Monday, September 3, 2018

Kiến tạo là gì khi môi trường hạch sách, quan liêu và nhiều hơn thế nữa?


Ánh Liên (VNTB)Thỉnh thoảng, báo chí trong nước lại phải báo động về tình trạng chảy máu chất xám, tức người Việt Nam về nước theo diện thu hút nhân tài, nhưng chỉ vài ba năm sau buộc phải ‘tháo chạy trong danh dự’, vì đồng lương và cả vì kiến thức chỉ được sếp giao phó… gõ văn bản, pha cafe!

Biểu hiện nêu trên chỉ là một trong vô vàn những biểu hiện cho thấy, tại Việt nam – cơ chế già cỗi đến mức, kiến thức đi sau kinh nghiệm, mà kinh nghiệm lại đến từ thời gian ngồi ghế. Nếu một ông Chủ tịch bám rễ sâu, hoặc do trình độ/năng lực của ông không có nên không thể được cấp trên ‘luân chuyển’ đi xa hơn, thì mặc nhiên ông có kinh nghiệm tại chính vị trí đó. Và khi một ‘nhân tài’ về giúp việc, kiến thức của họ phải phục tùng cái kinh nghiệm đó.

Người Việt Nam ở nước ngoài rất khó sống ở Việt Nam, vì cơ chế, dĩ nhiên! Nhưng hơn thế, ngay cả người Việt trong nước cũng phải rơi vào những tình thế khốn cùng hơn thế.

Hệ thống quán cơm tấm Kiều Giang đang khiến dư luận xôn xao gần đây, với cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của dàn cán bộ và nhà báo. Kết quả, hệ thống cơm này đã bị ‘đánh’ trên truyền thông (tức chưa có kết luận chính thức nhưng Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã công bố các thông tin trong quá trình thanh tra khiến cơ sở cơm tấm Kiều Giang bị ảnh hưởng nặng nề) trước khi bị phạt 2,3 triệu đồng vì những lý do cực kỳ vớ vẩn.

Nghiễm nhiên, nếu không có sự tỉnh táo của một bộ phận nhỏ dư luận, hệ thống cơm tấm Kiều Giang sẽ bị sập tiệm ngay sau đó.

Chiêu trò kiểm tra này được nhà báo Bạch Hoàn vắn tắt vào cụm từ ‘chụp mũ, đấu tố, băm vằm’. Và những hành vi này tiếp tục nhằm vào các thương hiệu Việt.

Vấn đề là, nếu một thương hiệu làm ăn giả dối vẫn sống nghiễm nhiên, trong khi ngược lại có thể bị đánh úp bất cứ khi nào. Vì sao, tại sao như thế? Điều này có lẽ nằm ở tính chất thực tế của những đoàn thanh kiểm tra tại Việt Nam, mà dân gian hay kháo nhau là: Thanh cha (giọng Bắc của Thanh tra), thanh mẹ, thanh dì/ Hễ có phong bì ông cứ thanh you.

Trong bài viết ngày 2.9, nhà báo Mai Quốc Ấn đã đăng tải lại câu chuyện viên gạch với tính năng vượt trội của ông Dũng ‘gàn’ (Bình Dương), và sự ngăn cản của một cán bộ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ nhằm không cho ông ta nói về sự vượt trội của công nghệ. Lý do, ông Dũng ‘gàn’ không có văn hóa dưới bàn, văn hóa mà doanh nghiệp không được tạo môi trường bình đẳng. Cũng chính vì thế mà sau 28 năm, kể từ thời điểm Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời nhằm thể chế hóa chính thức và đầy đủ hơn chủ trương phát triển kinh tế tư nhân (1990), doanh nghiệp Việt vẫn như đứa trẻ phát triển èo uột (vì cơ chế nhũng nhiễu và bất bình đẳng).

Khi các tập đoàn Nhà nước, được chính Nhà nước ưu đãi bằng vốn và cơ chế ‘cạnh tranh độc quyền’, sau một thời gian đã làm nên vô số nợ thì doanh nghiệp tư nhân Việt được đánh giá lại, và coi đây là động lực của nền kinh tế. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc lên ngồi ghế Thủ tướng, bắt đầu chuỗi phát ngôn nhằm phổ cập ‘Cách mạng 4.0; Chính phủ kiến tạo’, rất nhiều người đã thực sự có sự kỳ vọng về một sự thay đổi tích cực. Thế nhưng, đến nay, mọi chuyện gần như chưa có quá nhiều biến chuyển ngoài những… lời nói, chỉ đạo chung chung, hay động viên các tỉnh thành. Thậm chí, Chính phủ hiện thời đang tập trung vun vén cho các tập đoàn tư nhân lớn, thay vì một chính sách chung cho cả bộ phận doanh nghiệp tư nhân Việt hay tập trung ứng xử tốt hơn với khối doanh nghiệp tư nhân Việt vừa và nhỏ.
Nhưng mọi chuyện có thể tươi sáng hơn chút, nếu như sự kiện cơm tấm Kiều Giang hay viên gạch của ông Dũng ‘gàn’ được Chính phủ lưu tâm và ‘làm quyết liệt’.
Một là, Chính phủ sẽ có chỉ đạo gì trong làm rõ các sai phạm trong thanh kiểm tra cơm tấm Kiều Giang, khiến doanh nghiệp này mất 30% lượng khách? Trách nhiệm bồi hoàn và xin lỗi như thế nào? Cơ chế đặt ra làm sao để tránh những phiên bản Kiều Giang về sau?

Hai là, Chính phủ cũng sẽ có những chỉ đạo gì đối với Bộ KH&CN, nơi có một cán bộ ‘sách nhiễu’ doanh nhân Dũng ‘gàn’, trong bối cảnh có một doanh nghiệp nước ngoài tìm cách tiếp cận công nghệ gạch mà ông nghĩ ra?
Nếu Chính phủ không có chỉ đạo, hoặc chỉ đạo không sát sâu, thì Chính phủ đã tự hủy hoại bản chất điều hành và vai trò của mình trong đời sống chính trị – kinh tế. Bởi có lẽ, trong khi nền kinh tế đang cần vực dậy, rằng doanh nghiệp tư nhân đang được xem là động lực, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đang nhăm nhe thâu tóm các doanh nghiệp Việt vừa mới nổi thì trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ Kiến tạo, Chính phủ 4.0 phải là sát cánh cùng với doanh nghiệp đi ra biển lớn, bằng cách tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp trong cạnh tranh về sản phẩm, công nghệ lẫn vốn.
Rõ ràng, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, môi trường không nhũng nhiễu doanh nghiệp, hay một môi trường mà doanh nghiệp Việt có thể lớn lên bằng nỗ lực lẫn cơ chế phải là trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ này. Chứ không phải suốt ngày ban phát những mỹ từ đẹp đẽ cho các tỉnh thành, đến mức dư luận ngày càng chán ngấy và bắt đầu nghi ngờ sự ‘hoang tưởng’ bên trong Chính phủ ấy.
Khi doanh nghiệp Việt trong nước bị ‘cưỡng bức’ hay đối xử đầy bất công như thế, thì liệu việc kêu gọi người tài trở về qua hội nghị 100 kiều bào gần đây có nghĩa lý gì? Bởi trong nước còn ứng xử như thế, thì ngoại kiều còn sẽ bị vùi dập như thế nào nữa?

Cần nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên, mà là chuỗi dài những ứng xử bất công do môi trường thể chế và cán bộ sách nhiễu mang lại. Trước đó, có rất nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ cuộc chơi trong sinh nghiệp hoặc thậm chí là chấn hưng nước Việt vì cơ chế bó buộc, cơ chế vùi dập người tài,…

Thử gõ ‘doanh nghiệp Việt méo mặt’ trên Google, sẽ không thiếu những ví dụ mà báo chí liệt kê ra, vì nhiều lý do, trong đó bao gồm cả cơ chế sách nhiễu tạo ra.
Việt nam là mảnh đất tội lỗi, mà cơ chế sách nhiễu là chủ nhân, chính vì thế đây là đất nước không chịu phát triển, như bà Phạm Chi Lan từng chỉ ra.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cần chứng minh bà Phạm Chi Lan nói sai, và điều đó sẽ tạo nên tính kiến tạo của bộ máy điều hành Nhà nước hiện tại.

No comments:

Post a Comment