SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 27 Tháng Giêng, trong bối cảnh căng thẳng tại BOT An Sương-An Lạc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giới tài xế và blogger suy đoán báo Người Lao Động được chỉ đạo đưa tin tuyên truyền về trạm thu phí này.
Bài “Giải đáp nhiều thắc mắc về BOT An Sương-An Lạc” đăng trên báo này viết: “Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố ở Sài Gòn khẳng định thời gian thu phí của trạm BOT An Sương-An Lạc được xác định trong phương án tài chính kèm theo hợp đồng, tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì… Thời gian thu phí thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ giá trị quyết toán công trình của dự án BOT An Sương-An Lạc và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình… được kiểm toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.”
“Về thông tin cho rằng dự án ban đầu đầu tư theo hình thức BT, sau đó đổi sang BOT, Sở Giao Thông-Vận Tải khẳng định là không chính xác bởi trong các văn bản pháp lý liên quan, dự án không đề cập hình thức đầu tư là hợp đồng BT,” theo báo Người Lao Động.
Bài báo nêu trên được cho là cách chính quyền tận dụng truyền thông nhà nước để giảm nhiệt của các vụ việc đang khiến công luận bức xúc, tương tự như việc báo Pháp Luật TP.HCM được chỉ đạo đăng bài “Vườn rau phường 6, Tân Bình: 3 minh định pháp lý” về Vườn rau Lộc Hưng vài ngày trước.
Trong lúc BOT An Sương-An Lạc được báo chí nhà nước ra sức biện hộ và được điều động công an cũng như các lực lượng “đeo khẩu trang” hùng hậu để tác chiến trước các giao dịch dân sự, các video phát trực tiếp từ trạm này trên mạng xã hội cho thấy giới tài xế vẫn phản đối quyết liệt với lập luận đây là “BOT bẩn của nhóm lợi ích.”
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh của báo điện tử Làng Mới, người theo sát phong trào phản đối BOT “đặt nhầm chỗ,” cho biết trên trang cá nhân: “Những ngày qua tại BOT An Sương-An Lạc đã có gần 10 người bị đánh đập và gần chục chiếc xe bị phá hoại. Tới giờ, có lẽ Sở Giao Thông-Vận Tải và Công Ty IDICO (chủ đầu tư dự án BOT An Sương-An Lạc) chưa tự tin đối thoại. Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn thì yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp. Công an quận Bình Tân thì rối như tơ vò, phải thụ lý, xử lý hoặc chịu trách nhiệm với hàng loạt đơn khiếu nại, tố cáo liên miên, chắc ra Giêng còn chưa hết đơn. Chưa rõ vì sao giới chức quận Bình Tân lại khá ‘rát’ khi giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực BOT An Sương-An Lạc thời gian qua.”
Trong một diễn biến khác, truyền thông nhà nước cho biết một lãnh đạo Công An tỉnh Tiền Giang ẩn danh mới đây đã “đề nghị dời thời điểm thu phí trở lại của BOT Cai Lậy sao cho phù hợp hơn thời điểm dự trù hôm 14 Tháng Hai.”
Nguyên do được hiểu là vì thời điểm đó, lực lượng công an được điều đến trạm BOT Cai Lậy “sẽ mỏng hơn so với mong muốn của các đơn vị có liên quan do đang phải phân bố dàn trải để đảm bảo an ninh trên nhiều địa bàn.”
Phát ngôn của giới chức Công An tỉnh Tiền Giang cho thấy nhà cầm quyền tỉnh Tiền Giang và giới chức Giao Thông Vận Tải đồng quan điểm rằng cần phải điều công an đến “xử lý” những tài xế phản đối thu phí.
Đến nay, các báo ở Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực để bàn giải pháp tháo gỡ ngòi nổ tại các trạm thu phí bị giới tài xế phản đối kịch liệt như tại BOT Cai Lậy, BOT An Sương-An Lạc nhưng thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu sẽ vãn hồi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng Vụ PPP (Vụ Đối Tác, Hợp Tác Công Tư, Bộ Giao Thông-Vận Tải) được báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam hôm 2 Tháng Giêng dẫn lời: “Bộ Giao Thông-Vận Tải đang xem xét sửa đổi thông tư 35 theo hướng bỏ trần giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án đường cao tốc, dự án đường BOT có tuyến song hành cho người dân lựa chọn, mức giá sẽ do thị trường quyết định, nếu nhà đầu tư đưa ra giá cao, người dân sẽ không lựa chọn và ngược lại. Cơ quan nhà nước chỉ kiểm soát giá trần đối với các dự án đường độc đạo.”
“Tuy nhiên, hầu hết các dự án BOT đường bộ đang thu phí hiện nay đều là những dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, nên ngay cả khi ‘vòng kim cô’ thông tư 35 được tháo gỡ, các doanh nghiệp đầu tư BOT chưa chắc được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là những vướng mắc vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp đầu tư BOT và của Bộ Giao Thông-Vận Tải,” tờ báo kết luận. (T.K.)
No comments:
Post a Comment