HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 3 Tháng Ba, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập phát đi thông cáo cho biết họ phải hủy bỏ buổi kỷ niệm 5 năm thành lập tổ chức và lễ trao giải Văn Việt lần thứ tư “vì lý do an ninh.”
Thay vào đó, họ gửi lời mời các thân hữu tới “gặp mặt mừng xuân” tại một quán cà phê ở quận 3, Sài Gòn, vào sáng 4 Tháng Ba.
“Cơ quan chức năng có trách nhiệm đã cho biết cuộc gặp mặt của chúng ta, những cây bút độc lập và tự trọng, sẽ được tôn trọng,” thông cáo viết.
Thành lập vào Tháng Ba, 2014, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập tập hợp 61 cây bút thuộc các lĩnh vực văn học, thi ca, nghiên cứu, phê bình, kịch tác gia, dịch giả… là người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Được biết bên cạnh chuyện lập giải Văn Việt (đến nay đã bước qua năm thứ tư) và xuất bản sách, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập còn cùng các nhân sĩ, trí thức lên tiếng về những vấn đề liên quan đến chủ quyền đất nước, dân chủ, nhân quyền, văn hóa, môi trường, dân oan, như: phản đối Giàn khoan Tàu Cộng xâm nhập lãnh hải, phản đối Formosa đầu độc biển miền Trung, phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng…
Tổ chức này cũng lên tiếng bênh vực các nhà văn bị tước đoạt quyền tự do đi lại, tự do thân thể và tự do xuất bản.
Cũng nhân kỷ niệm 5 năm hoạt động của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, một số thành viên chủ chốt của tổ chức xã hội dân sự này đã lên tiếng về những thử thách mà họ gặp phải trên bước đường gầy dựng một diễn đàn văn học không chịu sự chi phối và quản lý của nhà cầm quyền CSVN.
Viết trên trang web VanViet.info hôm 3 Tháng Ba, nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên của tổ chức nêu trên, cho biết: “(Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập) chưa thành lập được một tổ chức văn đoàn chính thức. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ai cũng biết rõ, đó là chúng ta bị sự ngăn trở thật vô lý của thể chế hiện hành. Ngoài việc dựng tường lửa để chặn mạng Văn Việt, không cho phép xuất bản sách in, cản phá thô bạo những cuộc trao giải Văn Việt hằng năm, chắc không ai có thể hình dung các biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của Văn Việt triệt để và bất cần luật lệ đến mức những bạn trẻ, thậm chí những người không còn trẻ nhưng vẫn ở tuổi đang phải ‘làm ăn,’ chỉ cần tham dự sâu với Văn Việt là ‘được’ theo dõi, cảnh cáo, phá phách đến nơi đến chốn mọi công việc sinh sống.”
“Cách hành xử kiểu như thế đối với văn hoá văn nghệ chỉ từng thấy vào 50 năm trước, thời Nhân Văn-Giai Phẩm. Thật là đáng cười ra nước mắt! Và cũng như đối với vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, mai đây, lịch sử văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ không quên hiện tượng đáng hổ thẹn này,” ông Hoàng Hưng viết. (T.K.)
No comments:
Post a Comment