Theo VOA-Trân Văn /28/02/2019
Một cuộc tuần hành của công nhân công ty Pou Yuen, Sài Gòn, phản đối chính sách bảo hiểm xã hội mới. Hình minh họa. (Ảnh: Thanh Niên Công Giáo)
Cuộc khảo sát mới nhất về công nhân - giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là đảng CSVN như ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN, tái khẳng định hồi tháng 9 năm ngoái (1) - tiếp tục làm người ta ái ngại không chỉ cho công nhân mà còn thêm lo âu cho kinh tế, xã hội Việt Nam.
Theo kết quả cuộc khảo sát vừa kể (do tổ chức Oxfarm và Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện) (2) thì gần… 100% công nhân không dám ăn uống gì bên ngoài nhà mình. Lý do: 75% không dành dụm được gì, 40% thường xuyên vay mượn từ nhiều nguồn để bù đắp chi tiêu do lương quá thấp.
Cho dù phải làm thêm giờ, kể cả làm việc trong giờ nghỉ trưa, tới mức 70% chưa bao giờ hoặc hiếm khi rảnh để thăm người thân, bạn bè, xa xỉ hơn là đi chơi nhưng có tới 50% không đủ ăn, phải vay để mua thực phẩm, khoảng 6% cho biết, cuối tháng, chỉ ăn cơm với canh suông.
Ở cũng không khá hơn. 23% cho biết đang cư trú ở những chỗ được xếp vào loại tạm bợ. Ăn, ở như thế nên 70% “thường xuyên đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp,…”. Sức khỏe suy sụp nhưng hơn 50% “không đủ tiền trang trải chi phí khám bệnh, chữa bệnh, mua thuốc”.
Đó cũng là lý do, khoảng 20% không có tiền để lo cho những chuyện rất nhỏ liên quan đến việc học hành của con cái (mua sắm cặp, sách, vở, bút, thước,…). Thực trạng này là nguyên nhân chính khiến 9% công nhân phải đắn đo, suy tính đến chuyện nên có con hoặc sinh thêm hay không.
Kết quả cuộc khảo sát vừa kể thật ra không mới. Tình trạng công nhân lao động cật lực nhưng càng ngày càng nghèo khổ, sống triền miên trong cảnh thiếu trước hụt sau, cả tinh thần lẫn sức khỏe cùng suy sụp sau một thời gian ngắn tham gia “giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam” đã kéo dài vài thập niên.
Cuối năm 2011, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM công bố kết quả một cuộc khảo sát kéo dài trong hai năm ở nhiều nhà máy, khu công nghiệp tại TP.HCM. Theo đó, 30% công nhân bị suy dinh dưỡng. Đa số thiếu các vitamin nhóm B. Tỉ lệ công nhân thiếu i ốt là 70%. Tỉ lệ công nhân thiếu máu là 20% (3).
Kết quả cuộc khảo sát tiếp theo, được công bố vào cuối năm 2012 cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng không giảm và công nhân đối diện với một nguy cơ khác: Ngộ độc thực phẩm! Lý do, vật giá leo thang nhưng chi phí cho bữa ăn của công nhân vẫn thế, vẫn chỉ dao động quanh mức từ 8.000 đồng đến 12.000 đồng/bữa ăn/người thành ra công nhân trở thành giới chuyên tiêu thụ các loại thực phẩm thiu, thối mà lẽ ra phải chuyển đến bãi rác. Đó cũng là lý do các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra liên tục ở khắp mọi nơi (4).
Đến năm 2013, kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, tỉ lệ công nhân suy dinh dưỡng tăng từ 30% lên 33%. Những chỉ số liên quan đến sức khỏe công nhân tiếp tục gây sửng sốt: Sau lao động, 93% đuối sức, trong đó 80% cam thấy đau, mỏi cơ, xương khớp,
47% mệt mỏi toàn thân, 17% cảm thấy nặng đầu, 15% hoàn toàn kiệt sức… TP.HCM có khoảng 350.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, 72% trong số này thuộc nhóm tạo ra bệnh nghề nghiệp nhưng chỉ có 34% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân (5).
47% mệt mỏi toàn thân, 17% cảm thấy nặng đầu, 15% hoàn toàn kiệt sức… TP.HCM có khoảng 350.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, 72% trong số này thuộc nhóm tạo ra bệnh nghề nghiệp nhưng chỉ có 34% tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân (5).
Tuy nhiên giới lãnh đạo đảng CSVN – “đội tiên phong của giai cấp công nhân” - không bận tâm đặt định bất kỳ giải pháp nào để bảo vệ “giai cấp lãnh đạo cách mạng”. Không những lương công nhân tiếp tục bị khống chế ở mức rất thấp mà công nhân còn bị kiềm chế để không thể đòi giới chủ đáp ứng những quyền lợi tối thiểu. Nguồn nhân lực rẻ, tính ổn định cao (đình công được xem là một trong những từ cấm kỵ) tiếp tục được “đội tiên phong của giai cấp công nhân” dùng như cần câu để câu vốn đầu tư của thiên hạ.
Chẳng phải chỉ hiện tại của “giai cấp lãnh đạo cách mạng” trở thành bi thảm mà tương lai của thế hệ kế thừa – con cái công nhân – cũng thế. Cho đến giờ này, nhà trẻ, trường học cho con công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên khắp Việt Nam vẫn thiếu, vẫn là vấn nạn mà “đội tiên phong của giai cấp công nhân” không thèm bận tâm (6). Cuối năm 2016, Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, loan báo 11,5% con công nhân suy dinh dưỡng (7).
Giờ thì chuỗi vấn nạn liên quan đến “giai cấp lãnh đạo cách mạng” không chỉ rất dài mà tính chất, mức độ nghiêm trọng cũng như tác hại của những vấn nạn ấy đến kinh tế - xã hội Việt Nam đang càng ngày càng lớn. Số nữ công nhân không có khả năng lập gia đình vì bị vắt kiệt cả sức lực lẫn thời gian, chính sách thu hút đầu tư tạo ra tình trạng thâm dụng lao động nữ (khoảng 80%), môi trường làm việc thiếu nam giới,… hoặc may mắn có gia đình không dám sinh con vì không nuôi nổi càng ngày càng cao (8).
Tàn bạo hơn là “đội tiên phong của giai cấp công nhân” chỉ cần vốn đầu tư, cần tỉ lệ tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước nhằm chứng tỏ sự tài tình, sáng suốt của mình, thành ra làm ngơ cho giới chủ dùng nữ công nhân như công cụ trong vòng mười năm rồi thản nhiên đẩy họ ra đường. Số nữ công nhân lỡ làng khi mới ngoài 30, không vốn liếng, sức khỏe sup sụp, không thể xin việc ở những doanh nghiệp khác vì bị xem là… “già”, bế tắc về sinh kế cứ thế tăng từ từ, hết trăm ngàn này đến trăm ngàn khác.
Trước thực trạng như vừa kể, năm 2014, ông Đặng Ngọc Tùng, lúc đó là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ thở dài, thú nhận: Chúng ta đang chú trọng quá nhiều vào nguồn vốn, it quan tâm đến nguồn nhân lực, trong khi thực tế đòi hỏi chúng ta phải quan tâm toàn diện đến đời sống công nhân vì đó là nguồn nhân lực quý cho xã hội. Ông Tùng chỉ bày tỏ sự xót xa khi công nhân “ốm yếu, vàng vọt”, sự âu lo cho con cái công nhân khi cha mẹ như thế, chất lượng giống nòi sẽ ra sao (?) rồi… thôi (9).
***
Cảnh báo của ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cách nay năm năm: Chúng ta phải nghĩ đến thời hậu các khu công nghiệp, công nhân ở độ tuổi từ 36 đến 40 sẽ làm gì khi quay về quê cầm lại cái cuốc cũng lóng ngóng. Đó là hậu quả bi ai nhất của nền công nghiệp Việt Nam – bây giờ đã nhãn tiền về mọi mặt. Mức độ bi ai sẽ tăng gấp nhiều lần nếu so cuộc sống, sinh hoạt của công nhân - “giai cấp lãnh đạo cách mạng” với cuộc sống, sinh hoạt của giới lãnh đạo “đội tiên phong của giai cấp công nhân”. Ở đâu, thời nào, các “đội tiên phong của giai cấp công nhân” cũng nâng công nhân thành “giai cấp lãnh đạo cách mạng” và khi đã nắm được quyền lực, có “đội tiên phong” nào của giai cấp công nhân ngưng đem “giai cấp lãnh đạo cách mạng” ra bán sỉ với giá rẻ? Cộng sản ở đâu cũng thế và thời nào cũng vậy.
Chú thích
No comments:
Post a Comment