Trúc Giang(VNTB) - Chuyên mục truyền hình “Ký ức vui vẻ” trên VTV 3 tối thứ bảy 26-1, ở phần ký ức về thập niên 1980, dẫn dắt chương trình bằng trích thước phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Hồng Sến (đã mất), MC Lại Văn Sâm đã chốt bằng một câu rất ngắn: “Vâng, chiến tranh mà, chiến tranh chẳng được gì cả...”.
Nạn nhân của chất độc khai quang - Ảnh: Trí – Thịnh |
Khuôn hình của câu kết chỉ 10 từ ấy là đoạn kết phim Cánh đồng hoang, khi chiến binh Mỹ và chiến binh Việt Cộng đều chết, hai bên đều để lại người vợ trẻ và đứa con thơ.
Dường như lúc đong tràn cảm xúc, người ta thường nói thật lòng mình. Bởi lẽ ở đây, thường thì sẽ kết bằng một câu mặc định suốt 44 năm qua về “thắng lợi vẻ vang của cuộc chiến tranh đánh đổ đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Do đó nếu nói như lời kết bi thương của MC Lại Văn Sâm, hóa ra cuộc chiến này chỉ mang ý nghĩa của một cuộc nội chiến, của tương tàn huynh đệ?
Còn lại gì sau chiến tranh?
Thầy giáo môn sử, địa – ông Trần Minh Quốc, thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kể rằng ông cùng nhiều đồng đội đã bị lừa gạt ở cuộc chiến này. Ông nói hồi đó ông tham gia mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam bằng tinh thần ái quốc của chủ nghĩa dân tộc, không chấp nhận đất nước mình là thuộc địa của ai cả. Ông vẫn nghĩ mai này hòa bình, màu cờ sắc áo của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam sẽ song hành cùng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trên bản đồ thế giới.
Có lẽ nhiều người miền Nam chọn ‘tập kết’ ra Bắc cũng trong nỗi niềm đó. Lịch sử ghi rằng từ năm 1954 đến 1975, có hơn 32.000 học sinh miền Nam lần lượt theo xe bộ đội, đi tàu thủy, đi bộ vượt dãy Trường Sơn… ra miền Bắc học tập. Hàng chục ngàn người trưởng thành lại trở về xây dựng miền Nam.
Nhiều học sinh miền Nam ngày ấy trở thành cán bộ cao cấp trong chính quyền sau này, như các ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng công an Nguyễn Khánh Toàn; đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam; nguyên phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Kso Phước…
Cũng có học sinh miền Nam sau này vướng vòng lao lý. Bà Dương Thị Bạch Diệp – người vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 - sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, năm 1954, bà Diệp là một trong số các con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập.
Trở lại với ông Trần Minh Quốc. “Tôi từng là thơ ký của ông Nguyễn Hộ. Tôi tán thành quan điểm của ông Nguyễn Hộ là Đảng Cộng sản Việt Nam đã tước đoạt của nhân dân các quyền tự do. Khi dân chủ tự do bị chà đạp thì nhân dân giống như những người bị xiềng xích, bị bịt tai, bịt mắt, khớp miệng và tất nhiên mấy mươi triệu người Việt Nam không thể không biến thành tù binh của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Tôi cùng nhiều đồng đội đã sai lầm, giờ chúng tôi sửa chữa sai lầm ấy bằng việc lên tiếng về chuyện một nhóm người lãnh đạo trong Đảng Cộng sản vì sợ mất vai trò lãnh đạo và đặc quyền, đặc lợi của mình mà đã chà đạp thô bạo hiến pháp của Việt Nam, biến nó thành một thứ trang trí, không có giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ dân chủ tự do và lợi ích của công dân”. Ông Trần Minh Quốc nói.
Còn lại gì sau chiến tranh?
44 năm đi qua, câu hỏi này với nhiều người dân ở quê hương “Bến Tre đồng khởi”, tiếc thay vẫn là sự ngậm ngùi hệt như MC Lại Văn Sâm: Vâng, chiến tranh mà, chiến tranh chẳng được gì cả....
Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi này, trong dịp về quê tảo mộ, thắp cây nhang tưởng nhớ ông, bà nơi chôn nhau, cắt rốn của mình tại Giồng Trôm, Bến Tre, người viết đã gặp gỡ một vài gia đình vẫn cam sống nghèo khó trong tật bệnh của hậu quả chất khai quang thời chiến tranh. Cựu binh Phạm Thái Sơn kể hồi đó ông là du kích ở huyện Ba Tri. Trực thăng của quân đội Mỹ rải chất khai quang xuống vườn dừa xứ này nhằm để dễ phát hiện nơi trú đóng của các cánh quân thuộc lực lượng dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông và đồng đội đều không biết chất độc khai quang này ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe.
Sau này khi lập gia đình, trong các đứa con sinh ra, có đứa bị tật nguyền. Những đứa con khỏe mạnh của ông sau này lấy vợ, lấy chồng, lại có đứa sinh ra những đứa cháu của ông bị tật nguyền như thế hệ trước. Đến lúc này ông mới thấm thía hết chất độc khai quang ảnh hưởng di truyền như thế nào.
Bà Huỳnh Thị Gô, phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam – dioxin và Bảo vệ quyền trẻ em huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre nhìn nhận nỗi đau thời hậu chiến tiếp tục len lỏi đến thế hệ thứ ba của chất độc khai quang đã rải xuống ở Bến Tre, và dường như đúng như lời của MC Lại Văn Sâm, Vâng, chiến tranh mà, chiến tranh chẳng được gì cả....
Còn lại gì sau chiến tranh?
Gia đình là nạn nhân của chất độc khai quang - Ảnh: Trí – Thịnh |
Những hình ảnh được nhóm phóng viên trang web Việt Nam Thời Báo ghi nhận ở đây tại Ba Tri, Bến Tre về một gia đình là nạn nhân của chất độc khai quang thời chiến tranh sẽ góp thêm lăng kính khác về cuộc chiến tuy đã khép lại 44 năm rồi, song nỗi đau lại tiếp nối đến thế hệ của những đứa trẻ được sinh ra thập niên 2000…
No comments:
Post a Comment