”...Bài viết này dành cho các mẹ, các chị, các em, hãy biết rằng máu lồn chúng ta có hằng thàng là thứ cực kỳ bình thường và nhờ nó mà chúng ta được làm mẹ, một điều tuyệt vời tạo hóa ban cho phụ nữ. Chúng ta chẳng việc gì phải xấu hổ về nó và không việc gì phải kiêng kỵ bất cứ điều gì...”
Nhà (hay chuồng ?) Chhaupadi ở Tây Tạng
Sáng nay, tôi đọc bài của con gái dịch từ theconversation về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại một số vùng miền Tây Nepal khi họ buộc phụ nữ phải ra ở trong túp lều Chhaupadi trong thời kỳ hành kinh. Lều Chhaupadi là nơi nhốt bò hoặc kho chứa đồ, cách xa nhà chính. Trong thời kỳ hành kinh, những người phụ nữ này không được phép vào nhà chính, không được chạm vào bất kỳ ai, không được chạm vào vật gì vì tập tục cho rằng họ đang trong thời kỳ dơ bẩn và xui xẻo. Họ phải bị cách ly, cấm túc trong từ 5 ngày đến một tuần.
Đã có nhiều người chết trong hàng trăm năm qua. Một người mẹ và hai con trai vừa mới chết gần đây đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạnh vi phạm nhân quyền của tập tục, lối suy nghĩ bệnh hoạn này.
Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền Nepal cho đập bỏ các túp lều Chhaupadi. Nhưng việc đó chỉ làm cho những người phụ nữ gặp nguy hiểm nhiều hơn vì họ phải ngủ trong rừng, trong hang, dưới giá lạnh. Điều cần làm phải là xóa bỏ được tập tục văn hóa và làm cho người dân hiểu máu lồn không phải là thứ dơ bẩn.
Bài dịch của con làm tôi suy nghĩ về Việt Nam và những điều tôi phải trải qua thời dậy thì. Ngày đó, tôi thường được những người phụ nữ lớn tuổi hơn chỉ dạy rằng máu lồn là thứ dơ bẩn, cần phải có những điều kiêng kỵ khi hành kinh, như: không được mở hũ ủ mắm ủ dưa ủ tương, không được thắp hương bàn thờ, không được gần gủi đàn ông, không được giặt quần áo chung với quần áo của đàn ông, không được bô bô nói về nó...rất nhiều điều kiêng kỵ mà nếu làm sai thì sẽ đem lại xui xẻo.
Họ bảo rằng phụ nữ có kinh nguyệt mà dỡ hủ mắm sẽ làm mắm thối có dòi, mở hũ dưa thì dưa khú, giặt quần áo chung chậu giặt với quần áo đàn ông sẽ làm cho đàn ông không ngóc đầu lên nổi trong công việc làm ăn, đàn ông ngủ với đàn bà có kinh nguyệt sẽ bị vận xui, thắp hương bàn thờ thì đó là điều phỉ báng tổ tiên, trời đất...
Những lời dặn dò này và cả những lần họ chê trách phỉ báng ai đó không làm theo đã làm cho tôi tin rằng máu lồn là thứ cực kỳ dơ bẩn, gớm ghiếc. Tôi đã từng oán trách tại sao mình lại có cái thứ dơ bẩn ấy trong người. Toàn bộ những đứa bạn bè, chị em gái trạc tuổi tôi trong xóm khi nói chuyện với nhau đều ghê tởm bản thân và ước mình là con trai để khỏi bị chảy máu lồn mỗi tháng.
Không ai dạy tôi rằng nó chỉ là sự bong tróc nội mạc tử cung thành máu chảy ra ngoài. Không ai dạy máu lồn vô khuẩn và nó chỉ bị nhiễm khuẩn khi ra ngoài gặp không khí. Cũng không ai hướng dẫn phải thay băng vệ sinh (dùng từ băng vệ sinh cho sang, hồi xưa phải dùng khăn xô để lót và dùng kim băng gài vào quần lót cho nó khỏi rớt, mãi về sau mới dùng băng vệ sinh Bạch Tuyết, vừa dày vừa thô) mỗi ba tiếng một lần để tránh nhiễm khuẩn. Tất cả những điều cơ bản cần biết để hiểu về cơ thể mình, để biết chăm sóc bản thân đều không ai biết, không ai dạy nhau.
Người ta chỉ dạy tôi phải kiêng kỵ cái này, cấm đoán cái kia và hình thành tâm lý thù ghét chính mình, phỉ báng chính mình vì mình là đàn bà con gái. Tôi chỉ biết được những điều cần biết khi đã lớn, tự tìm hiểu qua sách báo. Và mãi cho đến lúc biết như vậy thì tôi vẫn tin rằng mình không được thắp hương ban thờ và tránh những điều mà tôi cho là cần kiêng kỵ trong một thời gian rất lâu sau đó. Tôi vẫn mang tâm lý bản thân mình không trong sạch, đánh giá sai về giá trị bản thân dù ngay cả khi tôi đã biết máu lồn chỉ là do bong tróc nội mạc tử cung.
Cách đây khoảng bảy năm, ở Hà Nội, tôi ngồi quán bia với một số anh em, cùng bàn có một anh nghệ sĩ thổi kèn saxophone rất dị. Anh thổi kèn rất phiêu và có một phong cách ăn mặc, đeo các phụ kiện trang sức trên người rất quái. Tôi chỉ chùm kim băng anh đeo trên ngực trái, hỏi: "Anh, cái này có ý nghĩa gì?" Anh bảo, "Hôm nay anh đeo cái này là để tưởng nhớ một thời chị em các em phải dùng nó để cài vải xô vào quần lót trong kỳ kinh nguyệt. Một yêu thương và tôn vinh sự chịu đựng đầy vất vả, khó nhọc và khốn nạn mà các chị em đã phải chịu một thời." Cơ thể tôi rúng động. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sự trân trọng, yêu thương vì mình là đàn bà có kinh nguyệt. Lúc đó, tôi mới rũ bỏ được cái tâm lý bệnh hoạn mà tôi bị nhiễm từ nhỏ.
Tôi viết bài viết này, kể lại một thời không xa, để các anh chị có con gái hãy tìm hiểu về chu kỳ kinh nguyệt thật kỹ và hướng dẫn con gái cách vệ sinh, cách biết trân quý cơ thể và đừng bao giờ gieo vào đầu con gái nhỏ của mình những điều vớ vẩn, kiêng kỵ tào lao vì điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của trẻ.
Bài viết này dành cho các mẹ, các chị, các em, hãy biết rằng máu lồn chúng ta có hằng thàng là thứ cực kỳ bình thường và nhờ nó mà chúng ta được làm mẹ, một điều tuyệt vời tạo hóa ban cho phụ nữ. Chúng ta chẳng việc gì phải xấu hổ về nó và không việc gì phải kiêng kỵ bất cứ điều gì.
Bài viết này cũng dành cho các quý ông, các anh hãy biết trân trọng yêu thương máu lồn của chị em, không có nó thì các anh chẳng thể xuất hiện trên đời để mà khinh bỉ và coi nó là thứ dơ bẩn, đem lại xui xẻo, phỏng ạ?!
Nga Thi Bich Nguyen
No comments:
Post a Comment