ô gái hở bạo nhảy sexy ăn mừng chiến thắng, nữ ca sĩ tuyên bố sẽ nude khi Việt Nam chiến thắng và bao nhiêu cảnh cởi áo, cởi quần xuất hiện nhan nhản trên báo chí và cũng có hàng trăm con người nhập viện sau mỗi tiếng còi dứt sau mỗi lần “đi bão”.
Báo chí tường thuật và khắc họa những giọt nước mắt, cả bao nhiêu cảnh dở khóc dở cười với cách thể hiện của người hâm mộ qua mỗi bước thăng trầm của đội tuyển U23 Việt Nam. Nhìn những dòng người ào ạt trên các phố phường Việt Nam sau mỗi trận đấu của của đội tuyển U23 không thiếu những cảm giác và suy nghĩ đan xen. Thật dễ thấy những dòng tít kiểu như “U23 Việt Nam đặt cả Châu Á dưới chân bằng chiến thắng để đời”,… và cũng rất nhanh sau đó là dòng trạng thái (status) của huấn luyện viên Park Hang Seo với những lời chửi bới khiếm nhã thậm tệ sau khi đội nhà thất bại trước Hàn Quốc.
Phải chăng bóng đá đã khiến cả xã hội thay đổi?
Tôi sẽ không vội vã để chê bai những cung bậc cảm xúc của các cổ động viên, người hâm mộ môn thể thao vua. Cũng thật dễ hiểu và đồng cảm khi hàng triệu con tim vỡ òa niềm vui khi đội bóng nước nhà dành chiến thắng, và những giọt nước mắt tiếc nuối khi vuột mất cơ hội bước vào chung kết.
Tuy nhiên, tôi thật sự cảm thấy khó hiểu khi niềm đam mê thể thao lại biến thành cuồng si và lố bịch. Chẳng có lý do gì để cứ sau mỗi trận đấu là đường phố tắc nghẽn, lại là những cảnh nam thanh nữ tú không mảnh vải “lên đồng” ngay trên phố xá. Có phải họ quá đam mê bóng đá hay chỉ đơn thuần là cơ hội để họ “quẩy banh nóc nhà” như truyền thông hay tung hứng?
Tôi cũng thấy thương cho các cầu thủ khi phải ngồi hàng tiếng đồng hồ nghe vị đại sứ quán nào đó huyên thuyên rao giảng về trách nhiệm chính trị này nọ, hoặc là phải leo lên nóc xe diễu hành đằng sau vị lãnh đạo ngành nào đó.
Xét cho cùng tình yêu với thể thao là không có lỗi, chỉ cách thể hiện ra mới lộ rõ những thầm muốn bên trong.
Nếu hỏi cô gái nào đó đang tí tớn nhảy nhót miệng không ngớt “tự hào quá Việt Nam ơi” có biết đá bóng hay phân biệt các vị trí hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo gì không, thì rất có thể câu trả lời là không. Cũng với câu hỏi đó với vị lãnh đạo đang lảm nhảm với các cầu thủ sau một trận cầu mệt lử, thì câu trả lời nhận được trong thực tế có lẽ cũng không khác bao nhiêu. Và hai hành động đó đều vô duyên và phản cảm như nhau.
Nước nào khi chiến thắng thì cũng vui mừng nhưng chúng ta đâu đã chiến thắng để vội đặt cả Châu Á, thậm chí cả thế giới xuống gót giày của mình. Bóng đá đơn thuần là môn thể thao. Dù đam mê thế nào thì nó cũng không phải là tất cả cuộc sống của hơn 95 triệu người Việt. Cả một quốc gia coi đó như niềm tự hào và khi vỡ mộng lại quay lại chửi chính huấn luyện viên người đã giúp mình lọt vào tới vòng trong.
Bóng đá cũng không nên mang nhiệm vụ chính trị. Nhiệm vụ chính trị là của những người làm chính trị, những vị lãnh đạo không nên chiếm vinh quang của các bạn trẻ. Hành vi đó người ta gọi là “ăn ké’, là chiếm hào quang sân khấu không phải của mình. Cũng vậy hành vi tạo scandal để được nổi tiếng thì cũng có thể gọi là “ăn hôi”.
Chúng ta chưa tiến vào tới chung kết nhưng đã lộ ra cái thói kiêu ngạo và hống hách của mình. Mà theo ngôn ngữ tuổi teen gọi là “nổ” trên truyền hình báo chí. Chúng ta đang làm hư chính các cầu thủ, làm hỏng cả một thế hệ, và làm tha hóa nhân cách mình khi quên lãng vai trò của mình.
Các cầu thủ bóng đá phải đá bóng, và cố gắng chiến thắng đó là trách nhiệm của họ. Họ đam mê bóng đá, ăn ngủ với bóng đá và nhờ bóng đá họ được những đồng tiền lương thưởng, tủi nhục lẫn vinh quang.
Mỗi người có sở trường, sở thích và cuộc sống riêng. Nếu muốn đất nước có niềm tự hào thì mỗi người phải làm tròn vai trò làm người, làm công dân và làm việc của mình. Đừng để ánh đèn mờ hào quang làm lẫn lộn và biến dạng chân giá trị của mình. Cũng đừng đi tiếm công tiếm quyền, thủ lợi và chiếm vị trí của người khác.
Tôi không trách và cũng không có quyền trách hàng triệu người hò hét sau chiến thắng và thất bại của một đội bóng. Tôi hiểu rằng ngoài những phút huy hoàng chưa trọn vẹn đó thì dân tộc này có quá ít niềm vui và tự hào. Tôi cũng hiểu rằng có những cái đầu chính trị đang muốn biến cái năng lượng bị dồn nén đó qua những dạng thức đơn giản như vậy. Phần nào đó, phải chăng vì dân Việt có quá ít lựa chọn và cũng không biết cách lựa chọn và đủ can đảm để chọn lựa?
Khi nhìn qua thế hệ trẻ lân cận như Hong Kong, tôi biết rằng năng lượng bùng nổ trong hàng triệu con người đó đã được đẩy vào một quả bóng. Nếu như hàng triệu con người nhận ra rằng mình có thể biến đổi xã hội với năng lực tiềm ẩn và sức mạnh nội tại của mình thì họ cũng xuống đường như bạn trẻ Hong Kong. Nhưng không còn phải là để đập phá, la hét vì quả bóng mà vì tương lai của quê hương mình. Cũng một hành động xuống đường nhưng cái ý nghĩa và mục đích khác nhau làm cho mức độ cao đẹp và văn minh cũng khác nhau.
Quay lại bản thân tôi, tôi vẫn sẽ xem đá bóng, vẫn chơi bóng và khuyến khích mọi người chơi thể thao nhưng tôi không xuống đường để thoát y, mà là để đòi nhân quyền và dân chủ như các bạn trẻ Hong Kong.
Trên cửa đền cổ nổi tiếng Apollon tại Delphi, có câu châm ngôn cổ Hy Lạp rằng “Know Thyself” có nghĩa là “hãy biết nhận thức chính mình”. Câu đó luôn làm tôi ấn tượng và trước những hiện tượng xã hội như các trận bóng vừa qua là một tình trạng đánh mất chính mình. Nhiều người tôn thờ thần tượng một cầu thủ nào đó, cũng như cảnh bát nháo inh ỏi trên các đường phố và cả trên phương tiện truyền thông có thể nói có căn nguyên là từ việc không biết mình là ai.
Trên bình diện cá nhân, tập thể và quốc gia tôi nghĩ chúng ta cần đi tìm lại chính mình. Tìm lại căn tính của dân tộc, mà không phải là qua trận bóng, qua việc thoát y sỗ sàng hay “ăn ké” hình ảnh kẻ khác. Đến bao giờ chúng ta trong tư cách dân tộc tìm lại được “cái tôi” đích thật và lành mạnh của dòng giống mình thì lúc đó Việt Nam mới có dấu ấn trên quốc tế. Khi mỗi người trẻ được dạy để làm người, làm công dân, làm việc cách đầy tự trọng và trách nhiệm thì họa may thế hệ tiếp theo mới không lo sợ bị cả thế giới lãng quên.
No comments:
Post a Comment