dục thì cũng là bãi rác, về công nghệ cũng là bãi rác. Một chủ nhà, không bao giờ muốn kẻ khác vứt rác vào nhà mình. Nếu có ai vứt, mình phải lên tiếng và ngăn chặn. Như vậy, nhân dân Việt Nam họ đang nghĩ gì? Họ không hề nghĩ rằng họ là chủ đất nước này nên chấp nhận tất tần tật mọi thứ rác vứt vào đấy. Biết rằng vẫn có một lượng người nhất định lên tiếng cho đất nước này trong tâm thế của người chủ, nhưng số này rất ít không đủ bù đắp cho đa số đang chứa một tâm thức kẻ ở nhờ. Một khi nhân dân từ chối làm chủ đất nước mình, tự xem mình là kẻ ở nhờ, kẻ tá túc, hay tệ hơn xem mình là nộ lệ cho kẻ nắm quyền, thì đất nước này có tồn tại vững bền được không? Khó lắm!
Căn bệnh khó trị nhất của dân tộc này không phải là ung thư, không phải là xã hội bất an, không phải là giáo dục thối nát, không phải là môi trường ngày một ô nhiễm, không phải là nguy cơ hán hóa. Đấy chỉ là triệu chứng của căn bệnh chứ không phải là nguyên nhân căn bệnh. Nguyên nhân gốc là tâm bệnh của người dân Việt Nam. Chính họ không xem họ là những kẻ làm chủ đất nước./.
No comments:
Post a Comment