HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Ba, báo Lao Động cho hay, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung thiết kế tổng thể nội dung trưng bày của Bảo Tàng Hà Nội.
Theo đó, bên cạnh một số chủ đề về lịch sử Thăng Long-Hà Nội, bảo tàng này còn có không gian trưng bày về cuộc chiến chống Pháp (1873–1954), chống Mỹ (1954–1975); Xây dựng CNXH; Cuộc sống thời bao cấp…
Theo báo Lao Động, tòa nhà Bảo Tàng Hà Nội đã hoàn thành năm 2010 với trị giá đầu tư 1,600 tỷ đồng (gần $69 triệu).
Bảo tàng được khởi công hồi năm 2008, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 54,000 mét vuông, cao 30.7 mét, gồm bốn tầng nổi và hai tầng hầm.
Đáng lưu ý, từ sau khi khánh thành, dường như bảo tàng có kiến trúc hình kim tự tháp ngược này mau chóng rơi vào tình cảnh ế khách.
“Báo chí phản ánh về tình trạng bảo tàng ngàn tỷ đồng này luôn trong tình trạng vắng khách như chùa bà Đanh,” tờ báo viết.
Tuy vậy, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vẫn cho Bảo Tàng Hà Nội tiếp tục thực hiện công đoạn đầu tư trưng bày hiện vật, với kinh phí dự trù khoảng 800 tỷ đồng (khoảng $34.4 triệu) từ ngân sách nhà nước.
Lẽ ra công đoạn này đã hoàn tất vào năm 2015 nhưng nay do được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.
Ông Trương Minh Tiến, cựu phó giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao Hà Nội, người từng có nhiều năm gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của Bảo Tàng Hà Nội, được báo Lao Động hồi Tháng Mười, 2018 dẫn lời: “Hiện Bảo Tàng Hà Nộ vẫn đang trong giai đoạn trưng bày tạm thời, mà đã là tạm thời thì chưa thể hấp dẫn được nên việc khách tham quan vắng cũng là điều dễ hiểu. Một công trình chưa hoàn thiện thì không thể đánh giá là lãng phí hay hiệu quả. Tuy vậy, nếu đẩy nhanh được quá trình hoàn thiện phần trưng bày hiện vật thì sẽ phát huy được giá trị của Bảo Tàng Hà Nội nhiều hơn.”
Bình luận về tình trạng vắng khách của các bảo tàng ngàn tỷ đồng ở Việt Nam, báo Sài Gòn Giải Phóng hôm 3 Tháng Ba giải thích: “Sự thờ ơ của người dân cũng từ những yếu kém của bảo tàng: Hoạt động trưng bày vẫn cũ kỹ, thiếu khoa học, chưa đa dạng, chưa đem lại sự hấp dẫn và hứng thú cho thế hệ trẻ. Sự đầu tư hiện nay cho công nghệ, trưng bày, ánh sáng, nghe nhìn chưa tương xứng, chưa hiện đại theo kịp đà phát triển của thời kỹ thuật số. Góp vào tình trạng ‘đìu hiu’ của các bảo tàng, cũng phải kể đến cơ chế xây dựng bảo tàng. Sai lầm lớn nhất là cơ chế xây dựng bảo tàng được giao cho ngành xây dựng chủ trì. Do không am hiểu về văn hóa bảo tàng, kết cục khi bên xây dựng giao nhà thì không phù hợp với chức năng khoa học của bảo tàng hiện đại. Không gian kiến trúc nhiều khi thiếu sự kết nối, khiến bảo tàng khó có thể sắp đặt hiện vật một cách logic, theo chủ đề câu chuyện trải dài theo bề dày lịch sử.”
“Hầu hết các bảo tàng tập trung chủ yếu vào tính chính trị, lịch sử dân tộc qua các thời kỳ, mà vắng bóng các loại bảo tàng chuyên ngành để khai thác các tư liệu, hiện vật còn nằm rải rác trong dân. Hoặc những loại bảo tàng khoa học đời sống giúp nâng tầm kiến thức văn hóa cho người dân,” cơ quan ngôn luận của Đảng Bộ thành phố ở Sài Gòn viết.
Trong khi đó, cũng theo báo Sài Gòn Giải Phóng, dự án Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam với mức đầu tư dự trù ban đầu lên đến 11,277 tỷ đồng ($485.8 triệu) đang được Bộ Xây Dựng CSVN hoãn tới năm 2021 mới tiến hành xây dựng “do chưa bố trí được kinh phí”. (T.K.)
No comments:
Post a Comment