Monday, January 28, 2019

Đảng CSVN đã làm gì để hỗ trợ ‘đồng chí Maduro’?

Thường Sơn(VNTB) - “Việt Nam luôn quan tâm, theo dõi và mong muốn Venezuela hòa bình, ổn định” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói gọn lỏn trước số phận có thể chỉ còn tính bằng ngày của Maduro - tổng thống của một Venezuela ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ mà đã biến nền kinh tế từ giàu có về dầu mỏ thành suy kiệt và thảm họa xã hội.

Phải chăng đảng CSVN không thật sự cảm nhận được mối đe dọa rất hữu hình đối với Maduro, về nguy cơ cứ với đà này thì kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ rất có thể sẽ xảy ra ở một đất nước đã hội tụ hầu hết các yếu tố khủng hoảng khiến nó phải xảy ra, về sự ra đi gần như tất yếu của một chủ nghĩa xã hội đã thực sự tan vỡ ở Venezuela và kéo theo sự mất mát một ‘đồng minh chiến lược’ của Việt Nam ở phía Tây bán cầu…, hay cái thế giới cộng sản thu nhỏ và chỉ còn trên danh nghĩa ở Việt Nam giờ đây đã càng thu mình lại trước một biến động thời cuộc thế giới có thể sẽ rất ghê gớm và thậm chí sẽ tác động trực tiếp và đảo lộn đến đời sống chính trị - xã hội lẫn thế tồn vong của một chính đảng cộng sản chưa bao giờ chấp nhận một khung luật nào quản lý nó ở Việt Nam, một đảng cộng sản mà đã trở thành thủ phạm không thể rõ ràng hơn trong việc biến dải đất hình chữ S từ ‘rừng vàng biển bạc’ thành vùng đất hoang mạc về tài nguyên thiên nhiên của ngày hôm nay?   


   Nguyễn Phú Trọng đã làm gì để hỗ trợ Maduro?

Phát ngôn trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề Venezuela xảy ra trong tình hình ngày 24/1/2019, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo. Ngay sau đó, hàng loạt quốc gia khác bao gồm Canada, Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina, Paraguay, Costa Rica… cũng tuyên bố ủng hộ ông Guaido làm tổng thống lâm thời Venezuela. Ít giờ đồng hồ sau, chính phủ Đức đã trở thành quốc gia tiên phong ở châu Âu ủng hộ lãnh đạo đối lập ở Venezuela.

Nghĩa là gần như cả khối Mỹ Latinh và sẽ là một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ khối Liên minh châu Âu, đang và sẽ ủng hộ kịch bản loại trừ Maduro ngay trong năm 2019 này với những hành động can thiệp của quốc tế vào các nước Bắc Phi như Tunisie, Ai Cập, Libya vào mùa xuân năm 2011. Trong đó, không loại trừ kịch bản can thiệp quân sự.

Đến ngày 26/1/2019, Paris, Madrid và Berlin đồng thời tuyên bố sẽ công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống Venezuela, nếu nguyên thủ quốc gia hiện tại, Nicolas Maduro, trong vòng 8 ngày không công bố một cuộc bầu cử mới.
“Người dân Venezuela nên được tự do quyết định tương lai của họ. Nếu cuộc bầu cử không được công bố trong vòng tám ngày, chúng tôi sẽ sẵn sàng công nhận ông Guaido là tổng thống Venezuela để khởi động tiến trình chính trị”, Tổng thống pháp Macron viết trên Twitter.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng đưa ra lập trường tương tự đối với Tổng thống đương nhiệm Venezuela  Nicolas Maduro.

“Chúng tôi không muốn lật đổ chính phủ ở Venezuela. Chúng tôi muốn dân chủ và bầu cử tự do ở Venezuela”, Thủ tướng Tây Ban Nha nói thêm.

Ngày 23/1, các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại Tổng thống đương nhiệm Venezuela Nicolas Maduro đã được tổ chức tại Caracas. Lãnh đạo phe đối lập, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido đã tự tuyên bố mình là người đứng đầu nhà nước tạm thời (quyền Tổng thống) để chuẩn bị cho một chính phủ chuyển tiếp.

Về phía đối trọng của khối trên, chỉ có một số ít ỏi những quốc gia mà không khó dự đoán là Cuba, Trung Quốc, Nga và cả Mexico.

Trong bối cảnh đấy tính thách thức như thế, cách tuyên bố nước đôi hoặc ‘đi hàng hai’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về cuộc khủng hoảng chính trị Venezuela không còn giống như cách đu dây của Việt Nam giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông hay những va chạm quốc tế khác. Phản ứng quá sức chung chung và như thể ‘nói cho nó lành’ của Bộ Ngoại giao Việt Nam gần như là một biểu hiện của tâm thế bối rối, hơn thế nữa là hoang mang cao độ của Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đảng của ông ta.  

Cũng như cái cách mà từ năm 2016 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’’ và ‘Việt Nam tôn trọng tự do hàng hải’ ở Biển Đông.

Bỏ qua người đồng chí dầu mỏ đã từng một thời thân thiết là Venezuela, lợi ích sống còn trước mắt của chính thể độc trị ở Việt Nam là những mỏ dầu mà Bắc Kinh - như một kẻ cướp hung hãn - nhảy xổ vào nhà và đòi chia bôi với chủ nhà đến 60% tài sản của cái nhà đó.

Không còn cách nào khác, từ năm 2014 đến nay Việt Nam đã phải tìm cách dựa vào Mỹ. Còn việc Mỹ hành xử với Venezuela như thế nào thì đó là ‘chuyện người khác’.

No comments:

Post a Comment