VINH (NV) – Những người đứng đầu của đập thủy điện Bản Vẽ tỉnh Nghệ An nhìn nhận việc xả lũ với lưu lượng lớn để tránh vỡ đập đã gây ra thảm họa nhà trôi, cầu sập cho khu vực hạ du.
Báo điện tử VietNamNet kể lại cuộc “trao đổi” với ông Tạ Thanh Hùng, phó giám đốc công ty thủy điện Bản Vẽ ngày 2 Tháng Chín thì được cho biết, “Ngày cuối Tháng Tám và đầu Tháng Chín, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ lần thứ 2 chứng kiến mực nước đổ về cao nhất trong lịch sử. Lượng nước đổ về từ 930m3/s đến gần 4,300m3/s, gây thiệt hại nặng cho nhà máy.”
Trước lưu lượng nước dồn về hồ chứa tăng quá nhanh “chưa từng có” cho nên ông Hùng nói “buộc nhà máy phải xả lũ bằng lưu lượng nước đổ về.”
Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện xây dựng tại thượng nguồn Nậm Nơn tức sông Lam, lớn nhất miền Trung với công suất 320MW. Đập chính và nhà máy điện đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiệm vụ của đập thủy điện Bản Vẽ là vừa cung cấp điện vừa giúp các khu vực hạ du “cắt lũ.” Nhưng những gì đang xảy ra lại trái ngược.
Ông Hùng nêu ra các chi tiết thúc đẩy công ty thủy điện Bản Vẽ phải xả tối đa vì “mái đá gia cố dưới cao trình 92m bị xói, bóc sâu hư hỏng gần như hoàn toàn. Mái bê tông gia cố bờ phải bị xói, sập khoảng 120m. Mái đất tự nhiên bờ phải bị sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ sạt tiếp vào nền đường vận hành N3, N4.”
Nói cách khác, ông gián tiếp nhìn nhận phải vội vã xả lũ tối đa để tránh vỡ đập, bất chấp những hệ quả gây ra cho khu vực cư dân bên dưới. Chỉ trong hai ngày 30 và 31 Tháng Tám, tại huyện Tương Dương đã có 239 nhà bị thiệt hại, trong đó 5 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 37 nhà phải di dời khẩn cấp, 185 nhà bị ngập. Chiếc cầu “dân sinh” dài 150 mét gần nhà máy đã bị lũ cuốp trôi hai nhịp giữa.
Ngày 31 Tháng Tám, rất nhiều xã của huyện Tương Dương bị ngập sâu, hàng ngàn người dân hối hả bỏ chạy lên núi để giữ lấy mạng sống.
Ngày 15 Tháng Chín năm ngoái, báo chí trong nước tường thuật lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đi thị sát ở Quảng Bình ra lệnh cho Bộ Công Thương (chủ của các công ty thủy điện) “không để các hồ thủy điện xả đập gây ra lũ.”
Các đập thủy điện vẫn hối hả xả lũ, gây ra ngập lụt với đủ mọi thứ hệ quả bắt người dân hứng chịu. Chỉ trong mấy ngày cuối Tháng Tám sang đầu Tháng Chín, thống kê cho thấy có 11 người chết và sáu người còn mất tích tại các tỉnh miền núi miền Bắc và bắc miền Trung. (TN)
No comments:
Post a Comment