Thảo Vy-VNTB - Dân kinh doanh nhà đất nói rằng đại gia bất động sản Dương Thị Bạch Diệp đã ‘chết’ lãng nhách, vì nhiều tay trùm khác còn lũng đoạn cả chính sách quốc gia trong đất đai.
Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp |
Trong 37 năm qua, bà Diệp ở tù 3 lần: lần đầu 2 tháng 15 ngày, 12 năm sau ở tù lần 2 dài 6 tháng 13 ngày. Hai lần đầu ở tù “oan sai” tổng cộng 8 tháng 28 ngày, nhưng lần sau cùng không thể “nhất quá tam”, vì 2 lần trước bà không có đồng phạm. Còn lần này bà bị bắt cùng 3 đồng phạm là cán bộ trung - cao, gồm Nguyễn Thành Rum, cựu giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM – ông còn là nguyên phó ban tư tưởng văn hóa Thành ủy TP.HCM; Trần Nam Trang, nguyên phó giám đốc sở Tài chính TP.HCM; Vy Nhật Tảo, giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM; và một đồng phạm cao cấp bị bắt trước bà Diệp là cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài.
Dài dòng kể lể như vậy để thấy rằng bà Dương đã có ít nhiều vốn liếng lận lưng về chuyện đối mặt tù tội trong các áp phe làm ăn trên chốn thương trường. Lần ngã ngựa này, nhiều đồn đoán ngờ rằng bà Dương xem ra ít nhiều gặp nạn vạ lây của trâu bò húc nhau, vì bà còn là… dân xứ Bình Định.
Các đại gia quê gốc Bình Định được biết đến từng hô phong hoán vũ trên thương trường ít nhiều liên quan đến các quan chức chóp bu trong bộ máy cầm quyền là Trần Thị Hường (Tư Hường, đã mất), Chủ tịch Công ty Hoàn Cầu; Dương Thị Bạch Diệp; Trần Bắc Hà; Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen; Võ Trường Thành, Chủ tịch Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành.
Lê Phước Vũ là anh em cột chèo với bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, người vừa bị phe cánh đối thủ chính trị ra đòn nhục nhã qua vụ xe công vụ đón phu nhân bộ trưởng tận cầu thang máy bay. Cả hai ông Lê Phước Vũ, Trần Tuấn Anh lại được xem thuộc nhóm thân cận thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; dòng tộc bà Tư Hường cũng được xem là ‘phò thịnh không phò suy’ khi chuyển hướng sang thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tương tự là ông Trần Bắc Hà liên quan đến nhóm của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhóm của ông cựu thủ tướng trong tháng vừa qua còn bất ngờ với thông tin Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ ông Nguyễn Tấn Dũng, đã lãi lớn với nguồn vốn đầu tư mới đổ vào… Nhiều dự án điện từ năng lượng tái tạo ở miền Nam cũng liên quan đến sự vận động vốn của bà Phượng.
“Nếu có vấn đề chính trị ở đây thì đó xuất phát từ tranh giành làm ăn trong đất đai hiện nâng lên tầm quyền lực vùng miền…”. Một doanh nhân trong ngành bất động sản từng là phóng viên tờ Nhà báo và Công luận, nhận định với người viết. Ông xa gần nói đến việc tập đoàn Vincom đang xí chỗ giữ rất nhiều vị trí đắc địa ở Sài Gòn; gần đây là mặt bằng của siêu thị có doanh số cao nhất của Coop-Mart trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh đã phải đóng cửa để nhường cho Vincom.
Thậm chí khu vườn rau Lộc Hưng vừa bị chính quyền quận Tân Bình bất chấp pháp luật và đạo lý đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm nhà cửa, đất đai của cư dân nơi đây, có nguồn tin là cũng nhằm đến dự án của Vincom trong lãnh vực giáo dục.
“Nguồn vốn của Vincom đến từ các ông bà chủ nhà băng của Trung Hoa đại lục. Đây là điều rất đáng ngại!”. Ông N.Q.K., thành viên của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, nói. Dường như có bóng dáng của đặc vụ trùm tình báo Trung Quốc Chu Vĩnh Khang ở ngay tại Sài Gòn hậu thuẫn cho mọi hoạt động của Vincom, là điều mà ông K. dè dặt nêu ra.
Một cái tên được ông K. gợi ý là tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nếu có thể bằng vai phải lứa để cùng ‘song kiếm’ với Vincom ở Sài Gòn, có lẽ giờ đây chỉ còn mỗi Vạn Thịnh Phát. Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5-2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên giống với tên lãnh đạo của tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.
Vạn Thịnh Phát (VTP Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có và bí ẩn tại Việt Nam, bởi thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website, và gần như không tiếp xúc với giới truyền thông. Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Hải là quan chức của TP.HCM được nhìn nhận là có mối quan hệ khắng khít với cả ông trùm mật vụ Chu Vĩnh Khang và với bà trùm bất động sản đầy bí ẩn Trương Mỹ Lan.
Những ai sẽ bị vạ lây của những cú áp phe chính trị trong năm 2019 này? Phải chăng sẽ nằm trong kịch bản của ông Nguyễn Phú Trọng, như nhận định của nhà quan sát chính trị là tiến sĩ Phạm Chí Dũng trên Đài Á Châu Tự Do: Ba chiếc ghế trống trong Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng bị bắt về tội tham nhũng vào tháng 12-2017, ông Đinh Thế Huynh, chính thức nghỉ bệnh vào tháng 3-2018, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, mất vào tháng 9-2018, đã không được bầu bổ sung. Đó là thủ đoạn chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng muốn để ba chỗ trống, tạo nên sự tranh giành từ bên dưới lên, để ông có thể dễ dàng kiểm soát hơn.
Việc tranh – giành này sẽ đưa đến những bắt bớ cho con tin quyền lực? Cái đáng lo là thấp thoáng đàng sau hậu trường chính trị đó lại đang ẩn hiện bóng dáng của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment