WASHINGTON, DC (NV) – Có những dấu hiệu cho thấy CSVN nhích lại gần Mỹ hơn nhưng rất nhẹ nhàng để không làm Bắc Kinh tức giận, theo sự nhận xét của một số nhà phân tích được báo Washingtion Examiner phỏng vấn.
Khi Tổng thống Donald Trump đến Hà Nội họp thượng đỉnh với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un với hy vọng giải trừ võ khí nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên, ông cũng đã gặp với Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Trump đã có những lời cảm ơn nước chủ nhà đã nhận đứng ra phối hợp tổ chức cuộc họp Thượng Ðỉnh Trump-Kim cũng như ca ngợi nước chủ nhà nhiều điều. Ông cũng đã từng bắn tiếng khuyên Bắc Hàn nên theo mô hình mở cửa của Việt Nam, cởi trói cho dân hầu có thể phát triển kinh tế nhanh chóng.
Việt Nam đã ký “Thỏa hiệp đối tác toàn diện” với Hoa Kỳ từ năm 2013 khi ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Hoa Thịnh Đốn. Những từ “đối tác chiến lược” không được dùng vì nhạy cảm đối với Bắc Kinh trong khi Hà Nội vẫn là “đồng chí anh em núi liền núi sông liền sông” với cộng sản Trung Quốc.
Đến cuối Tháng Năm, 2016, Tổng Thống Barack Obama đến Hà Nội tuyên bố nước Mỹ chính thức loại bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng Mười Một, 2017, Tổng Thống Donald Trump đến Hà Nội kêu gọi Việt Nam mua sắm các loại võ khí tốn tân của Mỹ mà ông ca tụng tối tân nhất thế giới.
Nhiều đại công ty sản xuất võ khí của Mỹ cũng đã đến Việt Nam chào hàng. Nhiều phái đoàn quân sự cấp cao của hai bên đã đến thăm viếng, làm việc rất nhiều lần những năm gần đây. Nhưng số lượng võ khí mà Việt Nam mua hoặc được Mỹ viện trợ thì còn rất giới hạn. Năm ngoái, tin tức truyền thông quốc tế cho hay trong năm qua, Việt Nam nhận từ Mỹ một số lượng võ khí chưa tới 100 triệu đô la gồm một ít tàu tuần duyên nhỏ, máy bay trinh sát không người lái cỡ nhỏ, tàu cảnh sát biển.
Gần đây, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương khi điều trần ở Quốc Hội tiết lộ rằng Việt Nam mua của Mỹ một số máy bay huấn luyện phi công chiến đấu và sắp được cung cấp thêm một tàu cảnh sát biển nữa. Điều này khiến người ta suy luận rất có thể Việt Nam mua của Mỹ một số máy bay khu trục F-16 đang cho nghỉ hưu, phơi nắng tại sa mạc Arizona.
“Theo tôi, quan điểm của chính phủ Hoa Thịnh Đốn là Việt nam và Mỹ có cùng những lợi ích an ninh mà trên đỉnh điểm của nó là những âu lo về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.” Ông Zack Cooper, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu American Enterprise Institute, chuyên quan tâm về các vấn đề đồng minh Mỹ tại Á Châu, nói với báo Washingtion Examiner.
Theo nhận xét của ông thì “Việt Nam đã kháng cự lại một cách mạnh mẽ một số hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nên đã gây được sự chú ý ở Hoa Thịnh Đốn. Do vậy, chính phủ (Mỹ) muốn có những đối tác cùng hợp sức chống lại vì lợi ích chung.”
Khi ông Trump đến Hà Nội hồi tuần qua, ông đã chứng kiến cuộc ký kết của hai hãng máy bay dân dụng của Việt Nam mua 110 máy bay Boeing 737 trị giá hơn $21 tỷ và sẽ tạo ra 83,000 việc làm ở Mỹ. Các cuộc thảo luận song phương giữa hai phái đoàn tập trung vào các vấn đề từ thương mại, phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên đến gia tăng hợp tác mọi mặt từ kinh tế xã hội đến an ninh quốc phòng, theo lời phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói với báo chí.
“Hà Nội rất muốn có mối quan hệ phát triển sâu rộng hơn với Hoa Thịnh Đốn và muốn có một hiệp định tự do thương mại với chính phủ Trump để họ tự đảm bảo là không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường và người tiêu thụ Trung Quốc.” Lời ông Harry Kazianis, phân tích gia tại trung tâm nghiên cứu Center for National Interest.
Theo ông Kazianis “Việt Nam cũng rất muốn mua một số lượng lớn võ khí tối tân của Mỹ và tôi còn nghe thấy nhiều nhà ngoại giao ở Hà Nội đề cập tới một thứ liên minh Mỹ-Việt Nam chống lại Trung Quốc trong tương lai.”
Những lý do vừa kể nhiều phần đã thúc đẩy cả Mỹ và Việt Nam vận động chọn Hà Nội là nơi họp thượng đỉnh cho tổng thống Trump với chủ tịch Bắc Hàn.
“Nó chứng tỏ cho thế giới biết Hoa Thịnh Đốn tin tưởng Hà Nội đến đâu khi để cho họ làm đầu cầu cho một cuộc họp thượng đỉnh tế nhị, mà cả hai đều nhận thấy mối quan hệ song phương là thiết yếu,” ông Kazianis nói.
Thật ra, cả Mỹ cũng như Việt Nam đều hiểu sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Việt Nam tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trong khi Mỹ đang có chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, hiện đang đàm phán để có một thỏa hiệp. Để chống lại ảnh hưởng cũng như áp lực Trung Quốc, Việt Nam cần đối tác chiến lược.
“Có những âu lo gia tăng ngày một nhiều hơn ngay trong chính phủ ông Trump về những thách đố mà nước Mỹ phải đối diện về một nước Trung Quốc ngày càng phát triển kinh tế cho dù hai bên có đạt được một thỏa hiệp để chấm dứt cuộc chiến kinh tế. Điều này còn kéo dài cho đến những thập niên về sau,” ông Kazianis nói, “Vì như vậy, một số viên chức chính phủ từng nói thẳng ra với tôi rằng họ coi Việt Nam là một trong nhiều đối tác ở khu vực có thể hợp tác chống lại khuynh hướng hà hiếp và bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như cả vùng Á Châu Ấn Độ Dương.”
Theo ông Cooper, Việt Nam thận trọng không muốn nghiêng về bên nào giữa hai cực Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh dù trong quá khứ từng có những xung đột đẫm máu. Tuy vậy “Những gì người ta nhìn thấy từ Việt Nam thì họ đang nghiêng về phía Mỹ hơn nhưng trong cách không làm Bắc Kinh nổi giận.” (TN)
No comments:
Post a Comment